Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam

Thứ ba - 17/01/2023 10:04 0
Sáng 17/01, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023).
image 20230118080421 1
Kỷ niệm trọng thể 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam
Tham dự Lễ kỷ niệm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.
Cùng dự có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Ngoại giao; đại diện gia đình thành viên hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng gia đình; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan đối ngoại, cơ quan tham gia đàm phán, thực thi Hiệp định Paris; một số đại biểu quốc tế đã trực tiếp và gián tiếp góp phần vào thắng lợi của Việt Nam trong đàm phán và ký kết Hiệp định Paris; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử.
image 20230118080421 2
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tặng hoa các thành viên đoàn đàm phán dự Lễ kỷ niệm
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tặng hoa các thành viên đoàn đàm phán dự lễ kỷ niệm gồm: Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản, nguyên thành viên đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Hà Đăng; nguyên Vụ trưởng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Văn Trình; nguyên Vụ trưởng, nguyên cán bộ phiên dịch của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Ngạc.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành tột bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Việc ký kết Hiệp định Paris cũng là bước ngoặt lịch sử, khẳng định thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến đại thắng mùa Xuân 1975.
Hiệp định là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Thắng lợi của Hiệp định Paris là việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia; góp phần mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á-giai đoạn hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ, hướng đến xây dựng cộng đồng ASEAN. Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Bởi lẽ đó, Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do; vì hòa bình, công lý.
image 20230118080421 3
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Độc lập, tự cường và toàn vẹn non sông là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, ông cha ta luôn chú trọng hoạt động ngoại giao, tạo nên truyền thống và bản sắc riêng của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, hòa hiếu, trọng lẽ phải, chính nghĩa và công lý: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!". Đây là những tư tưởng, triết lý mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
Truyền thống và bản sắc tốt đẹp đó được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, hình thành nền ngoại giao cách mạng Việt Nam gắn liền với tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp chặt chẽ với các mặt trận chính trị và quân sự, mặt trận ngoại giao luôn đóng vai trò trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn, làm rạng rỡ lịch sử dân tộc. Từ đàm phán bảo vệ nền độc lập sau Cách mạng tháng Tám năm 1945; đến đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và đỉnh cao là đàm phán, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, tạo tiền đề để nhân dân ta thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển phồn vinh.
Hiệp định Paris được ký kết cách đây tròn nửa thế kỷ đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại này là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đồng khởi Bến Tre năm 1960, đến Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Tiến công chiến lược Xuân-Hè năm 1972 và chiến thắng vang dội 12 ngày đêm “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”. Ngoại giao đã trở thành một mặt trận tiến công, kết hợp nhuần nhuyễn và chuyển hóa hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự thành thắng lợi trên bàn đàm phán, thể hiện sáng ngời bản lĩnh, cốt cách và trí tuệ Việt Nam, thấm đượm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Hiệp định Paris không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, mà còn đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ và công lý. Phong trào chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên thế giới. Phong trào này đã trở thành biểu tượng của thời đại và tiêu biểu cho lương tri loài người. Vì vậy, chiến thắng của nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Paris cũng như trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng là chiến thắng của nhân dân thế giới trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình, là niềm cổ vũ lớn lao cho các dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chiến thắng của chính nghĩa, đạo lý và công lý.
Thắng lợi tại Hội nghị Paris bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, truyền thống yêu nước nồng nàn, khối đại đoàn kết, bản sắc văn hóa và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối; đời đời biết ơn sự hy sinh xương máu vô cùng to lớn của biết bao cán bộ, chiến sỹ, đồng bào cả nước, sự ủng hộ và hướng về Tổ quốc của kiều bào ta ở nước ngoài.
Trong thắng lợi chung của dân tộc, có đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam, trong đó có sự đóng góp trực tiếp của các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cũng như đội ngũ cán bộ phục vụ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris; trong đó, một số đồng chí đang tham dự Lễ kỷ niệm hôm nay. Hội nghị Paris đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đã tôi luyện nên những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh, những con người đã trở thành những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, về bản lĩnh chính trị, về phong cách và nghệ thuật ngoại giao, được bạn bè quốc tế quý mến như các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Cơ Thạch và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác. Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta tri ân và ghi nhớ sự cống hiến to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp chỉ đạo đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, các thành viên đoàn đàm phán và đội ngũ cán bộ tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao và thực thi Hiệp định Paris.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Paris không tách rời tình đoàn kết trong sáng, sự ủng hộ chí tình về vật chất và tinh thần của nhân dân và bè bạn khắp năm châu. Chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn chân thành các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã sát cánh ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhìn lại cuộc đấu tranh ngoại giao đưa đến ký kết Hiệp định Paris là ôn lại một chặng đường hào hùng trong lịch sử dân tộc, lan tỏa và giáo dục truyền thống vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam độc đáo và đặc sắc. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
image 20230118080421 4
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm
Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia-dân tộc. Đây vừa là nguyên tắc nhất quán, vừa là bài học lớn của cách mạng Việt Nam nói chung và đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris nói riêng. Độc lập, tự chủ trong mọi quyết sách, trong từng bước đi, đã giúp Việt Nam luôn giữ vững thế chủ động tiến công, kiên định mục tiêu và nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược đàm phán, nhờ đó luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.
Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc là sức mạnh của giương cao ngọn cờ chính nghĩa: hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; là sức mạnh của đường lối, sách lược cách mạng đúng đắn của Đảng; là sức mạnh khối đại đoàn kết, truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc; là sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao… Sức mạnh thời đại thể hiện ở khát vọng chung của các quốc gia, dân tộc về hoà bình, phát triển, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng công lý và phẩm giá con người… Sức mạnh dân tộc kết hợp với sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình.
Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Mục tiêu và nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tôn trọng chủ quyền quốc gia như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Sách lược của chúng ta là “vừa đánh, vừa đàm”, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm, từng đối tác trên cơ sở kiên định mục tiêu chiến lược.
Thứ tư, bài học về phong cách, nghệ thuật đối ngoại và ngoại giao mang đậm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh như bài học về nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”; về biết giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng; về tạo dựng và nắm bắt thời cơ để chuyển hóa thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán; về kết hợp tài tình giữa chiến lược và sách lược, giữa chính trị-quân sự và ngoại giao, giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, giữa độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, giữa các lực lượng ngoại giao của miền Bắc và miền Nam, tuy hai mà một, tuy một mà hai...
Thứ năm, bài học về chủ động, tích cực xây dựng lực lượng ngoại giao, trong đó cán bộ là khâu then chốt. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ đạo việc xây dựng lực lượng cán bộ cho đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, có phẩm chất cách mạng, được trang bị kiến thức đối ngoại, phương pháp, kỹ năng và nghệ thuật đàm phán. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lựa, rèn luyện và tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ xuất sắc tham gia mặt trận ngoại giao, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris.
Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, phát huy truyền thống giữ nước của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh giá chính xác thực tiễn cách mạng trong nước và tình hình quốc tế, Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành toàn thắng.
Ngoài những bài học nổi bật nói trên, còn nhiều bài học phong phú từ Hội nghị Paris, nhất là các bài học về phong cách, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để truyền lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau.
Trong công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc cùng với những bài học lịch sử của Hội nghị Paris, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; từng bước xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Từ một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, có chính trị-xã hội ổn định, có nền kinh tế phát triển năng động, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM… Những thành tựu to lớn này càng minh chứng cho ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris và giá trị của chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
image 20230118080421 5
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Paris và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm
Trong không khí xúc động, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris nhớ lại những kỷ niệm về quá trình tham gia đàm phán Hiệp định Paris. "Cuối năm 1968, tôi được chỉ thị của Đảng là tham gia đàm phán ở Paris. Tôi rất cảm ơn các đồng chí lãnh đạo đã có sự tin cậy, giao cho tôi trọng trách lớn. Trong gần 5 năm, tôi đã tham gia cuộc đàm phán ở Paris. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, là 1 trong 4 người đã ký vào Hiệp định Paris", bà nói.
Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Paris nhận định: "Hiệp định Paris là thắng lợi có tính quyết định đi đến giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, gian khổ của cả dân tộc". Bà cũng tri ân các chiến sĩ và đồng bào đã hi sinh vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. 
Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao của Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của phong trào thế giới ủng hộ, đoàn kết với Việt Nam. "Có thể nói sự đoàn kết và ủng hộ hết sức mạnh mẽ của thế giới đã đem lại thêm sức mạnh cho Việt Nam ở trên chiến trường cũng như ở trên bàn đàm phán", bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.
Khẳng định yếu tố quyết định thắng lợi của Hiệp định Paris là nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bày tỏ tự hào về dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng quang vinh; tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đất nước sẽ phát triển mạnh và bền vững.
image 20230118080421 6
Đồng chí Hà Đăng, thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
 phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Đồng chí Hà Đăng, thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chỉ ra rằng, việc Mỹ đặt bút ký Hiệp định Paris đã đặt vị trí Bộ trưởng Ngoại giao của bà Nguyễn Thị Bình ngang hàng với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ William P. Rogers. Điều đó cũng là sự công nhận của Mỹ với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, công nhận sự độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.
Nhấn mạnh việc ký Hiệp định Paris là thắng lợi của ngoại giao Việt Nam, đồng chí Hà Đăng cảm động vì lễ kỷ niệm được tổ chức cũng là sự vinh danh xứng đáng những đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao, "tuy hai là một, tuy một là hai" theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù là đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
image 20230118080421 7
Bà Hélène Luc, Thượng Nghị sỹ danh sự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Hélène Luc, Thượng Nghị sỹ danh sự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt khẳng định, dù 50 năm đã trôi qua kể từ ngày ký Hiệp định Paris 27/1/1973, nhưng những tình cảm và niềm vui trong bà vẫn vẹn nguyên.
Theo bà, toàn thể thế giới đã hân hoan chào đón thắng lợi của dân tộc Việt Nam, chiến thắng đúc kết từ tinh thần anh dũng của nhân dân và từ sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Bà Hélène Luc hồi tưởng: “Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt của Bộ trưởng Xuân Thủy và nụ cười đã đi vào lịch sử của ông, nụ cười của ông Lê Đức Thọ thoáng chút lo âu. Ông là người phụ trách liên lạc giữa Hà Nội và thành phố Choisy-le-Roy (nơi ở của hai đoàn đàm phán). Tôi cũng nhớ rõ khuôn mặt xinh đẹp của bà Nguyễn Thị Bình. Họ đã chinh phục trái tim nhân dân Pháp bằng lòng quả cảm, tính kiên trì và trí tuệ của mình”.
Bà cũng điểm lại sự phối hợp chí tình, khăng khít giữa đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với Đảng Cộng sản Pháp: “Cụ thể cần đảm bảo các điều kiện ăn ở, làm việc tốt nhất cho các đoàn đàm phán với các thành viên đang phải sống xa gia đình. Hơn nữa, cần phát động phong trào đoàn kết để ủng hộ đoàn đàm phán. Điều này không chỉ nhằm khích lệ tinh thần của đoàn, mà còn chỉ rõ cho người Mỹ thấy sự ủng hộ, không chỉ của Pháp, mà còn của cả châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới cho nhân dân Việt Nam”.
Bà nhấn mạnh sự ủng hộ của chính trị gia và nhân dân nước Pháp dành cho phái đoàn Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Paris. Chính Tướng Charles De Gaulle, người từng chịu trách nhiệm khi để nổ ra chiến tranh Đông Dương năm 1954, đã cảnh báo Tổng thống Mỹ: “Các ông đừng phiêu lưu trong cuộc chiến này, sẽ chẳng bao giờ thắng được đâu!”. Ông cũng đã dành sự hỗ trợ quý báu dành cho Phái đoàn Việt Nam về chính trị với sự tham gia của Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ Ngoại giao Froment Maurice và Bộ trưởng Ngoại giao Maurice Schumann và sự ủng hộ về vật chất và an ninh cho phái đoàn.
image 20230118080421 8
Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao Nguyễn Đồng Anh phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Thay mặt tuổi trẻ ngành Ngoại giao phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao Nguyễn Đồng Anh bày tỏ niềm xúc động, trân trọng và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Anh cho biết, tuổi trẻ Ngoại giao ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, phải ra sức gìn giữ và phát huy cho bằng được những thành quả cách mạng vĩ đại đó.
Theo đó, tuổi trẻ Ngoại giao luôn xung kích, tình nguyện, nỗ lực cống hiến bằng sức trẻ và nhiệt huyết, không ngại khó ngại khổ, xung phong đi công tác tại các địa bàn khó khăn, tích cực triển khai thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại, nhất là mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, ngoại giao vaccine, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, bảo vệ độc lập, chủ quyền và nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài…
Trong bối cảnh và nhiệm vụ mới, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với các cán bộ ngoại giao trẻ, nhưng cốt lõi vẫn phải bắt đầu từ việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, tu dưỡng đạo đức, phong cách sống, tinh thần cống hiến, có tình yêu quê hương đất nước, con người, văn hoá Việt Nam, và luôn nuôi dưỡng những khát vọng cao đẹp của tuổi trẻ.
Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ôn lại và giáo dục truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mà còn giúp thế hệ trẻ Ngoại giao ngày nay nghiên cứu sâu sắc, vận dụng sáng tạo các bài học lịch sử rút ra từ Hội nghị Paris; để sống, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với thế hệ cha anh.
Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao cho biết, thế hệ trẻ Ngoại giao hôm nay luôn ghi nhớ và mãi mãi biết ơn công lao của thế hệ cha anh, quyết tâm và xin hứa không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện bản lĩnh để tiếp bước những thế hệ đi trước, trở thành người lính trên tuyến đầu, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tiên phong xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, đóng góp hết sức mình vào thực hiện khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.
Mạnh Hùng
(https://dangcongsan.vn/)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập427
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm424
  • Hôm nay50,059
  • Tháng hiện tại1,180,839
  • Tổng lượt truy cập24,098,130
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây