Y tế Thái Nguyên với nỗ lực đổi mới bắt đầu từ chuyển đổi số

Thứ năm - 30/06/2022 05:05 0
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong lộ trình phát triển, hướng tới một nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả, những năm qua, cùng với cả nước, ngành Y tế Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
image 20220630160012 3
Bác sĩ của Trạm Y tế xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ và Trung tâm Y tế huyện thực hiện ca chẩn đoán và xử trí ban đầu
cho bệnh nhân được kết nối qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa
Với 26 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, 01 bệnh viện tuyến Trung ương hạng đặc biệt, 2 bệnh viện tuyến tỉnh hạng I, 9 bệnh viện hạng II, 14 bệnh viện hạng III và hơn 1.000 quầy thuốc, nhà thuốc..., thời gian qua, ngành Y tế Thái Nguyên không chỉ phục vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tỉnh mà còn là địa chỉ tin cậy của đồng bào các dân tộc vùng trung du, miền núi phía Bắc. Phát huy vai trò là trung tâm vùng, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01), ngành Y tế Thái Nguyên đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý và khám, chữa bệnh; đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% các cơ sở y tế công lập, bệnh viện tư nhân được tích hợp, đồng bộ dữ liệu y tế lên trục tích hợp dữ liệu ngành y tế; duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 90% hồ sơ công việc tại Sở Y tế, 80% hồ sơ công việc của phòng y tế cấp huyện, 60% hồ sơ công việc tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế được xử lý trên môi trường mạng; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử kết nối với phần mềm quản lý hồ sơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 100% bệnh viện hạng I, 50% bệnh viện hạng II triển khai bệnh án điện tử; 100% các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở y tế triển khai hệ thống tư vấn và khám chữa bệnh từ xa, phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phần mềm quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, phần mềm thống kê y tế điện tử, thống kê nhân lực y tế điện tử...
Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành Y tế đã tham mưu xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án như thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Y tế; tổ chức hội nghị chuyên đề chuyển đổi số; xây dựng Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, cùng sự linh hoạt, chủ động trong công tác tham mưu và quản lý các nguồn thu, các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện đã đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, kết hợp chặt ch với nhiệm vụ cải cách hành chính. Theo đó, hiện nay toàn ngành Y tế đã triển khai thực hiện quản lý văn bản và điều hành điện tử, tích hợp chữ ký số trong chuyển, gửi văn bản điện tử; cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 2, 4; quản trị, vận hành, khai thác sử dụng các phần mềm chuyên ngành đặc thù để phục vụ công tác chuyên môn; triển khai sử dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử; thực hiện và liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh; sử dụng Sổ sức khỏe điện tử toàn dân; 100% nhà thuốc đã kết nối liên thông với hệ thống “Cơ sở dữ liệu dược quốc gia”; 100% các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện thực hiện đặt POS thanh toán qua thẻ ATM, thẻ tín dụng, tạo và niêm yết tài khoản, mã QR-Code để người bệnh thanh toán qua các dịch vụ smart banking, ví điện tử…
Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành Y tế Thái Nguyên đã tham mưu tích cực cho các cấp ủy, chính quyền triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch, nhất là việc triển khai các ứng dụng số trong việc giám sát tại các khu cách ly và chốt kiểm dịch, các khu vực tạm thời phong tỏa hay thực hiện giãn cách xã hội; đầu tư trang thiết bị hiện đại trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, các tin nhắn tuyên truyền phòng, chống dịch cũng thường xuyên được gửi tới các thuê bao trên địa bàn; lắp đặt nhiều đường truyền Internet miễn phí vào các khu cách ly, chốt kiểm dịch liên ngành; lắp đặt thiết bị khai báo y tế thông minh; sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe bằng phần mềm, APP Sổ sức khỏe điện tử; quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR-Code; hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến… Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ, đồng hành trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng vc-xin phòng COVID-19, trong đó có việc đồng bộ, xác thực thông tin người dân trên nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với công tác làm sạch dữ liệu tiêm chủng…
image 20220630160012 4
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đầu tư nhiều máy móc hiện đại phục vụ cứu chữa bệnh nhân nhiễm COVID-19
Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số của ngành Y tế Thái Nguyên đã đạt được những hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Tuy vậy, để CĐS thực sự là bệ phóng hướng tới một nền y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập trong nước và quốc tế vẫn cần một chiến lược dài hơi. Thời gian tới, ngành Y tế Thái Nguyên xác định cần tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh, của ngành Y tế để thực hiện tốt Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về CĐS; các quyết định của Bộ Y tế về Chương trình chuyển đổi số, Đề án Khám bệnh, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025; Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thái Nguyên. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin; tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác đầu tư cho mua sắm trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu, hình ảnh, khám chữa bệnh từ xa. Thực hiện có hiệu quả, nhanh gọn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế. Tăng cường phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian để thu và thanh toán viện phí, mua sắm tài sản, thiết bị bằng phương thức không dùng tiền mặt. Phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan để làm tốt công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và chỉ đạo điều hành...
Với nền tảng sẵn có hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng ngay từ tuyến y tế cơ sở; hạ tầng và nhân lực chất lượng cao tại y tế tuyến tỉnh, tuyến Trung ương đóng trên địa bàn, ngành Y tế Thái Nguyên sẽ tiếp tục vững tin trong lộ trình chuyển đổi số, góp phần cùng với tỉnh hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong 15 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Ngọc Thơm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay31,625
  • Tháng hiện tại934,967
  • Tổng lượt truy cập13,356,466
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây