Quán triệt tinh thần đó, ngay đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01).Với quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường…Đây được xác định là kim chỉ nam để phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và đến năm 2030 vươn lên nằm trong nhóm 10 cả nước về CĐS.
Phát triển Thành phố thông minh bằng chính quyền số
Những năm gần đây, hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã từng bước được thực hiện trên các lĩnh vực như: Cải cách hành chính, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục... Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết số 01 được ban hành, quá trình CĐS thực sự trở thành nội dung “thời sự”, tạo nên chuyển động tích cực đối với các ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Trung tâm điều hành thông minh IOC Thái Nguyên
Ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen là công cụ để kết nối chính quyền và người dân, khách du lịch nhằm đưa tin phản ánh kèm theo hình ảnh, video clip về những vấn đề bất cập cần hỗ trợ xử lý trên địa bàn thành phố, hiện có mặt trên các kho ứng dụng Apple Store và Google Play, sẵn sàng cho người dân, doanh nghiệp tải, cài đặt và sử dụng để tương tác với chính quyền tỉnh Thái Nguyên. Ứng dụng C-ThaiNguyen cung cấp 8 tính năng chính, bao gồm: hệ thống phản ánh hiện trường; hệ thống thông tin cảnh báo; thông tin từ chính quyền UBND tỉnh; hệ thống tích hợp thông tin y tế, giáo dục; hệ thống ứng cứu khẩn cấp; hệ thống cổng hỗ trợ các dịch vụ công ích; camera trực tuyến và hệ thống thông tin điều hành chính quyền. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh cài sẵn ứng dụng C-ThaiNguyen, tất cả các công dân ở Thái Nguyên có thể phản ánh ngay bất cứ vấn đề bức xúc nào đang diễn ra tại nơi mình sinh sống.
Được phát triển trên quan điểm lấy công dân, doanh nghiệp là trung tâm để CĐS và phát triển các dịch vụ thông minh, C-ThaiNguyen đang dần trở thành ứng dụng phổ biến của mỗi công dân Thái Nguyên. Đến thời điểm hiện tại, số lượng cài đặt là trên 200 nghìn lượt. Kết quả đồng bộ hoá, liên thông thông tin, đã giúp Thái Nguyên hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên, vượt chỉ tiêu có trên 80% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
Với nhiều tính năng, ứng dụng "C-ThaiNguyen" là công cụ để kết nối chính quyền và người dân, doanh nghiệp tại Thái Nguyên
Từ đây, công tác xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số được triển khai đồng bộ: xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC); ThaiNguyen ID - Nền tảng công dân số đầu tiên dành riêng cho tỉnh Thái Nguyên; thí điểm các giải pháp đô thị thông minh tại thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công; hoàn thành triển khai thí điểm CĐS tại xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai và xã La Bằng, huyện Đại Từ; hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên đã gửi, nhận gần 1,9 triệu văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 7,5 tỷ đồng so với gửi, nhận qua đường bưu điện). Mô hình “Phòng họp không giấy” đã được áp dụng phổ biến từ tỉnh đến các địa phương. Đến nay, Thái Nguyên là địa phương duy nhất đã tổ chức khóa bồi dưỡng quy mô toàn tỉnh về CĐS, tạo được những chuyển biến tích cực…
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, thông qua hệ thống camera trí tuệ nhân tạo, có thể theo dõi, giám sát, nắm bắt được hành trình của các phương tiện từ ngoại tỉnh đi vào Thái Nguyên, qua đó phục vụ công tác theo dõi, kiểm tra, nắm bắt hành trình di chuyển rõ nét. Bằng “
Lá chắn công nghệ” chống dịch với các ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần PC-Covid, nền tảng quản lý tiêm chủng, nền tảng khai báo y tế điện tử bằng mã QR, bản đồ dịch tễ Covid-19..., Thái Nguyên đã bảo vệ “
Tỉnh vùng xanh an toàn” trong suốt đầu mùa dịch tới nay, duy trì hoạt động sản xuất, ổn định đời sống xã hội trong tình hình mới…Theo đó, năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về CĐS (trong đó Chính quyền số đứng thứ 03/63, Kinh tế số đứng thứ 19/63, Xã hội số đứng thứ 37/63). Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động phát triển kinh tế và sản xuất của địa phương, cùng với C-ThaiNguyen, ThaiNguyen ID chính là giải pháp tối ưu trong CĐS đối với quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên.
Chuyển đổi số để thực hiện “mục tiêu kép”
Thái Nguyên thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” phòng, chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới. Với những giải pháp đồng bộ trong CĐS đã phóp phần giúp Thái Nguyên vừa giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống xã hội vừa đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như đối với ngành Nông nghiệp của tỉnh, là một trong 5 lĩnh vực trọng tâm được tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện nội dung CĐS. Từ Nghị quyết số 01, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh đã tích cực vào cuộc, giúp người nông dân thay đổi về tư duy, sẵn sàng tiếp cận các giải pháp công nghệ, khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi, trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh. Hướng tới hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số. Sàn giao dịch điện tử trên C-ThaiNguyen đang dần trở nên phổ biến với các doanh nghiệp và HTX trên địa bàn tỉnh. Mặc dù được triển khai không lâu, nhưng thông tin liên quan đến sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP tiêu biểu trên địa bàn được liên tục đăng tải, tích hợp chỉ dẫn địa lý, quảng bá chất lượng. Mỗi đơn vị được giao nhiệm vụ riêng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất, tham gia thị trường trên môi trường số. Chỉ trong hơn 3 tháng triển khai, ứng dụng đã thu hút hơn 1000 doanh nghiệp tham gia, tạo không khí lao động, sản xuất mới, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, đặc biệt là khu vực HTX, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bằng công nghệ CĐS, những hình ảnh, thông điệp từ sản phẩm Trà Thái Nguyên đã được bà con nông dân gửi đến khách hàng trong và ngoài nước qua thiết bị hỗ trợ Lives trym
Có thể thấy, CĐS là giải pháp hết sức quan trọng, đang là xu thế tất yếu, là con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế; là cơ hội tạo ra những bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển. Năm 2021, Thái Nguyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,56% (cao gấp 02 lần so với trung bình cả nước); tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng/người, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%; giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, tăng 17,9%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 16.750 tỷ đồng, vượt 7,37% so với dự toán; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 14,65 tỷ đồng, tăng 4,18%. Công tác thu hút đầu tư vào tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 52 nghìn tỷ đồng; đã có 35 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 6.377 tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn là 158 triệu USD... Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, đời sống của đại bộ phận Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,17%…Để đạt được những kết quả trên là nhờ kiên định mục tiêu, không ngừng đổi mới nâng cao, chất lượng trong mọi hoạt động CĐS trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Có thể thấy, yếu tố quyết định thành công với những kết quả nổi bật của tỉnh Thái Nguyên sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01, đó chính là việc đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đặc biệt, đó là nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về CĐS.
Phát huy những kết quả đạt được, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trước hết là sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh CĐS trên mọi lĩnh vực, nhằm thực hiện thắng lợi trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng trung du, miền núi phí Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030./.