Thái Nguyên - Nơi đề ra và thực hiện nhiều quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước trong cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc

Chủ nhật - 08/05/2022 23:22 0
Là tỉnh tự do nằm trong căn cứ địa Việt Bắc, hơn nữa có ATK Định Hóa - nơi đặt các cơ quan đầu não kháng chiến, Thái Nguyên không những được coi là hậu phương chi viện sức người, sức của cho kháng chiến mà từ đây, nhiều quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước được ban hành, triển khai thành công trong cả nước.
Thứ nhất, về thực hiện chính sách thuế nông nghiệp
Nhằm đẩy mạnh củng cố hậu phương, đáp ứng với nhu cầu của kháng chiến kiến quốc, ngày 01/5/1951, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 73/SL về thuế nông nghiệp. Ngày 04/8/1951, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên họp ra quyết nghị: Tất cả các cán bộ quân, dân, chính, đảng đều phải học tập và tuyên truyền chính sách thuế nông nghiệp cho nông dân. Phát động chiến dịch thuế nông nghiệp. Thành lập Ban Chỉ huy Chiến dịch thuế nông nghiệp gồm các đồng chí: Hoàng Cừ (Bí thư Tỉnh ủy); Lê Vũ (Tỉnh đội trưởng), Nguyễn Thế Đạt (phụ trách nông dân); Trần Lê Nhân (phụ trách kinh tế - tài chính) do đồng chí Trần Lê Nhân giữ chức Chỉ huy trưởng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ các ngành, các cấp ở tỉnh và huyện (trừ các đồng chí tối cần thiết mới ở lại cơ quan) đều phải xuống huyện và xã làm công tác thuế nông nghiệp.
Việc thực hiện chính sách thuế nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng: Một mặt thể hiện quyền và nghĩa vụ của người nông dân đối với đất nước. Mặt khác, thông qua thuế đóng góp của nhân dân, Chính phủ mới có nguồn quỹ dự trữ quốc gia - đáp ứng yêu cầu kháng chiến. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến ngày 14/9/1951, cán bộ và nhân dân ở hầu hết các xã trong tỉnh đã được quán triệt, học tập chính sách thuế nông nghiệp. Ngày 05/10/1951, toàn tỉnh đã cơ bản lập xong sổ thuế nông nghiệp ở xã. Cuối năm 1951, tỉnh thu được 12.000 tấn thóc thuế, kịp thời đáp ứng nhu cầu đảm bảo cho kháng chiến. Tuy nhiên, năm đầu thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, huyện Phú Lương và Định Hóa gặp nhiều khó khăn. Huyện Phú Lương chỉ thu được 400 tấn thóc so với chỉ tiêu được giao gần 1.500 tấn.
Để khắc phục tình trạng trên, trong 2 ngày (26 - 27/11/1951), Huyện ủy Phú Lương và Định Hoá họp với đại biểu chính quyền, đoàn thể, các ngành và các xã trên địa bàn để thảo luận về chính sách thuế nông nghiệp, tăng gia sản xuất, sửa chữa cầu, đường và huy động dân công phục vụ chiến trường. Hội nghị vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện. Phát biểu tại Hội nghị về thuế nông nghiệp, Người nói: “… chính sách thuế công bằng và hợp lí, giản tiện, lúc đầu bỡ ngỡ lúng túng nhưng sau quen dần đi” (1); Người kêu gọi đồng bào thi đua “nộp mau, nộp đủ, nộp thóc tốt vào kho”(2). Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, sự lãnh đạo trực tiếp và kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ vụ mùa năm 1952 trở đi, năm nào Phú Lương cũng hoàn thành tốt nghĩa vụ thu thuế nông nghiệp. Sau khi thử nghiệm ở Thái Nguyên, chính sách thuế nông nghiệp của Chính phủ được thực hiện rộng rãi ở Liên khu Việt Bắc, các vùng tự do.
Thứ hai, về thực hiện chính sách ruộng đất
Sau khi chọn 2 xã Đồng Bẩm và Dân Chủ (huyện Đồng Hỷ) làm nơi thí điểm thực hiện chính sách giảm tô (tháng 11/1952) bước đầu thu được kết quả, Trung ương chọn thêm 4 xã: Phúc Xuân (Đồng Hỷ), Hùng Sơn (Đại Từ), Đức Liên và Nhã Lộng (Phú Bình) cùng với 2 xã Đồng Bẩm, Dân Chủ (Đồng Hỷ) đã làm thí điểm đợt trước, tiếp tục thực hiện thí điểm triệt để giảm tô. Qua hơn 3 tháng thực hiện thí điểm ở 6 xã, hơn 1.819 mẫu ruộng đất đã được giảm tô, 4.070 hộ gia đình nông dân đã được thoái tô với số thóc gần 406 tấn; 944 hộ gia đình nông dân với 3.645 khẩu đã được chia ruộng đất. Các tổ chức chính quyền, đoàn thể cũng được củng cố lại. Nông dân phấn khởi gia nhập Nông hội, hăng hái thi đua lao động sản xuất và tích cực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.
Từ ngày 25/8 đến ngày 20/10/1953, dưới sự lãnh đạo của Đoàn ủy II, Liên khu ủy Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo tỉnh Thái Nguyên tiến hành giảm tô ở 33 xã thuộc 4 huyện: Phú Bình, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương. Sau đó, từ ngày 20/12/1953 đến ngày 25/01/1954, việc giảm tô tiếp tục được thực hiện ở 32 xã. Thông qua giảm tô, các tổ chức đảng, chính quyền và Nông hội được chấn chỉnh, thành phần trong sạch hơn; trình độ giác ngộ về quyền lợi giai cấp của nông dân trong tỉnh từng bước được nâng lên. Đây là một trong những điều kiện rất quan trọng để thực hiện cải cách ruộng đất - bước cuối cùng, có tính quyết định của chính sách ruộng đất.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện cải cách ruộng đất, ngay từ cuối năm 1952, Trung ương giao cho Thái Nguyên làm thí điểm điều tra nông thôn. Trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được trong cuộc vận động giảm tô và kết quả làm thí điểm điều tra nông thôn của tỉnh, cuối tháng 12/1953, Trung ương Đảng quyết định chọn 6 xã: Hùng Sơn, An Mỹ, (nay là Mỹ Yên), Bình Thuận, Trần Phú (nay là Khôi Kỳ), Tân Thái, Độc Lập (nay là Tiên Hội) thuộc huyện Đại Từ làm thí điểm cải cách ruộng đất theo sắc lệnh về chính sách ruộng đất do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 12/4/1953 và Luật Cải cách ruộng đất ban hành tháng 12/1953. Sau 3 tháng thực hiện, đến ngày 20/3/1954, đợt thí điểm cải cách ruộng đất ở 6 xã thuộc huyện Đại Từ kết thúc. Giai cấp địa chủ ở 6 xã hoàn toàn bị đánh đổ. Trên 2.610 mẫu ruộng, 352 con trâu, bò, 1.062 nông cụ sản xuất, 33 ngôi nhà và 2.479 kg thóc... từ trong tay giai cấp địa chủ, đã được chia cho nông dân nghèo.
http://www.tuyengiao.vn/Uploads2012/Tho.jpg
Hồ Chủ tịch thăm nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau cải cách ruộng đất (9/1954)
Thắng lợi của cuộc vận động thực hiện giảm tô, đặc biệt là thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất đợt 1 ở Thái Nguyên và Thanh Hóa đã nhanh chóng vang dội khắp nơi, góp phần cổ vũ các tầng lớp nông dân lao động cả nước hăng hái sản xuất, đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến; đồng thời cổ vũ cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ở ngoài mặt trận hăng hái tiến lên tiêu diệt giặc.
Thứ ba, về triển khai thực hiện cải cách giáo dục
Liên khu Việt Bắc được thành lập theo Sắc lệnh số 127-SL, ngày 04/11/1949 của Chủ tịch nước. Từ năm 1950, Liên khu Việt Bắc đã ban hành và triển khai “Đề án phát triển nền giáo dục dân chủ hóa trong Liên khu” với nhiệm vụ: Chấn chỉnh giáo dục nhà trường, đặc biệt cấp trung học, gấp rút đào tạo cán bộ cho giai đoạn tổng phản công. Khuyến khích và hướng dẫn phong trào tự học trong nhân dân. Nâng cao và phát triển nền giáo dục ở miền ngược …”(3).
Được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương và Liên khu Việt Bắc; sau ngày quét sạch quân Pháp ra khỏi địa bàn tỉnh (12/10/1950), Thái Nguyên có nhiều thuận lợi để triển khai cải cách giáo dục theo chủ trương của Đảng. Bộ máy quản lý công tác giáo dục ở tỉnh được kiện toàn. Ty Tiểu học vụ được đổi thành Ty Giáo dục phổ thông, Ty Bình dân học vụ đổi thành Ty Bổ túc văn hóa. Nhiều cán bộ có kinh nghiệm được tỉnh điều về tăng cường cho cơ quan quản lí giáo dục. Công tác đào tạo cán bộ được đặc biệt chú ý. Ty Giáo dục phổ thông chủ động mở các lớp đào tạo giáo viên cấp I, kịp thời đáp ứng nhu cầu dạy học cho con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ty Bổ túc văn hóa cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng văn hóa nghiệp vụ cho hàng trăm cán bộ làm công tác bổ túc văn hóa ở cơ sở. Nhờ các cố gắng về củng cố tổ chức và đào tạo cán bộ, nên cả giáo dục phổ thông, bổ túc văn hóa và xóa nạn mù chữ đã thu nhiều kết quả. Năm học 1950 - 1951, trên địa bàn tỉnh, 74 xã trong tổng số 81 xã có trường cấp I, số giáo viên và học sinh đều tăng so với năm học trước. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp cấp I toàn tỉnh đạt 71% (cao nhất kể từ khi thành lập chính quyền cách mạng). Toàn tỉnh duy trì được 1.268 lớp bình dân học vụ, thu hút 19.963 học viên; 27 xã và 12 thôn đã xóa xong nạn mù chữ.
Thứ tư, nhiều chủ trương, quyết sách về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; quyết định mở các chiến dịch lịch sử được ban hành
- Ngày 24/5/1947, tại Việt Bắc, Hội nghị dân quân, tự vệ, du kích toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Từ Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho Hội nghị xác định rõ vị trí chiến lược của dân quân, tự vệ trong cuộc chiến tranh nhân dân. Thu - Đông 1947, thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 08/10/1947, tại ATK Định Hóa, Bác Hồ gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích, tự vệ và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch tấn công lên Việt Bắc. Ngày 15/10/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp, nêu lên phương hướng và những biện pháp hành động cụ thể cho quân và dân Việt Bắc.
- Ngày 04/7/1948, tại Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Đảng đoàn Chính phủ đã họp bàn giải quyết một số việc quan trọng như: Thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao làm nhiệm vụ trực tiếp điều khiển các Ủy ban Kháng chiến Hành chính. Hợp nhất Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy. Cử Thứ trưởng Tuyên truyền trong Phủ Chủ tịch. Cho ý kiến về sắc lệnh lưu hành đồng tiền “Việt” (Việt Nam đồng).
- Năm 1949 tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nhiều sắc lệnh quan trọng cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành như: Sắc lệnh hợp nhất Liên khu I và Liên khu X thành Liên khu Việt Bắc và thành lập Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên thuộc Liên khu Việt Bắc); Sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương; Sắc lệnh về chính sách nghĩa vụ quân sự;...
- Tháng 6/1950, tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại” (4).
- Cuối tháng 9/1953, tại bản Tỉn Keo, thôn Lục Rã, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954. Tiếp đó, ngày 06/12/1953, cũng tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra một quyết định lịch sử: mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi.
Thứ năm, ATK Thái Nguyên là đầu mối các quan hệ trong và ngoài nước
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến trường toàn quốc bị chia cắt; vùng tự do và vùng tạm bị địch chiếm xen kẽ nhau, việc giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự liên hệ giữa ATK Định Hóa với các địa phương, các chiến trường khắp ba miền Bắc - Trung - Nam vẫn được giữ vững. Tại đây, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy thường xuyên nhận được tình hình chiến sự ở các nơi và kịp thời đề ra phương hướng chỉ đạo cụ thể. ATK Định Hóa còn là nơi đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài. Năm 1948, tại một địa điểm thuộc xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của Chu Ân Lai, bàn về việc phối hợp chiến đấu giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội cách mạng hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Từ ATK, chuyến đi bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc và Liên Xô (01/1950) đã mở ra một thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trung Quốc, Liên Xô, sau đó một loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tiếp các đoàn nước ngoài như Liên Xô, Pháp, Thụy Điển,… Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cử một số cố vấn sang Việt Nam, thường xuyên làm việc tại ATK Định Hóa, giúp đỡ Chính phủ ta về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính. Ngày 01/9/1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), huyện Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là Lễ nhận quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với những hoạt động cụ thể của tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục và những chủ trương, quyết sách lớn của cơ quan đầu não đã được thông qua từ ATK Thái Nguyên để lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc đi đến thắng lợi cho thấy tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử là hậu phương, là trung tâm căn cứ địa kháng chiến của cả nước; xứng đáng trở thành thủ đô của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người luôn coi mảnh đất Thái Nguyên là quê hương thứ 2 của mình đã khẳng định: “Rõ ràng, Thái Nguyên là thủ đô của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân xâm lược Pháp. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến kiến quốc được quyết định ở đây và từ đây Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lãnh đạo toàn quốc thực hiện” (5).
Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947 - 20/5/2022) là dịp để mỗi chúng ta nhận rõ vị trí, ý nghĩa và vai trò to lớn của ATK Thái Nguyên trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng; phát huy những thế mạnh, tiềm năng của địa phương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã và đang quyết tâm xây dựng tỉnh ngày càng giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, tiến bộ về văn hoá xã hội, vững bước trên con đường đổi mới để góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu./.

(1,2) Tỉnh ủy Thái Nguyên: Báo cáo số 72-BC/TN ngày 4/12/1951 về việc Hồ Chủ tịch về nói chuyện ở Phú Lương và Định Hóa.
(3) Văn kiện Đảng bộ Liên khu Việt Bắc, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng khu tự trị Việt Bắc, xuất bản 1971, tr 114 - 115.
(4) Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 289.
(5) Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc; xuất bản năm 2004, tr 11,12.
Hứa Thị Kiều Hoa (Tổng hợp)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập162
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm159
  • Hôm nay27,587
  • Tháng hiện tại240,784
  • Tổng lượt truy cập26,487,434
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây