Đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều thay đổi, ảnh hưởng thuận lợi đối với cách mạng Việt Nam. Trên thế giới đã hình thành hai phe: Xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Ở Việt Nam, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của ta giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Tiếp sau chiến thắng ở Việt Bắc Thu - Đông 1947, quân và dân cả nước hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc, đẩy mạnh phát triển lực lượng kháng chiến.
Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, đồng thời nhằm khắc phục khó khăn mới do sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào cuộc chiến tranh Đông Dương, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 6/1950, tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên) đã quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”(1). Ngày 2/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời kêu gọi: “Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này. Để thắng trận này, các chiến sĩ ở mặt trận ấy phải kiên quyết, dũng cảm trăm phần trăm; các chiến sĩ ở các khu, các mặt trận phải ra sức thi đua giết giặc lập công để hết sức tiêu diệt địch, kiềm chế địch, không cho chúng tiếp viện mặt trận Cao - Bắc - Lạng”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương họp tại Định Hóa (Thái Nguyên),
quyết định mở Chiến dịch Biên giới năm 1950 (ảnh tư liệu)
Hưởng ứng thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18/9/1950, Tỉnh ủy Thái Nguyên phát động cuộc vận động “Tuần lễ thi đua giết giặc lập công” trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân địa phương (bao gồm cả bộ đội địa phương, dân quân, du kích và tự vệ). Thực hiện cuộc vận động này, 2.313 cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương, dân quân, du kích và tự vệ Thái Nguyên phối hợp với bộ đội chủ lực tiến hành thắng lợi cuộc diễn tập đánh địch tấn công vào địa bàn tỉnh. Ban Chỉ huy Tỉnh đội và Ban Chỉ huy các huyện đội trong tỉnh mở 22 lớp huấn luyện kĩ thuật đánh địa lôi cho dân quân, du kích. Trên các tuyến đường đi vào trung tâm Căn cứ địa Việt Bắc, Ban Chỉ huy Huyện đội Phổ Yên và Ban Chỉ huy Huyện đội Đại Từ thành lập 37 trạm gác của dân quân, du kích, làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người lạ mặt đi vào ATK.
Để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu phục vụ chiến dịch; bảo vệ ATK kháng chiến Việt Bắc (nơi ở và làm việc của các cơ quan đầu não kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ và quân đội), trong “Tuần lễ thi đua giết giặc lập công”, quân và dân Thái Nguyên đã đào 2.577 hố tác chiến, 1.912 mét giao thông hào; sửa và đào mới 678 hầm bí mật, 5.327 hầm trú ẩn, huy động 147 ngày công rào làng chiến đấu. Nhân dân trong tỉnh đóng góp lập “Quỹ kháng chiến”, ủng hộ bộ đội địa phương và dân quân du kích 20.700kg thóc, gạo và 48.437 đồng tiền mặt...
Trên mặt trận biên giới, sau khi quân ta tấn công và tiêu diệt được cụm cứ điểm Đông Khê (diễn ra từ ngày 16 - 20/9/1950), Thất Khê bị uy hiếp trực tiếp và quân Pháp ở thị xã Cao Bằng bị cắt đường ứng cứu, có nguy cơ bị tiêu diệt. Trước tình hình đó, ngày 29/9/1950, địch tập trung 4 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội lính dù, với khoảng 3.000 quân, mở cuộc hành quân “Phoque” (Chó biển) tấn công vào thị xã Thái Nguyên, nhằm uy hiếp trung tâm Căn cứ địa Việt Bắc, đồng thời hy vọng che giấu được thất bại của chúng trên mặt trận biên giới,trấn an được dư luận trong chính giới Pháp...
Với quyết tâm chiến đấu bảo vệ trung tâm Căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não kháng chiến, quân và dân Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh và Liên khu Việt Bắc chiến đấu, đánh trên 60 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương 950 tên địch (có gần 600 tên bị tiêu diệt), bắn rơi 1 máy bay, bắn hỏng nặng 3 ca nô, thu 160 khẩu súng các loại. Ngày 12/10/1950, quân Pháp buộc phải rút hết khỏi địa bàn Thái Nguyên. Tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược Pháp. Chiến công của quân và dân Thái Nguyên đã bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía Nam Căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, làm thất bại một kế hoạch lớn của Bộ Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương.
Tại biên giới Việt - Trung, quân ta tiếp tục truy kích, tiêu diệt địch. Bị thất bại nặng nề, Bộ Chỉ huy Pháp quyết định rút chạy khỏi Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập. Hệ thống phòng thủ biên giới mà địch dày công xây dựng nhanh chóng sụp đổ. Ngày 14/10/1950, chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi. Sau 29 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt 10 tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, bắt sống toàn bộ ban chỉ huy hai binh đoàn Lơ Pa-giơ, Sác-tông và đồn Đông Khê; thu trên 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh; giải phóng một dải biên giới với chiều dài 750 km và một vùng đất rộng lớn khoảng 4.000 km2 với 35 vạn dân...
Với chiến thắng Biên giới năm 1950, thế địch bao vây, phong toả đối với Căn cứ địa Việt Bắc đã bị phá vỡ; con đường liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với quốc tế được mở ra trên nhiều hướng. Quân đội ta đã giành được quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính (Bắc Bộ). Cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang thời kỳ phát triển mới với nhiều thắng lợi to lớn hơn./.
Hứa Thị Kiều Hoa
(1) Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 289.
(2) Hồ Chí Minh:
Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t. 6, tr. 86.