Ngày 09/11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Học viện Lục quân tổ chức Hội thảo khoa học: "Các tỉnh, thành phố phía Nam với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới (Nguồn: vtvgo.vn) |
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II, III, IV và các trường chính trị cấp tỉnh khu vực phía Nam (từ tỉnh Quảng Bình trở vào).
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, bên cạnh nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” sau 3 năm triển khai, Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm Ban Tuyên giáo, các trường chính trị cấp tỉnh và một số cơ quan, đơn vị, nhà trường có liên quan từ đó nâng cao chất lượng, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng trong cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ, giảng viên các Ban Tuyên giáo, trường chính trị, lực lượng vũ trang các địa phương tạo sức mạnh trên mặt trận tư tưởng - lý luận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo |
Ghi nhận thời gian qua, Ban chỉ đạo 35 có sự thống nhất, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị từ Trung ương tới địa phương, giữa các ban, ngành cùng địa phương với nhau, cấp ủy, người đứng đầu nhiều cơ quan đơn vị nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch qua đó, mang lại hiệu quả rất tích cực, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải được thực hiện thường xuyên, toàn diện hơn nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức chính trị, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên từ đó kiên định mục tiêu, khẳng định thành quả đất nước, các địa phương đã đạt được, kiên quyết đấu tranh có căn cứ, có sức thuyết phục trước những luận điệu sai trái, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.
"Muốn vậy phải có hạt nhân, đội ngũ chủ chốt am tường lý luận, có kiến thức thực tiễn, có khả năng bút chiến, luận chiến, xây dựng các tuyến bài viết chất lượng nhất là trên mạng xã hội có đủ sức thuyết phục, lôi cuốn sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.
Sau thành công của cuộc thi viết chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” thu hút hơn 8.000 bài dự thi của chủ yếu là cán bộ các Ban Tuyên giáo, giảng viên các trường chính trị và cán bộ, đảng viên trên cả nước, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, đây là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức, là cơ sở quan trọng để xây dựng đội ngũ viết chính luận tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cuộc thi cũng cho thấy, nơi nào cấp ủy, lãnh đạo thực sự quan tâm, chỉ đạo, tổ chức rút kinh nghiệm thì việc thực hiện Nghị quyết 35 rất tốt. Một số địa phương lực lượng mỏng, không có kinh nghiệm viết bài, chất lượng bài viết chưa cao, thiếu sức thuyết phục.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II, III, IV và các trường chính trị cấp tỉnh khu vực phía Nam |
Do đó, bên cạnh nâng cao nhận thức, nhận diện, làm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị đề cao chủ nghĩa dân túy, đi vào một số sự việc, hiện tượng để xuyên tạc, chống phá, các ngành, các địa phương cần rút kinh nghiệm để có những cách làm tốt hơn, cung cấp thông tin, tập huấn thường xuyên về phương pháp, kỹ năng viết bài, phối hợp đồng bộ trong cả hệ thống chính trị trong phương pháp đấu tranh mà trước hết là trong bài giảng, chuyên đề đang giảng dạy ở các trường chính trị, các học viện để truyền đạt đến cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý, các học viên đang theo học khắc phục cho được bệnh lười, ngại học lý luận.
Với hơn 146 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Lục quân, các Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, các trường chính trị các tỉnh phía Nam và một số trường đại học, cao đẳng trong khu vực, Hội thảo đã làm rõ những yêu cầu đặt ra trong đổi mới công tác tuyên giáo, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các địa phương, học viện, nhà trường nhằm phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các địa phương, học viện, nhà trường trong công tác này.
Trên cơ sở các bài tham luận, các ý kiến thảo luận, trao đổi tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ chắt lọc để tham mưu, tư vấn cho Ban Chỉ đạo 35 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng chương trình phối hợp, liên kết giữa Học viện với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; giữa Học viện với các các bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang; giữa các trường chính trị cấp tỉnh trên cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, đưa nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất./.