Báo chí Việt Nam là lực lượng tuyến đầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chủ nhật - 28/11/2021 19:50 0
(ĐCSVN) - Các hoạt động báo chí đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đầy thách thức đối với những người lãnh đạo, quản lý báo chí trước những âm mưu thủ đoạn của các thế lực, thù địch, phản động. Vì vậy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý đấu tranh chống quan điểm thù địch, sai trái là yêu cầu tất yếu khách quan.

Cương lĩnh chính trị được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (sửa đổi, bổ sung tại Đại hội lần thứ XI) và tiếp tục khẳng định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013:“Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định:“Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng… Tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch”[1]. Nghị quyết số 35-NQ/TW ban hành ngày 22/10/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đã xác định phải “phát huy vai trò của báo chí truyền thông”.

Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với báo chí; báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy việc phục vụ Đảng và Nhân dân làm mục tiêu cao cả. Báo chí cách mạng là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng; “bài báo là tờ hịch cách mạng” tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước, cổ vũ, tập hợp và đoàn kết, nâng cao và bồi dưỡng nhận thức, tình cảm cho quần chúng Nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Báo chí Việt Nam là lực lượng tuyến đầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ảnh minh họa 

Sự ra đời của báo chí xuất phát từ nhu cầu tất yếu, khách quan đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của báo chí trong đời sống chính trị, văn hóa - tinh thần ở nước ta. Hồ Chí Minh căn dặn:“Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”[2].

Trong bối cảnh hiện nay cuộc đấu tranh tư tưởng chính trị, đấu tranh giai cấp quyết liệt, tinh vi với âm mưu, thủ đoạn mới; cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực truyền thông, báo chí. Các thế lực thù địch sử dụng internet, mạng xã hội, truyền thông đại chúng, đặc biệt là xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam (như VOA tiếng việt, RFA, RFI, BBC việt ngữ) để nói xấu Việt Nam; lợi dụng các sai sót trong quản lý để kích động biểu tình trái phép và xuyên tạc... Từ những đặc điểm đó có thể thấy tính tất yếu, khách quan qui định báo chí Việt Nam trở thành lực lượng tuyến đầu, đi đầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, phản động.

Thực tiễn đã chứng minh, dưới ngọn cờ tư tưởng của Đảng “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng luôn đồng hành và có những đóng góp hết sức to lớn và hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh bại hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, xóa bỏ áp bức bóc lột, giành độc lập dân tộc, mang lại tự do hạnh phúc cho Nhân dân, tiếp tục sự nghiệp xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí nước ta tiếp tục phát huy vai trò to lớn của mình là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo đã có đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hoá - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng và mở rộng quan hệ đối ngoại.

Báo chí nước ta phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 851 cơ quan báo chí, 20.000 phóng viên, 50.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí với hàng nghìn ấn phẩm các loại, lượng phát hành hơn 600 triệu bản/năm. Đây là lực lượng hùng hậu của báo chí truyền thông nước nhà. Chức năng, nhiệm vụ của báo chí ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm và mở rộng hơn; là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, tiếng nói, diễn đàn của nhân dân,... Thông qua báo chí và bằng báo chí, Đảng ta thực hiện quyền lãnh đạo của mình. Chức năng và nhiệm vụ của báo chí là đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với dân để dân hiểu, dân biết và làm theo. Đồng thời tập trung phản ánh những vấn đề bức xúc, những điểm “nóng”, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phản biện chính sách, qua đó gợi mở, góp ý, bổ sung vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, báo chí cũng thường xuyên bám sát các vấn đề, đưa tin về những sự kiện, vụ việc liên quan, cung cấp số liệu, tình hình thực tế để các cơ quan có thẩm quyền tham khảo, củng cố thêm cơ sở khoa học trong hoạch định đường lối, chính sách. Quá trình đó cũng chính là tham gia tích cực vào nhiệm vụ đấu tranh làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước có sức sống trong thực tiễn.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới đòi hỏi báo chí Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây:

1. Luôn kiên định, giữ vững lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, báo chí ra đời chịu sự lãnh đạo của Đảng “báo chí - chính trị”. Đảng phải lãnh đạo báo chí. Hồ Chí Minh khẳng định nguyên tắc bất di, bất dịch là:“Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”[3].

Do đó không thể có báo chí “phi chính trị” “tự do báo chí” như các thế lực phản động rêu rao, báo chí phục vụ chính trị, trong báo chí có chính trị, báo chí ra đời do yêu cầu của cuộc đấu tranh giai cấp vô sản. Báo chí cách mạng phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm phản động, sai trái, giả dối, lừa bịp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia dân tộc. Báo chí cách mạng phải có tính chiến đấu với tính cách là biểu hiện cao nhất của tính đảng, là bản chất, là tiêu chí cao nhất của báo chí cách mạng. Điều đó trước hết thể hiện ở đường lối chính trị của tờ báo. Báo chí thực chất là hoạt động chính trị, thông tin trên báo chí quan trọng nhất là thông tin chính trị. Theo đó với nhãn quan chính trị sâu sắc Hồ Chí Minh cho rằng:“Người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc”; “Chính trị phải làm chủ. Chính trị đúng thì việc gì cũng đúng, chính trị sai thì việc gì cũng sai”[4].

Chỉ có quán triệt và nhận thức đầy đủ, đúng đắn quan điểm đó, đội ngũ những người làm báo mới nhận diện được các quan điểm thù địch, phản động, sai trái là gì? Đó là những quan điểm đối lập, thù địch với những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của quốc gia dân tộc.

Trong các quan điểm sai trái báo chí cũng cần phân biệt, đâu là những quan điểm sai trái do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, do các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau; đâu là những quan điểm sai trái do cố tình, cố ý “không hiểu”, do dùng những “thủ thuật ngụy biện, đánh tráo vấn đề”, “đánh tráo khái niệm”... để rút ra những kết luận không đúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước xuất hiện với mức độ, tần suất ra tăng hơn bao giờ hết. Chúng dùng mọi âm mưu thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để xuyên tạc, vu khống, lừa dối trắng trợn, chửi bới, thật giả, trắng đen lẫn lộn, tìm mọi cách “hạ bệ”, “kết thúc” hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Rằng chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời, lạc hậu, hết sứ mệnh lịch sử, cần phải được thay thế… thông qua các bài viết, phát biểu trên mạng xã hội, truyền thông đăng tải các nội dung sai sự thật, cắt cúp làm ru ngủ, mê hoặc lòng người.

Trước tình hình đó đòi hỏi những người làm báo không chỉ có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn phải hết sức tỉnh táo để xem xét, thông qua việc viết các tin, bài đấu tranh, phê phán, phản bác các quan điểm thù địch, sai trái một cách khoa học, thuyết phục, với tinh thần lấy “cái đẹp” dẹp “cái xấu”. Chỉ có như vậy, báo chí mới làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước có sức sống trong thực tiễn; mới bảo vệ và chiến thắng được kẻ thù lý luận, tư tưởng của mình. Báo chí cần có lập trường, thế giới quan đúng đắn, nhân sinh quan lành mạnh để nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá ta. Và thực tiễn cho thấy chỉ có đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo chí mới có niềm tin vững vàng, chỗ dựa tinh thần vững chắc để đấu tranh phản bác lại các quan điểm thù địch, sai trái. Bởi lẽ, mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam không gì khác là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không có bóc lột; ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đây là một tiêu chí quan trọng giúp chúng ta phân biệt những quan điểm đúng đắn với các quan điểm thù địch, sai trái.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí nhất là đáp ứng yêu cầu đấu tranh phê phán các quan điểm thù địch, sai trái bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đang là một thách thức lớn. Vì hiện nay thông tin ngày càng đa dạng, phong phú và nhanh chóng “thế giới phẳng” chúng ta không thể hạn chế và kiểm soát toàn bộ thông tin trên internet và mạng xã hội. Đứng trước các yêu cầu đó, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã có những bước phát triển mới về quan điểm lãnh đạo báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động ngày càng tốt hơn. Ngày 03/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, sắp xếp hệ thống các cơ quan báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo chí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí. Các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Tăng cường đổi mới hình thức, nội dung đa dạng các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền làm cho nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Thông qua Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, công tác chỉ đạo, quản lý, hoạt động báo chí rõ ràng hơn, công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin và định hướng thông tin nhanh chóng, chính xác. Các vấn đề mới nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước… thông tin cho báo chí nhanh chóng, kịp thời, đúng đắn, khách quan để các cơ quan báo chí chủ động tiếp cận xây dựng kế hoạch và tổ chức thông tin có hiệu quả.

Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn hoạt động của báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế và những vấn đề mới về lý luận hiện nay, từ đó hình thành các luận cứ khoa học và nâng tầm lý luận báo chí. Báo chí cần phải khẳng định rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về tính cách mạng khoa học và sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Bên cạnh đó cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí cần có những cuộc hội thảo chuyên đề, tọa đàm, làm sáng tỏ các luận cứ khoa học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đặc biệt bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Theo Tổng Bí thư: “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Từ góc nhìn thực tiễn của Việt Nam, trả lời mấy câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”

Đây là nội dung chỉ đạo, định hướng rất quan trọng để báo chí đi đầu tập chung tuyên truyền sâu, rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xứng đáng là lực lượng xung kích đi đầu đấu tranh chống quan điểm thù địch, điểm sai trái bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, là tiếng nói của nhân dân,…; đồng thời là diễn đàn tin cậy của các tầng lớp Nhân dân.

Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Đảng lãnh đạo trực tiếp toàn diện báo chí bằng đường lối, chủ trương, chính sách, những định hướng lớn và nội dung tư tưởng đối với báo chí, bằng công tác cán bộ đối với các tổ chức cơ quan báo chí. Nghị quyết TW 5 (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí đã nhấn mạnh phải hoàn thiện cơ chế chính sách và luật pháp.

Thực tiễn cho thấy, các hoạt động báo chí đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đầy thách thức đối với những người lãnh đạo, quản lý báo chí trước những âm mưu thủ đoạn của các thế lực, thù địch, phản động. Vì vậy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý đấu tranh chống quan điểm thù địch, sai trái là yêu cầu tất yếu khách quan. Cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí ngoài tri thức, hiểu biết về báo chí, cần có trình độ lý luận chính trị, hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quản lý nhà nước, am hiểu pháp luật; có khả năng vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống đạt hiệu quả cao. Người cán bộ báo chí nắm vững chính trị là để vận dụng vào hoạt động nghề nghiệp một cách linh hoạt, phù hợp, chứ không tự biến mình thành “ông cán bộ tuyên huấn thứ hai”, rao giảng, thuyết giáo dài dòng. Khi đấu tranh chống các quan điểm này không được áp đặt chủ quan, không dùng mệnh lệnh hành chính đơn thuần; phải lấy thực tiễn khách quan làm tiêu chuẩn, thước đo để đấu tranh, phê phán, bác bỏ. Không được lấy ý muốn chủ quan của cá nhân để đánh giá các quan điểm này, phải công tâm, khách quan, xem xét cẩn trọng, không gán ghép. Cùng với việc đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm thù địch, sai trái cần khẳng định, tuyên truyền, phổ biến những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định những thành tựu trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.

Có năng lực, bản lĩnh về chuyên môn nghiệp vụ quyết định “đăng hay không đăng” tin, bài nào đó liên quan đến lợi ích của Đảng, quốc gia dân tộc. Khi xem xét các quan điểm này cần lấy lợi ích của dân tộc, Tổ quốc, Nhân dân, lợi ích của Đảng, Nhà nước ta lên hàng đầu.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa nhiều tin, bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

 3. Đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên

Nói về đội ngũ những người làm báo, theo Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”[5]. Nhà báo phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân.

Để làm tốt sứ mệnh đó đòi hỏi nhà báo trước hết phải có trình độ chính trị, hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng ở những mức độ khác nhau theo chức trách đảm nhiệm. Nhà báo phải có lập trường chính trị vững vàng. Theo Hồ Chí Minh, hoạt động báo chí là hoạt động chính trị - xã hội nên nhiệm vụ của báo chí là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nhà báo phải là chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh cách mạng. Do đó, lập trường chính trị tư tưởng vững chắc là tiêu chuẩn và là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi người làm báo. Hồ Chí Minh yêu cầu nhà báo “phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản”. “…nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”[6].

Xuyên suốt quan điểm của Người về báo chí, Hồ Chí Minh luôn đặt yêu cầu cao đối với tiêu chuẩn chính trị với nhà báo. Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959, Người nói:“tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”.

Do vậy, phải thường xuyên nâng cao trình độ lý luận chính trị cho phóng viên bằng nhiều hình thức như: học tập chính trị, thảo luận chuyên đề, thực tiễn tác nghiệp báo chí hoặc thông qua sinh hoạt của chi bộ, đoàn thanh niên, công đoàn… Thông qua các hình thức này đội ngũ phóng viên, biên tập viên không chỉ nắm vững quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những chủ trương và chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước,... mà còn có điều kiện thể hiện chính kiến quan điểm của mình, thể hiện tin, bài một cách khách quan, khoa học.

Muốn thực hiện tin, bài có hiệu quả các phóng viên báo chí phải nắm vững và kiên định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững những quy luật phát triển khách quan của sự vật, am hiểu tình hình thực tế, nắm vững nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân. Đội ngũ phóng viên cần phân biệt rõ quan điểm thù địch, sai trái, trên cơ sở đó có các phương pháp đấu tranh, phê phán cụ thể, phù hợp; các quan điểm thù địch là các quan điểm mà chúng ta không thể nhượng bộ. Do vậy, với các quan điểm thù địch, chúng ta phải cương quyết đấu tranh. Các quan điểm sai trái là những quan điểm không đúng với hệ tư tưởng, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Những quan điểm sai trái này thường hay đi đôi với sự “xuyên tạc, bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen, thông tin sai lệch...”. Về thực chất tất cả các quan điểm thù địch, sai trái đều đi ngược lại lợi ích của quốc gia dân tộc, của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Các quan điểm thù địch công khai đối địch, công khai bảo vệ lợi ích của một tổ chức, giai cấp nào đó đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc. Trong các quan điểm sai trái cũng có những quan điểm do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, do ấu trĩ, thiếu hiểu biết về chính trị nên bị lôi kéo hoặc “vô tình” đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc. Cũng có quan điểm sai trái về hình thức khác với quan điểm thù địch vì là sai lầm, nhưng về bản chất đồng nhất với quan điểm thù địch. Bởi lẽ, sai lầm có chủ đích, có tính toán, có cân nhắc, có cố ý thì sẽ trở thành “sai lầm - thù địch”, chứ không còn là sai lầm thiếu hiểu biết nữa. Những quan điểm “sai lầm - thù địch” này cũng cần kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.

Với những quan điểm sai trái do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, do các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau thì chúng ta cần phải tăng cường các bài viết, phân tích trao đổi, cảm hóa bằng các lập lu ận, luận cứ khoa học, khách quan, đầy tính thực tiễn chứ tuyệt đối không nên áp đặt chủ quan chỉ ra những sai lầm, lỗ hổng, thiếu căn cứ... trong nhận thức.

Với những quan điểm sai trái do cố tình “không hiểu”, do dùng những “thủ thuật ngụy biện, đánh tráo vấn đề”, “đánh tráo khái niệm”... để chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước thì chúng ta vừa phải thuyết phục, vừa kiên quyết đấu tranh bác bỏ. Thuyết phục ở đây bằng cách chỉ ra những sai lầm “phi logic”, những thủ thuật “đánh tráo khái niệm”, những mánh khóe “ngụy biện”, những “lỗ hổng khoa học” của họ. Kiên quyết đấu tranh với nghĩa coi đây là kẻ thù tư tưởng, quyết không nhượng bộ, thái độ phải dứt khoát “bác bỏ”, đồng loạt “lên án” trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là báo chí, tạo diễn đàn công khai và bán công khai.

Theo Hồ Chí Minh: Đạo đức, lối sống của người làm báo không có gì khác đối với mọi cán bộ, đảng viên, đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên hằng ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như vậy thì trong cơ quan báo chí sẽ không có người vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật; không bị sa ngã, làm cho môi trường báo chí cũng trở nên trong sạch hơn.

Mỗi người làm báo phải đi đầu xác định bản lĩnh chính trị, kiên định vững vàng tuyệt đối tin tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Điều đó không phải tự nhiên mà có, nó phải là sự không ngừng học tập, trau rồi, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Đấu tranh chống biểu hiện tha hóa, sa ngã, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai; đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa trung thực và dối trá, giữa lòng tham và sự tốt bụng, giữa sự đố kỵ và vị tha,... “Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên”[7]. Mỗi quyết định viết tin, bài cần phải đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặt lợi ích giai cấp, quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết, vì cái chung./.                                                                                                  



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr. 324, NXBCTQG ST- năm 2021.

[2]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.166

[3]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.168

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9.Nxb CTQG, H.2005, tr.415.

[5]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.466

[6]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.166

[7]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.187.

TS Nguyễn Văn Minh

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập201
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm200
  • Hôm nay50,534
  • Tháng hiện tại150,145
  • Tổng lượt truy cập24,746,898
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây