Chủ nghĩa xã hội: Một tất yếu của lịch sử thế giới

Thứ sáu - 31/12/2021 21:17 0
(ĐCSVN) - Vào một đêm lạnh giá cuối năm 1991, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chấm dứt sự tồn tại. Các thế lực tư bản và phản động hý hửng vội vàng có thể kết liễu chủ nghĩa xã hội bằng “chiến thắng không cần chiến tranh”(1) để chủ nghĩa tư bản trở thành “điểm đến cuối cùng của lịch sử”(2)… Sự thật thì hoàn toàn khác hẳn!

Chủ nghĩa xã hội vẫn thể hiện sức mạnh và sức sống ngay trong những bước vận động quanh co của lịch sử. Nhìn lại 30 năm sự biến ở Liên Xô (1991-2021), một lần nữa khẳng định điều này có ý nghĩa tư tưởng - lý luận và chính trị - thực tiễn rất thiết thực.

1. Ước mơ về một xã hội phồn vinh, hạnh phúc, không còn bóc lột, áp bức, bất công đã sớm xuất hiện ngay từ buổi mình minh của lịch sử nhân loại, nhất là từ khi xã hội loài người phân chia thành giai cấp. Kế thừa và phát triển tinh hoa tư tưởng và lý luận của nhân loại vào bối cảnh thế kỷ XIX, C.Mác - Ph.Ăngghen đã tiếp tục phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội, đem lại cho lý luận hàng trăm năm tuổi này bản chất khoa học bằng cách chỉ rõ con đường, lực lượng, phương pháp, chiến lược của cách mạng vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngay từ khi Tuyên ngôn Đảng Cộng sản được xuất bản lần đầu tiên đầu năm 1848, trình bày một cách hệ thống những nội dung cơ bản của học thuyết sau này mang tên C.Mác vĩ đại trên cả ba bình diện triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, nhiều đại diện của giai cấp tư sản đã hốt hoảng la ó: Đây là bóng ma ám ảnh châu Âu ! Họ có lý do để hốt hoảng, vì lý luận của Mác đã thức tỉnh mọi người về các quy luật vận động tất yếu của lịch sử và về cách thức lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa để xây dựng chế độ xã hội tốt đẹp hơn, từng bước đưa con người từ “vương quốc của tất yếu” đến “vương quốc của tự do”.

 Một chướng ngại vật do lực lượng cách mạng dựng lên trên đường phố Pari, ngày 18/3/1871 (Ảnh tư liệu)

Hơn 20 năm sau Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, vô sản Pháp đã lãnh đạo quần chúng cách mạng lật đổ chính quyền tư sản và thiết lập Công xã như chính quyền của công nhân tại Thủ đô Paris, Kinh đô Ánh sáng của toàn châu Âu ngày ấy. Công xã đã phá tan huyền thoại về sức mạnh “bất khả chiến bại” của chính quyền tư sản, thậm chí đã buộc cả chính quyền tư sản Pháp cùng đội quân xâm lược của đế chế Đức phải bỏ Paris tháo chạy về Versailles. Tồn tại và hoạt động trong 72 ngày, Công xã Paris là biểu tượng cao đẹp của vô sản “chọc thẳng lên Trời”, khiến các thế lực tư bản không chỉ hoảng hốt với “bóng ma” cộng sản, mà thật sự hoảng loạn với hiện thân của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản ngay giữa sào huyệt của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỷ XIX.

Như vậy là, lý luận chủ nghĩa xã hội không hề là “bóng ma” do ai đó tung ra hoặc một sức mạnh huyền bí nào tạo thành, mà là tư tưởng của toàn nhân loại, đúc kết những ước mơ, khát vọng cao đẹp của xã hội loài người và được C.Mác - Ph.Ăngghen phát triển thành khoa học của sự nghiệp giải phóng.

2. Đến đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã có gần 3 thế kỷ hình thành và phát triển, tính từ cách mạng tư sản Anh năm 1640. Cùng với chế độ tư bản chủ nghĩa ở chính quốc, chủ nghĩa tư bản còn có hệ thống thuộc địa rộng lớn toàn cầu, tạo thành sức mạnh tưởng như không gì phá vỡ nổi! Diễn biến của lịch sử lại rất khác! Năm 1917, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích do Người đứng đầu, Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga giành thắng lợi, lật đổ chính quyền Sa hoàng - tư sản, thiết lập chính quyền của các Xô viết công - nông - binh và khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là những ngày tháng làm “rung chuyển thế giới”, đúng như nhà báo Mỹ John Reed trực tiếp chứng kiến và mô tả (3). Thành công của Cách mạng tháng Mười và sự ra đời của nước Nga xã hội chủ nghĩa đã chấm dứt gần 3 thế kỷ chế độ tư bản chủ nghĩa độc tôn trên bản đồ chính trị thế giới; đã biến chủ nghĩa xã hội từ lý luận khoa học trở thành hiện thực sinh động; đã khai sinh ra một hình thái kinh tế - xã hội mới trong lịch sử nhân loại có thiên chức phủ định biện chứng hình thái tư bản chủ nghĩa. Ý nghĩa to lớn và nhiều mặt như vậy của sự kiện đã làm cho tất thảy các thế lực tư bản đế quốc tức nghẹn mà nhiều thập kỷ sau đó vẫn không thể “nuốt trôi”!

Trong tâm thế bị rung chuyển như vậy, các thế lực tư bản đế quốc và phản động ra sức tuyên truyền về Cách mạng tháng Mười và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước Nga, sau này là toàn Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết như một sản phẩm duy ý chí của lãnh tụ Lênin…! Thực tế cho thấy, không vĩ nhân nào có thể tự tạo ra được cuộc cách mạng đưa quốc gia dân tộc và cả thế giới bước vào trang sử mới như Cách mạng tháng Mười, nếu không có nhu cầu khách quan từ chính lịch sử. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 nổ ra là để đáp ứng kịp thời và hữu hiệu yêu cầu của mục tiêu phát triển khi thế giới bước vào thế kỷ XX.

Ngay sau khi ra đời, nước Nga Xô viết đã phải đương đầu với cuộc bao vây, tấn công của các lực lượng đế quốc quốc tế. Cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa đã kiên cường trụ vững; đồng thời, năng động triển khai chính sách kinh tế mới trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Theo con đường tháng Mười và nước Nga Xô viết, hàng chục quốc gia và nước cộng hòa đã thống nhất thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) năm 1922, khẳng định rất sáng tỏ đây là lựa chọn của hơn 200 triệu nhân dân các dân tộc toàn Liên bang có diện tích trên 22 triệu km2, một vùng lãnh thổ thật sự rộng lớn xuyên từ châu Á sang châu Âu. Liên bang Xô viết đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội rất ấn tượng, nêu ra một hình mẫu về hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc; về văn minh và tiến bộ xã hội; về giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng lao động và giải phóng con người.

Với bản chất hiếu chiến đặc trưng, các thế lực tư bản đế quốc và phát xít một lần nữa thực hiện dã tâm tiêu diệt chủ nghĩa xã hội bằng cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945). Trước thử thách mang tính sống còn, nhân dân Xô viết đã tổ chức cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vượt qua đói rét khắc nghiệt và lửa đạn của cả phe “Trục” hung hãn, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và truy quét phát xít đến tận sào huyệt Berlin. Động lực gì đã thôi thúc hàng trăm triệu Hồng quân và nhân dân Xô viết cảm tử viết nên bản hùng ca vĩ đại ? Đó là động lực từ một chế độ xã hội ưu việt, thể hiện sự lựa chọn của lịch sử và phản ánh tất yếu vận động của thế giới ở thế kỷ XX.

Lãnh tụ Đảng Bônsêvích V.I.Lênin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết  tại Đại hội Xô Viết toàn Nga ngày 7/11/1917 tại điện Smolnya,  ngay sau khi chiếm Cung điện Mùa Đông. (Ảnh tư liệu)

3. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng ở hàng loạt quốc gia châu Âu (CHDC Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Bungary, Rumani, Anbani…), châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Mông Cổ, Triều Tiên, Lào) và khu vực Mỹ Latinh (Cuba), tạo thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Bên cạnh đó, có hàng chục quốc gia khác định danh xã hội chủ nghĩa trong quốc hiệu của mình và nhiều quốc gia Á - Phi - Mỹ Latinh tuyên bố định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên bản đồ thế giới nửa sau thế kỷ XX, màu đỏ tượng trưng cho phong trào xã hội chủ nghĩa chiếm tỷ lệ gần như tương đương với màu trắng tượng trưng cho các nước tư bản chủ nghĩa. Có ai tự ý vẽ được bản đồ như vậy, nếu không có cơ sở từ hiện thực như hiện thân của tất yếu lịch sử thế giới?

Chỉ tính riêng các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa có cùng mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, đã có thời chiếm gần 1/3 diện tích, 1/4 dân số và 40% sản lượng công nghiệp toàn thế giới. Với người lao động ở vị trí làm chủ xã hội, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đạt nhiều thành tựu vĩ đại; đã phát triển kinh tế rất mạnh mẽ, vượt qua chủ nghĩa tư bản về tốc độ tăng trưởng trong nhiều thập kỷ, công nghiệp hóa thành công, nhanh chóng xóa bỏ tình trạng nghèo nàn ở nhiều quốc gia, trở thành một lực lượng kinh tế - vật chất hùng hậu trên thế giới. Phát triển xã hội với nhiều ưu việt về văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở, thể thao, bình đẳng giới, phúc lợi xã hội và quyền của nhân dân lao động nói chung. Phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ với tốc độ và thành tựu bước ngoặt, dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực, điển hình là khoa học vũ trụ, kỹ thuật quân sự... Thực hành nền đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển, gắn hòa bình với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết, bình đẳng trong sinh hoạt quốc tế; tạo ra một kiểu quan hệ quốc tế mới giữa các quốc gia dân tộc; giương cao ngọn cờ chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chỉ một chế độ xã hội là sản phẩm đích thực của thời đại lịch sử mới có thể đạt nhiều thành tựu rực rỡ và đem lại cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc cho hàng tỷ con người, như chủ nghĩa xã hội hiện thực đã thực hiện trên thực tế!

4. Trong những năm tháng chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng nặng nề, những đầu óc tư bản đế quốc và phản động trên thế giới đều chỉ biết hình dung ra viễn cảnh toàn bộ các quốc gia xã hội chủ nghĩa lần lượt sụp đổ như các quân bài đôminô (4)! Một lần nữa, lịch sử lại phải dạy cho họ một bài học cần thiết: Thông qua cải cách, đổi mới, chủ nghĩa xã hội vượt qua khủng hoảng và phát triển rất đặc sắc trong bối cảnh mới của thời đại.

Cải cách chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc (từ năm 1978), đổi mới ở Việt Nam (từ năm 1986) và các quá trình tương tự ở các nước xã hội chủ nghĩa khác được triển khai với các nguyên tắc đúng đắn; vừa toàn diện, đồng bộ vừa có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, giải pháp phù hợp; vừa kiên định và sáng tạo, kế thừa và phát triển, gắn lý luận với thực tiễn, gắn quốc gia với thế giới. Nhờ vậy, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và cường quốc lớn nhất đang trỗi dậy; Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; Cuba hiên ngang trước bao vây cấm vận, kiên định xây dựng quốc gia xã hội chủ nghĩa độc lập, có chủ quyền, dân chủ, thịnh vượng và bền vững; các nước xã hội chủ nghĩa khác đều có nhiều thành công trong xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội. Đây thật sự là một quá trình cải cách, đổi mới thành công cả về tư duy lý luận, nhận thức, tầm nhìn và thực tiễn, chủ trương, chính sách, khẳng định xung lực của chủ nghĩa xã hội trước mọi sóng cồn, gió cả của thời cuộc.

 

Không chỉ thể hiện sức sống ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội còn hiện diện trong các phong trào đấu tranh nhân dân rộng lớn trên toàn thế giới đang phê phán, bác bỏ mô hình tự do mới tư bản chủ nghĩa và năng động đưa ra các phương án thay thế vì một thế giới khác tốt đẹp hơn (Alternatives to neoliberalism for an other better world). Quen thuộc nhất là các phong trào trong khuôn khổ Diễn đàn Xã hội thế giới, Diễn đàn Sao Paulo, Diễn đàn chống chủ nghĩa đế quốc, Hội thảo Vì một thế giới cân bằng, Hội thảo Xã hội mới và các đảng chính trị…, được tổ chức thường niên tại Mỹ Latinh, quy tụ đông đảo công dân và các tổ chức dân sự toàn thế giới, trong đó có rất nhiều cá nhân và tổ chức đến từ các nước tư bản phát triển. Nói theo ngôn từ của C.Mác, đây chính là “những ô cửa sổ nhỏ” trong xã hội tư bản để nhìn về xã hội cộng sản tương lai!

Đặc biệt, chủ nghĩa xã hội đang được thực hiện với mô hình và con đường mới ở Venezuela và một số quốc gia Mỹ Latinh khác trong hơn hai thập kỷ vừa qua kiên định chiến đấu vì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Từ mục tiêu chống đế quốc, vì độc lập, chủ quyền quốc gia và dân chủ, công bằng xã hội, Venezuela đã đến với mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Giành chính quyền bằng lá phiếu dân chủ, Venezuela đã giữ chính quyền bằng cả sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự. Phát triển kinh tế thị trường, nhưng Venezuela nhất quán với mục tiêu đảm bảo cho người lao động có trường học, bệnh viện, nhà ở và phúc lợi xã hội. Trong khuôn khổ nền chính trị đa đảng, Venezuela xây dựng, củng cố vai trò cầm quyền của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV). Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với tư tưởng Simón Bilívar và các tư tưởng cách mạng khác của Mỹ Latinh thành nền tảng tư tưởng của Đảng cầm quyền và công cuộc cách mạng. Với tư cách là một tất yếu lịch sử, chủ nghĩa xã hội tiếp tục có những con đường mới trong thế giới hiện nay.

Từ hiện thực phong phú không thể bác bỏ, có đầy đủ cơ sở để khẳng định quá trình ra đời, phát triển của chủ nghĩa xã hội cả về lý luận và thực tiễn đều phản ánh một tất yếu của lịch sử thế giới. Chủ nghĩa xã hội đã kết thúc thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản, mở ra thời đại cách mạng vô sản, thời đại cùng tồn tại giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, thời đại giải phóng dân tộc lật đổ hệ thống thuộc địa, thời đại đấu tranh nhân dân rộng lớn phê phán mô hình tự do tư bản chủ nghĩa, thời đại cải cách và đổi mới chủ nghĩa xã hội. Càng ngày, phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới càng có nhiều chương trình, hình thức, bước đi sáng tạo, đem lại sức sống mới cho lý luận và thực tiễn xã hội chủ nghĩa. Đó chính là biện chứng lịch sử không thể đảo ngược trong thời đại ngày nay!

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo - nguyên Phó giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh
 
 
 

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập188
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm187
  • Hôm nay48,494
  • Tháng hiện tại1,179,274
  • Tổng lượt truy cập24,096,565
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây