Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, phát huy các giá trị lịch sử của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên

Thứ tư - 05/01/2022 07:38 0
Hiện nay, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chính trị luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta trên mọi lĩnh vực, nhất là tư tưởng, lý luận. Chúng thường xuyên tuyên truyền luận điệu sai trái, phản động, xuyên tạc lịch sử với nhiều hình thức, nhất là trên internet, mạng xã hội; tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, một bộ phận giới trẻ ngày nay có biểu hiện sống thiếu lý tưởng, lãng quên quá khứ và không biết trân trọng những truyền thống tốt đẹp, hào hùng, vẻ vang của dân tộc.
     Trước tình hình đó, công tác tư tưởng, lý luận đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, nhằm làm sáng tỏ các chặng đường lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng; tổng kết thực tiễn, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.
     Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác lịch sử; tạo điều kiện thuận lợi để các ngành, địa phương làm tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” (Chỉ thị số 20). Ngay sau khi Chỉ thị số 20 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 20 (Kế hoạch số 110-KH/TU, ngày 15/11/2018), đồng thời giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu tổ chức hội nghị quán triệt nội dung Chỉ thị số 20 và Kế hoạch số 110-KH/TU tới thường trực cấp ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; lãnh đạo các trung tâm chính trị cấp huyện; đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh. Các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đều xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 20 cụ thể, sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, có lộ trình thực hiện theo từng năm. Các cấp ủy đảng đã ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, đơn vị nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống; kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện; tăng cường kinh phí, nâng cao chất lượng biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử. Từ khi triển khai Chỉ thị số 20 đến nay, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngày càng sâu sắc, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác chính trị, tư tưởng.
Anh sach lich su
Một số cuốn sách lịch sử do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản
     Nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể, từ năm 2018 đến tháng 12/2021, cấp tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản 07 cuốn sách lịch sử: Biên niên Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1936-2016; Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Nguyên; Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1945-2020; Đại đội Thanh niên xung phong 915 - Khúc tráng ca bất tử; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập I (1936-1965); Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập II (1965-2000); Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập III (2001-2020). 19 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã xuất bản được cuốn sách lịch sử truyền thống của ngành, đơn vị viết đến năm 2010. Đối với cấp huyện, tất cả 9 huyện, thành phố, thị xã đã hoàn thành việc biên soạn, bổ sung, tái bản lịch sử Đảng bộ đến năm 2015 và năm 2020. Đối với xã, phường, thị trấn, trong thời gian vừa qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ cấp xã cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến năm 2021, có 169 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương.
     Để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương, các cấp ủy đảng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu, rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân với nhiều hình thức phong phú như: qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, hội nghị, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, sinh hoạt chuyên đề, trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng; kỷ niệm các sự kiện chính trị lớn tại địa phương, đơn vị; sách, báo, tạp chí... Đặc biệt, đối với thanh thiếu nhi, các cấp bộ đoàn đã tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử, truyền thống của đất nước, của Đảng bộ tỉnh, đảng bộ địa phương, của Đoàn qua các thời kỳ, qua đó, tuyên truyền giáo dục về lịch sử cách mạng, phát huy lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự tôn dân tộc trong đoàn viên thanh niên, thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh… Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích cách mạng, kháng chiến được các địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện có hiệu quả. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá về giá trị các di tích lịch sử - văn hoá đến bạn bè trong nước, quốc tế gắn với quảng bá di sản như: Tổ chức vinh danh, ca ngợi giá trị truyền thống lịch sử, cảnh đẹp của di tích tại các buổi lễ đón bằng xếp hạng di tích tại địa phương. Công tác giáo dục lịch sử trong đào tạo, bồi dưỡng, trong các nhà trường cũng được các cấp ủy đảng quan tâm chú trọng. Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị cấp huyện đã chủ động đưa nội dung tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị. Sở Giáo dục và Đào tạo các trường học lồng ghép nội dung thích hợp về giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương vào môn lịch sử và các môn khoa học xã hội khác (ngữ văn, địa lý, giáo dục công dân, tự nhiên - xã hội...); tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng cho giáo viên và học sinh được các nhà trường thông qua nhiều hình thức như: đưa vào giảng dạy trong giờ chính khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ,… Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, việc chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh phê phán, phản bác các thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng ta được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện thường xuyên.
     Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn một số hạn chế như: Chất lượng một số bản thảo lịch sử địa phương chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các cuốn lịch sử đã xuất bản nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng; một số ban, ngành cấp tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống ngành, đơn vị.
     Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -  xã hội thuộc tỉnh, tỉnh Thái Nguyên cần chú trọng một số nội dung sau: 
     Một là, 
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư, Kế hoạch số 110, Quy định số 410 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Coi công tác lịch sử Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng trước mắt và lâu dài để giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.
     Hai là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử theo hướng ổn định lâu dài, bố trí đủ cán bộ chuyên trách lịch sử Đảng có chuyên môn, kinh nghiệm ở ban tuyên giáo các cấp. Tăng cường bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở các địa phương.
     Ba là, tăng cường định hướng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương lồng ghép giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về các sự kiện lịch sử; ưu tiên dành thời lượng tuyên truyền về lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử các đảng bộ, địa phương trong tỉnh, về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, về các anh hùng liệt sĩ.
     Bốn là, tổ chức tốt các hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
     Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống cách mạng là nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng. Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, góp phần làm sâu sắc, phát huy các giá trị lịch sử của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đào Quỳnh Thơ

Nguồn tin: tuyengiaothainguyen.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập196
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm189
  • Hôm nay48,861
  • Tháng hiện tại1,179,641
  • Tổng lượt truy cập24,096,932
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây