Ngày 15/5, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong giảng dạy lý luận chính trị”.
Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ; đại biểu phòng, ban, khoa của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ, Trường Chính trị tỉnh; đại biểu trung tâm chính trị các huyện, thành phố. Các đồng chí: Nguyễn Thu Huyền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh và Nguyễn Phúc Ái, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo nhận được gần 20 tham luận, thảo luận về nội dung nâng cao chất lượng giảng dạy và tuyên truyền, giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó, nhiều tham luận tập trung vào các nội dung về ý nghĩa và giá trị bền vững của tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong công tác giáo dục lý luận chính trị; thực tiễn vận dụng giáo dục “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong giảng dạy lý luận chính trị tại các trung tâm chính trị cấp huyện; giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao tính thuyết phục, truyền cảm hứng đạo đức cách mạng cho học viên; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, giảng viên trong việc xây dựng môi trường giáo dục chính trị trong sạch, mẫu mực…
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ phát biểu tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ đã nêu ý nghĩa, giá trị phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ của xã hội, khi các giá trị đạo đức truyền thống đang phải cạnh tranh gay gắt với những giá trị thực dụng, thì việc giữ gìn, phát huy đạo đức cách mạng càng có ý nghĩa sâu sắc. Chính vì vậy, xây dựng đạo đức cách mạng và thực hành giáo dục “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là sợi dây nối kết giữa lý tưởng và hành động, giữa Đảng và nhân dân, giữa hiện tại và tương lai dân tộc, là biện pháp góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí đề nghị các đươn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thực hành giáo dục về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tính kỷ luật, dân chủ trong tập thể, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm chuẩn mực đạo đức. Đồng chí cũng đề nghị Trường Chính trị tỉnh tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, đưa nội dung các chỉ thị, quy định của Đảng gắn với học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ một cách sinh động, gần gũi. Xây dựng các bài giảng chuyên đề, kết hợp sử dụng công nghệ số, video minh họa, và các câu chuyện thực tiễn để tăng tính hấp dẫn trong các giờ giảng tại nhà trường. Tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, qua đó, tạo điều kiện để mỗi cán bộ, giảng viên, học viên hiểu rõ hơn về những kiến thức lý luận và thực tiễn để thực hiện tốt nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Lưu Đường Tăng