Phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ

Thứ tư - 22/03/2023 12:09 0
Được xem như Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ kiến tạo xây dựng nền văn hóa mới, mà còn thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ theo phương châm phàm những gì phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng đều phải đấu tranh. Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục rọi sáng cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong tình hình hiện nay.
Những tư tưởng văn hóa lớn thường ra đời vào “đêm trước” các cuộc cách mạng, có ý nghĩa đột phá giải phóng văn hóa, nghệ thuật khỏi sự cầm tù của các tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, khai sáng cái mới, tạo tiền đề ý thức - tư tưởng cho cách mạng xã hội. Mở đường cho cái mới, cái tiến bộ ra đời và phát triển đòi hỏi tư tưởng - lý luận văn hóa phải thể hiện tinh thần đấu tranh với cái ác, cái xấu, cái lạc hậu, thoái bộ. Ra đời trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nước ta chuyển biến nhanh chóng, Đề cương về văn hóa Việt Nam(1) (sau đây gọi tắt là Đề cương) không chỉ mang ý nghĩa kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng, mà còn hiện thân cho tinh thần đấu tranh chống lại chính sách văn hóa thực dân, phát xít, chống lại các tư tưởng phản động hoặc những luận thuyết, trào lưu văn nghệ không có lợi cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc lúc bấy giờ.
1
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu tham dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, năm 1962 _Nguồn: hochiminh.vn
1. Đề cương ra đời vào năm 1943 khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang chuyển sang giai đoạn chuẩn bị trực tiếp cho đấu tranh giành chính quyền. Thực dân Pháp và phát xít Nhật đều ra sức lôi kéo, ru ngủ trí thức, văn nghệ sĩ, thực hiện các chính sách đầu độc về tư tưởng, hủy hoại nền văn hóa dân tộc với cường độ chống phá lớn hơn và thủ đoạn xảo quyệt hơn, mưu toan làm suy yếu sức mạnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước chính sách của Pháp, Nhật, trí thức, thanh niên nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng phân hóa: một bộ phận lừng chừng, thờ ơ với thời cuộc, vùi đầu vào “tháp ngà nghệ thuật”, lảng tránh trách nhiệm xã hội của người cầm bút; một số bị cuốn vào các tổ chức và hoạt động do Pháp, Nhật lập ra, quên đi nhiệm vụ cứu nước, thậm chí có người còn cam tâm làm bồi bút, tay sai; một bộ phận không nhỏ có tinh thần yêu nước, chống Pháp, Nhật, có cảm tình với Việt Minh. Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943 chỉ rõ: “Văn hóa hết sức bị kìm hãm, bất cứ cái gì có ý nghĩa tuyên truyền và giải trí công chúng đều bị kiểm duyệt. Các nhà văn cấp tiến bị hạ ngục hay đe dọa. Nhưng một nhóm văn sĩ liếm gót giày, lĩnh phụ cấp ra sách báo, bợ đỡ Nhật - Pháp và ca ngợi tục lệ phong kiến giật lùi”(2). Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương: “Vận động văn hóa - Đảng cần phải phái cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hóa, đặng gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc chống lại văn hóa phát xít thụt lùi. Ở những đô thị văn hóa như Hà Nội, Sài Gòn, Huế v.v. phải gây ra những tổ chức văn hóa cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai hay bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hóa và trí thức (ví dụ có thể tổ chức những nhóm “văn hóa tiền phong”, “nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác”, “nhóm nghiên cứu lịch sử Việt Nam”)”(3).
Được rọi sáng bởi tinh thần đó, cuộc đấu tranh trên địa hạt tư tưởng, văn hóa trở thành một mặt trận nóng bỏng, có quan hệ trực tiếp đến toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Kiến tạo nền văn hóa mới và đấu tranh với các chính sách văn hóa thực dân, phản động trở thành hai mặt của cuộc cách mạng văn hóa, có quan hệ thúc đẩy nhau. Không thể kiến tạo nền văn hóa mới nếu không bắt đầu bằng đấu tranh, bóc trần chính sách văn hóa phản động của thực dân, phát xít đang tiêm nhiễm, cổ xúy các tư tưởng lạc hậu, dị đoan, đầu độc tinh thần nhân dân ta. Đấu tranh với các tư tưởng, chính sách văn hóa thực dân, bóc trần bản chất phản động và tính nguy hiểm, độc hại của nó trở thành nhiệm vụ cấp bách trong cuộc cách mạng văn hóa. Vì vậy, ngay từ lý do ra đời, nội dung của Đề cương đã toát lên tinh thần chiến đấu mạnh mẽ với các tư tưởng, chính sách văn hóa phản động của thực dân Pháp, phát xít Nhật và phong kiến tay sai.
2. Đề cương đã bóc trần bản chất phản động trong chính sách văn hóa của thực dân Pháp và phát xít Nhật, mưu toan hủy hoại nền văn hóa dân tộc, đầu độc nhân dân, ru ngủ trí thức, văn nghệ sĩ, mưu toan làm cho họ quên đi trách nhiệm xã hội của người cầm bút trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Đề cương minh định nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” trong cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận văn hóa.
Trong bối cảnh phong trào giải phóng dân tộc lên cao, Pháp, Nhật càng lo sợ càng tìm cách đối phó, gia tăng mức độ sử dụng các công cụ tư tưởng, văn hóa, mưu toan đánh lạc hướng dư luận, ru ngủ nhân dân, phân hóa, lôi kéo trí thức, văn nghệ sĩ còn lừng chừng, hoang mang, bế tắc trước thời cuộc. Cường độ sử dụng công cụ tư tưởng, văn hóa được Đề cương vạch rõ ở cả đàn áp, cấm đoán các nhà văn hóa tiến bộ và thành lập các cơ sở truyền bá văn hóa phẩm, thể thao, tổ chức triển lãm, diễn thuyết, ca kịch, chiếu bóng, trao đổi du học sinh...
Nếu trong chế độ thuộc địa, truyền bá tư tưởng phản động là chủ trương nhất quán, xuyên suốt thì trong điều kiện chính quyền thực dân bị phát xít hóa càng lộ rõ tính phản động tột cùng. Việc nhồi sọ tư tưởng “Đại Đông Á” của phát xít Nhật hay cổ xúy các tư tưởng thần bí, hoài nghi, gieo rắc nỗi bi quan trong nhân dân của thực dân Pháp không khác gì đưa “thuốc độc tinh thần” vào đầu óc con người. Tính nguy hiểm của Nhật là lợi dụng tâm lý căm ghét, tinh thần chống Pháp của nhân dân ta mà đưa ra thuyết “anh cả da vàng”, tuyên truyền “chủ nghĩa Đại Đông Á”, làm cho không ít người ngộ nhận tưởng Nhật là “cứu tinh” cho người da vàng và văn hóa Nhật Bản đang “chiếu rọi những tia sáng văn minh tiến bộ cho các giống nòi Đại Đông Á”(4)
Đề cương vạch rõ, thực dân Pháp và phát xít Nhật không từ một mưu mô, thủ đoạn nào, như trấn áp, khủng bố, bắt bớ, giam cầm, hăm dọa, mua chuộc các nhà tư tưởng, văn nghệ sĩ tiến bộ, phân hóa lực lượng dân tộc; kiểm duyệt chặt chẽ văn hóa phẩm; nâng đỡ, cấu kết với nhiều tổ chức tôn giáo để tuyên truyền cho các tư tưởng duy tâm thần bí gắn với dung dưỡng các hủ tục, tiếp tục “cầm tù” nhân dân ta trong vòng tăm tối, lạc hậu; làm ra vẻ săn sóc, quan tâm kiểu mỵ dân bằng cách cho lập trường cao đẳng thể dục, tổ chức các “phong trào thể thao”, các hoạt động hướng đạo sinh,... làm cho người dân quên đi thân phận nô lệ, mất nước. Nhập khẩu các văn hóa phẩm cổ xúy cho tư tưởng lãng mạn, yếm thế,... để tuyên truyền trong thanh niên, thúc đẩy tư tưởng hoài nghi, làm cho người dân rơi vào bế tắc, bi quan, suy sụp tinh thần, không thấy lối thoát, triệt tiêu nhuệ khí dân tộc.
Sau khi nêu nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa”, Đề cương đều mở ngoặc đơn giải nghĩa nội dung đấu tranh với mọi biểu hiện phản dân tộc, phản đại chúng và phản khoa học. Chữ “hóa” có ý nghĩa rộng hơn, bao hàm cả “xây” và “chống”, nhưng việc mở ngoặc đơn giải nghĩa cho các nhiệm vụ “chống” có ý nghĩa như chỉ ra công việc cấp bách lúc bấy giờ của văn hóa, nghệ thuật. Chỉ có chống lại các chính sách văn hóa phản động của Pháp, Nhật - những kẻ vừa thống trị về chính trị, vừa áp bức về xã hội, vừa nô dịch về văn hóa - thì mới xóa bỏ được lực cản lớn nhất, cơ bản nhất để mở đường cho cách mạng văn hóa, làm cho nền văn hóa mới nảy nở và phát triển.
“Dân tộc hóa” trong trường hợp này đối lập với “thực dân hóa”, trực tiếp hướng vào “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”(5). Điều này được Đề cương nêu rõ khi xác định mục đích của chúng ta là “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân. Phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương”(6). Đây là vấn đề nóng bỏng, cấp bách, nằm trong tổng thể công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc, trong đó có xóa bỏ văn hóa nô dịch, phá tan mọi xiềng xích tư tưởng, văn hóa của thực dân, phát xít. Nếu chữ “hóa” thông thường để chỉ quá trình chuyển hóa, biến đổi một sự vật từ thuộc tính này thành thuộc tính khác, thì “dân tộc hóa” là một sự nghiệp lớn lao, phức tạp hơn nhiều, làm cách mạng văn hóa thay cái cũ bằng cái mới trước hết thông qua cách mạng xã hội lật đổ chế độ thực dân, khôi phục nền độc lập dân tộc. Vì vậy, “dân tộc hóa” trong Đề cương bao hàm tính chiến đấu quyết liệt trên địa hạt tư tưởng, văn hóa để phi thực dân hóa, loại bỏ các yếu tố thoái bộ, khẳng định và phát triển nền văn hóa mang bản sắc dân tộc. Đối tượng đấu tranh không chỉ là tư tưởng thực dân, phát xít, mà ngay cả các tư tưởng triết học, văn học, nghệ thuật theo xu hướng hoài nghi, bi quan, yếm thế đang bị chế độ thực dân lợi dụng ru ngủ nhân dân, có hại cho cứu nước cũng cần phải đấu tranh kiên quyết. Nói cách khác, trọng tâm của “dân tộc hóa” về mặt văn hóa lúc này chính là làm thất bại mọi tư tưởng, chính sách văn hóa phản động của thực dân, phát xít đang đầu độc nhân dân ta, gây hại cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước mắt và để lại nhiều hệ lụy lâu dài.
“Đại chúng hóa” đối lập với tập trung chuyên chế, quân phiệt hóa, phát xít hóa, là chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc lừa phỉnh, mỵ dân, xảo trá, không xuất phát từ nhu cầu văn hóa của nhân dân, có hại cho đất nước. Đây là nguyên tắc bao hàm cả tính chất “xây” và “chống” trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Xét về mặt “chống”, đó là lật tẩy, đấu tranh không khoan nhượng với mọi tư tưởng, mọi thủ đoạn đầu độc tinh thần nhân dân ta, những hoạt động lố bịch núp bóng văn hóa, thể dục, thể thao để lừa phỉnh, ru ngủ nhân dân. “Đại chúng hóa” được biểu hiện ở thúc đẩy các hoạt động văn hóa thật sự của quần chúng, có sức hấp dẫn, lôi cuốn quần chúng tham gia với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa và thụ hưởng văn hóa. Trong chế độ cai trị hà khắc của thực dân, sử dụng các tổ chức quần chúng để thúc đẩy các hoạt động văn hóa hợp pháp, nửa hợp pháp có tác dụng rất lớn cho giáo dục, tập hợp nhân dân, bao gồm cả đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Chỉ có những tổ chức thật sự mang tính quần chúng sâu sắc thì mới đem lại giá trị tích cực cho quần chúng. Hội Truyền bá quốc ngữ là một tổ chức văn hóa mang tính quần chúng sâu sắc, giúp nhân dân ta từng bước làm chủ chữ viết dân tộc, vừa nâng cao dân trí, dân khí, vừa khẳng định cốt cách dân tộc.
“Khoa học hóa” là chống lại những gì làm cho văn hóa trái với khoa học, phản tiến bộ, hướng tới văn minh. Trong bối cảnh thực dân Pháp, phát xít Nhật và chính quyền tay sai lợi dụng các tư tưởng thần bí, duy tâm, dị đoan để ru ngủ nhân dân thì văn hóa với chức năng khai sáng phải tự xác định nhiệm vụ đấu tranh chống lại các tư tưởng lạc hậu, làm cho văn hóa thật sự hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ. Đề cương kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm... Nhiệm vụ phải làm lúc này là đấu tranh về học thuyết, tư tưởng, đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở nước ta, làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng thế; tranh đấu tông phái văn nghệ như chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng,... làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng thế. Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết, như thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói, ấn định mẹo văn (nguyên tắc, cấu trúc ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ - tác giả chú) của văn hóa, cải cách chữ quốc ngữ.
2
Đồng chí Trường Chinh tặng hoa cho đơn vị đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim lần thứ 2, năm 1973 
Nguồn: TTXVN
3. Đề cương khẳng định Đảng phải nắm lấy, giữ vững vai trò lãnh đạo; sử dụng đa dạng, linh hoạt phương thức đấu tranh trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Ngay từ “Cách đặt vấn đề” của Đề cương đã nêu rõ thái độ của Đảng ta đối với mặt trận văn hóa - một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Đảng không chỉ làm cách mạng chính trị, mà còn phải làm cách mạng văn hóa; có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới có ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới hiệu quả. Cách trình bày của Đề cương cho thấy, Đảng sử dụng rất nhiều phương thức lãnh đạo văn hóa, như lãnh đạo thông qua công tác tư tưởng, lãnh đạo thông qua tổ chức, lãnh đạo bằng cá nhân đảng viên, lãnh đạo bằng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, bảo vệ lợi ích thiết thực cho trí thức, văn nghệ sĩ...; những hình thức đấu tranh trực diện và những hình thức đấu tranh gián tiếp thông qua phong trào quần chúng hợp pháp, nửa hợp pháp.
Đấu tranh trên địa hạt tư tưởng, văn hóa là lĩnh vực rất phức tạp, kẻ thù sử dụng muôn vàn mưu mô tinh vi, xảo quyệt, nếu thiếu cơ sở phương pháp luận đúng đắn thì “vũ khí” tư tưởng, văn hóa không phát huy được tác dụng. Đề cương khẳng định, đấu tranh với các học thuyết, tư tưởng, tông phái văn nghệ phải dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử. Chỉ trên nền tảng tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ mác-xít thì mới bóc trần được bản chất các thủ đoạn của Pháp, Nhật; xử lý mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị phù hợp với thực tiễn công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc; giải quyết hợp lý những công việc cần kíp trước mắt và nhiệm vụ cách mạng văn hóa sau khi giành được độc lập dân tộc; đánh giá đúng đắn các mặt giá trị và phản giá trị, chức năng và phản chức năng của các sản phẩm văn hóa được truyền bá, ảnh hưởng lúc bấy giờ. Trong một bối cảnh mà nhiều nhà văn hóa, văn nghệ sĩ mất phương hướng, như dòng văn học hiện thực phê phán suy giảm tính chiến đấu, suy yếu năng lực phê phán, thậm chí đi vào những vấn đề thân phận cá nhân con người, trong khi vấn đề lớn lại là cứu nước, giải phóng dân tộc; văn học lãng mạn sau thời kỳ phát triển mạnh mẽ đã rơi vào khủng hoảng, bế tắc, thậm chí xuất hiện các mầm mống bệnh hoạn, có hại cho cách mạng, cho nhân dân... thì quan điểm mác-xít giúp cho không ít nhà văn hóa, văn nghệ sĩ lấy lại tinh thần, phản tỉnh trước thời cuộc, xác định đúng trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Dựa trên nền tảng tư tưởng - lý luận của Đề cương, tác phẩm “Văn học khái luận” của Đặng Thai Mai ra đời một năm sau đó đã phân tích, lý giải nhiều vấn đề văn học theo quan điểm mác-xít có hệ thống(7), góp phần giúp không ít nhà văn định hình lại tâm thế, nhận rõ trách nhiệm trước dân tộc, trước xã hội, khắc phục các biểu hiện bi quan, hoài nghi, mất phương hướng trước đó.
Đề cương chủ trương sử dụng đa dạng phương pháp tổ chức, vận động, tập hợp lực lượng đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Phương thức đấu tranh trên “trận địa” tư tưởng, văn hóa, văn nghệ được Đề cương chỉ rõ là: lợi dụng tất cả khả năng công khai và bán công khai để tuyên truyền, xuất bản, tổ chức các nhà văn, tranh đấu giành lại quyền lợi thực tại cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ...; phối hợp phương pháp bí mật và công khai thống nhất mọi hoạt động văn hóa tiến bộ dưới quyền lãnh đạo của Đảng vô sản mác-xít(8). Thành công nổi bật sau khi Đề cương ra đời là thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, tập hợp được đông đảo các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ có uy tín làm nòng cốt cho phong trào văn hóa, văn nghệ. Thông qua Hội, Đảng ta đã tập hợp, giáo dục, vận động văn nghệ sĩ hướng văn hóa, văn nghệ phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ cứu nước, giải phóng dân tộc. Khi dư địa cho đấu tranh công khai không còn như những năm 1936 - 1939, Đảng chủ trương sử dụng các hình thức đấu tranh phù hợp, đặc biệt là thúc đẩy hoạt động của Hội Truyền bá quốc ngữ và lợi dụng các tổ chức đoàn thể do Pháp, Nhật lập ra để gây ảnh hưởng, tuyên truyền tinh thần yêu nước, giác ngộ, giúp họ hiểu rõ Việt Minh, thúc đẩy các hoạt động có lợi cho cách mạng, hạn chế những tác hại trước thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Pháp, Nhật.
4. Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương tiếp tục rọi sáng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay.
Đề cương được xem như Cương lĩnh văn hóa soi đường, dẫn lối, thúc đẩy mặt trận văn hóa trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới sau ngày giành độc lập, thống nhất. Nhìn từ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, Đề cương vẫn thổi hơi nóng mang tính thời sự:
Đề cương ra đời từ yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong một thời đoạn đặc biệt khó khăn với nhiều thử thách cam go, tự nó mang đầy khí phách, bản lĩnh và tinh thần chiến đấu. Tinh thần của Đề cương cho thấy, còn mâu thuẫn giai cấp, còn xung đột lợi ích dân tộc thì đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa luôn là vũ khí phê phán trọng yếu mà Đảng phải nắm lấy, sử dụng để bảo vệ chân lý, lẽ phải, bảo vệ lợi ích của giai cấp và dân tộc, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái thoái bộ, cổ vũ và thúc đẩy các giá trị chân - thiện - mỹ, mở đường cho cách mạng xã hội. Tư tưởng chỉ đạo phàm những gì phản dân tộc, phản nhân dân, phản khoa học đều phải chống lại, kiên quyết đấu tranh vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau. Cách thức xây dựng nền văn hóa mới phải bắt đầu từ chống lại cái phản động, thoái bộ, gắn cách mạng văn hóa với cách mạng xã hội vẫn tiếp tục rọi sáng công tác tư tưởng, văn hóa. Điều này cũng đòi hỏi công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải đặt nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, văn hóa đúng tầm của nó, nhất là trong xã hội số xuất hiện không ít văn hóa phẩm ngoại lai không phù hợp cho xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thậm chí có cả nguy cơ xâm lăng văn hóa, đe dọa lợi ích quốc gia - dân tộc. Không chỉ đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phản động mới cần đến vũ khí tư tưởng, văn hóa, mà kể cả muốn có hợp tác, hội nhập văn hóa hiệu quả cũng cần phải có định hướng tư tưởng - lý luận văn hóa đúng đắn, sáng suốt. Thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm sự nghiệp đổi mới, trong nhiều trường hợp không hẳn do thiếu nguồn lực đầu tư, mà quan trọng hơn là tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ chưa đủ năng lực định hướng, dẫn dắt. Từ tinh thần của Đề cương cho thấy, muốn phát triển nền văn hóa dân tộc thì phải bắt đầu từ nâng tầm công tác tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ, làm cho nó đủ sức định hướng, dẫn dắt, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới.
3
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp xuân Quý Mão 2023, ngày 16-2-2023 _Ảnh: TTXVN
- Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương cho thấy, nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ luôn đặt ra ở mọi thời kỳ, nhưng tùy từng bối cảnh và mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng cụ thể mà lựa chọn nội dung đấu tranh phù hợp. Chủ nghĩa đế quốc văn hóa vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức đa dạng, tinh vi, được truyền bá qua các học thuyết chính trị - an ninh, qua sức mạnh mềm, qua du học, qua xuất - nhập khẩu văn hóa phẩm, qua các nền tảng số xuyên biên giới... Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không từ một thủ đoạn nào mưu toan phủ nhận thành tựu của nền văn nghệ cách mạng, xuyên tạc đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, cổ xúy cho cái gọi là “văn nghệ độc lập với chính trị”, ra sức kích động, lôi kéo trí thức, văn nghệ sĩ qua không gian mạng. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” ban hành kịp thời đã có tác dụng định hướng tư tưởng - lý luận, tập hợp lực lượng, tổ chức các phương thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và tư tưởng văn hóa, văn nghệ nói riêng. Chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ rất phức tạp; có hoạt động công khai chống phá trắng trợn; có hoạt động xuyên tạc, chống phá tinh vi núp bóng các hình tượng văn học, nghệ thuật; có hoạt động chống phá từ bên trong, hoặc từ bên ngoài; có hoạt động cấu kết, phối hợp trong - ngoài... Không ít người cầm bút lừng chừng, ngả nghiêng, dao động; có người đã từng tham gia cách mạng chuyển sang “trở cờ”, “sám hối”, phủ nhận cả những “đứa con tinh thần” của mình trước đây. Từ tinh thần của Đề cương cho thấy, muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải nhận diện đúng các biểu hiện chống phá, cơ hội, suy thoái tư tưởng chính trị hoặc hành vi có nguy hại đến tư tưởng, văn hóa, trên cơ sở đó mới xác định trúng phương pháp đấu tranh với từng đối tượng. Không gian mạng đang trở thành “mặt trận” chính của cuộc đấu tranh tư tưởng, văn hóa, văn nghệ mà chúng ta phải nắm lấy, giữ vững tính chủ động và tổ chức lực lượng đấu tranh một cách kiên quyết, đồng bộ thông qua cả đấu tranh chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, pháp lý, hành chính...
- Phương thức lãnh đạo của Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm thành công của công cuộc đấu tranh trên địa hạt tư tưởng, văn hóa. Đề cương ra đời xác định các phương pháp, hình thức, cách thức lãnh đạo đa dạng, linh hoạt của Đảng, phù hợp lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trở thành nhân tố quyết định nhất bảo đảm thành công của cuộc đấu tranh. Đấu tranh tư tưởng trước hết cần đến vũ khí tư tưởng - lý luận sắc bén đủ sức bóc trần cơ sở kinh tế, chính trị, nguồn gốc tâm lý, xã hội của mọi luận thuyết đang chi phối đến tư tưởng người cầm bút như Đề cương đã chỉ rõ; cần đến các tác phẩm lý luận văn hóa, văn nghệ xứng tầm, đủ sức định hướng, dẫn dắt xây dựng nền văn hóa, văn nghệ nước nhà thời kỳ mới. Tiếp tục xây dựng, đổi mới các hình thức tổ chức với tư cách là môi trường hoạt động của chủ thể sáng tạo văn hóa, nghệ thuật - cả đối với tầng lớp tinh hoa và quảng đại quần chúng - thông qua đó tập hợp lực lượng đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, văn nghệ (như trường hợp Hội Văn hóa cứu quốc và Hội Truyền bá quốc ngữ trước đây). Trong giai đoạn hiện nay, đó chính là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của văn nghệ sĩ, tự chủ đại học hay viện nghiên cứu của trí thức, “think tank” của các chuyên gia, các định chế truyền thông, xuất bản, diễn đàn, kể cả các nhóm hoạt động, tác chiến trực tiếp trên không gian mạng. Gắn với xây dựng thiết chế - tổ chức là chăm lo phát triển đội ngũ nòng cốt trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là trí thức, văn nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học với bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc bén về lý luận, dày dạn thực tiễn, có uy tín quy tụ lực lượng trí thức. Tinh thần của Đề cương dạy chúng ta không “vơ đũa cả nắm”, phân biệt rõ tư tưởng văn hóa phản động với những tư tưởng ảnh hưởng đến hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ mà không có lợi cho nhiệm vụ cách mạng trong những giai đoạn cụ thể; bọn bồi bút, bám gót ngoại bang và những người lừng chừng, hoài nghi, dao động, ngả nghiêng; những người thể hiện trách nhiệm xã hội của trí thức bằng phản biện với những kẻ mượn danh “phản biện” để chống phá... Nhiệm vụ của cuộc đấu tranh trên địa hạt tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ là đập tan mọi chính sách, thủ đoạn thực dân về văn hóa, cô lập bọn phản động, phần tử cơ hội, nhưng giáo dục, cảm hóa, lôi kéo những người lừng chừng đứng về phía đất nước, nhân dân, vì chân lý, lẽ phải. Nhờ chỉ dẫn của Đề cương mà Đảng đã giáo dục, lôi cuốn không ít nhà văn hóa, văn nghệ sĩ trước đó ẩn dật, nương náu trong “tháp ngà nghệ thuật” từng bước thay đổi lập trường, tham gia sự nghiệp cứu nước, thể hiện trách nhiệm xã hội của người cầm bút, có nhiều đóng góp quan trọng cho nhân dân và dân tộc./.
PGS, TS ĐOÀN MINH HUẤN
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
(https://www.tapchicongsan.org.vn/)

--------------------
(1) Được thông qua tại Hội nghị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng vào tháng 2-1943, họp tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên
(2), (3) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 283, 301
(4), (5), (6) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 318, 319, 320
(7) Xem: Phạm Quang Long: “Vị trí và vai trò của văn hóa trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945”, Trang Thông tin điện tử của Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 30-8-2018, https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/vi-tri-va-vai-tro-cua-van-hoa-trong-thang-loi-cua-cach-mang-thang-tam-nam-1945.html
(8) Xem: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 320 - 321

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập352
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm351
  • Hôm nay58,557
  • Tháng hiện tại1,228,615
  • Tổng lượt truy cập27,475,265
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây