Sáng ngày 11/01, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 tại Sở Y tế.
Dự buổi giám sát có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Mai Thị Thúy Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cùng đại diện các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh Hội nghị
Trong thời gian qua, Sở Y tế đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản đầu mối và biên chế, tăng tính tự chủ, công khai, minh bạch; phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Đồng chí Đặng Ngọc Huy, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu ghi nhận, đáng giá cao kết quả của ngành Y tế đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời trao đổi về việc tham mưu và ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế; đánh giá kết quả thực hiện đổi mới hệ thống quản lý gắn với Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về viếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, trọng tâm là việc tổ chức các cơ sở y tế theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép theo 3 cấp: Chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3. Sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế; việc thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng; tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
ĐBQH Hoàng Anh Công, Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị giám sát, ngành Y tế cũng đề xuất một số nội dung như: Xây dựng phương án việc chuyển trung tâm y tế cấp huyện hiện đang trực thuộc Sở Y tế về trực thuộc UBND cấp huyện hoàn thành trước ngày 01/7/2025 theo quy định; đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở đồng bộ với chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, dược, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm; tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của tỉnh Thái Nguyên...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận giám sát, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đánh giá cao tính chủ động, nghiêm túc của UBND tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chính sách, qua đó đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Ghi nhận các ý kiến trao đổi, đề xuất tại Hội nghị, đồng chí đề nghị thời gian tới cần tiếp tục đánh giá, rà soát đảm bảo các đơn vị sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm; bảo đảm xuyên suốt việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cho nhân dân và tạo thuận lợi cho nhân dân trong tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công. Tiếp tục thực hiện việc cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức và thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế của Trung ương, Chính phủ và Đề án tinh giản biên chế của tỉnh. Bên cạnh đó, tham mưu chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao công tác và cống hiến cho ngành. Tăng cường chuyển đổi số để các đơn vị của ngành Y tế sẽ là điểm sáng trong chuyển đổi số của tỉnh.
* Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thực hiện hoạt động giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên
Quang cảnh Hội nghị giám sát tại Sở Kế hoạch và Đầu tư
Trong 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Để triển khai nhanh chóng và hiệu quả Nghị quyết số 43, UBND tỉnh đã chủ động ban hành Chương trình hành động về việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2022 - 2023, trong đó có đề xuất các giải pháp chung để triển khai thực hiện kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh… Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; phục hồi và phát triển ngành, lĩnh vực; phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Đồng chí Hà Văn Dương, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Hội nghị
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phục hồi; hầu hết các ngành, lĩnh vực đã quay trở lại đà tăng trưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh; đời sống của người dân, người lao động ổn định và trở lại trạng thái bình thường mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đạt 8,59%, trong đó khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản tăng 4,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,75%, khu vực dịch vụ tăng 7,39%.
ĐBQH Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của UBND tỉnh trong việc triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các đại biểu cho rằng sau đại dịch COVID-19, hầu hết các địa phương đều rơi vào tình trạng kinh tế suy giảm sâu, nhưng Thái Nguyên không chỉ giữ vững đà tăng trưởng mà kết thúc năm 2023 còn đạt được kỳ tích về thu ngân sách với số thu 20.196 tỷ đồng, nằm trong tóp 18 tỉnh, thành tự cân đối thu chi. Điều này cho thấy các chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc Hội đã thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội, UBND tỉnh Thái Nguyên và các sở ngành liên quan đánh giá làm rõ thêm các chính sách về hỗ trợ thuế xuất, hỗ trợ giải quyết việc làm, tiếp cận các gói tài chính đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã góp phần vào phục hồi như thế nào cho nền kinh tế địa phương. Đánh giá mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp đối với hệ thống tín dụng, ngân hàng theo chính sách hỗ trợ lãi suất, cụ thể là tỷ lệ giải ngân vốn, tỷ lệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã tiếp cận với các nguồn vốn này. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã trao đổi làm rõ những tồn tại, hạn chế khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội; trong đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung ban hành thêm cơ chế và kéo dài việc thực hiện một số chính sách đến hết năm 2024.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kết luận Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao tính chủ động, nghiêm túc của UBND tỉnh, vai trò đầu mối của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các sở, ngành, đơn vị liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các tồn tại, hạn chế được chỉ ra, trong thời gian tới, đồng chí đề nghị UBND tỉnh và sở, ngành, tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành để tham mưu cho tỉnh thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chính sách theo yêu cầu của Nghị quyết. Nâng cao tính chủ động, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong tham mưu, xây dựng, tổ chức thực hiện Nghị quyết; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các chính sách hỗ trợ nhanh, hiệu quả, tránh nhầm lẫn, sai sót, trục lợi chính sách.
Thu Hương