Chiều ngày 09/10, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19; triển khai giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và năm 2023.
Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các uỷ ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương, Quân khu 1 và Hội đồng Dân tộc.
Quang cảnh buổi làm việc
Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh và Thường trực Huyện ủy Định Hóa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải báo cáo tại buổi làm việc
Năm 2021, Thái Nguyên thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế phát triển đạt mức tăng trưởng 6,51%, cao gấp 2,5 lần bình quân chung của cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 840 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước; thu ngân sách đạt gần 18 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong 9 tháng năm 2022, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội cơ bản tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,93% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 25,08 tỷ USD, tăng 18,4%; công tác thu hút đầu tư được quan tâm, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài; năm 2021, Thái Nguyên đứng thứ 08/63 tỉnh, thành phố về xếp hạng chuyển đổi số, tăng 4 bậc so với năm 2020… Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục; xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả khả quan; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 còn 2,16%...
Về tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Định Hóa, đến tháng 9 năm 2022, có 5 xã của huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; huyện đạt thêm 4 tiêu chí trong năm 2022. Tổng nguồn vốn của đề án đã xác định là 1.363,9 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch hơn 500 tỷ đồng do 3 nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương giảm so với dự kiến. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và huyện Định hóa đang tích cực chỉ đạo, chủ động triển khai các giải pháp để xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn để cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Trung ương quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành có liên quan tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và phát huy giá trị các di tích lịch sử trong vùng ATK Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ và khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ; quan tâm đầu tư phát triển vùng CT229 cho đồng bào các dân tộc phát triển ổn định, bền vững…
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao những kết quả Thái Nguyên đạt được trên các lĩnh vực thời gian qua; đồng thời cho rằng, với vị thế trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc và nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên cần tập trung kết nối hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; tiếp tục tập trung nguồn lực để hoàn thiện các công trình trọng điểm; cần quan tâm phát triển hạ tầng đô thị; hạ tầng xã hội, tạo lập môi trường phát triển khởi nghiệp. Liên quan đến quản lý đô thị và quản lý quy hoạch, các đại biểu đề nghị tỉnh cần giữ quy hoạch đã xây dựng, tránh trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ghi nhận, biểu dương những kết quả tỉnh Thái Nguyên đạt được thời gian qua. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát các chương trình, nghị quyết, kế hoạch công tác năm và cả nhiệm kỳ để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời với tình hình; bám sát Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển trung du miền núi, mục tiêu là đến năm 2030 là tỉnh phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc; tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh theo hướng tối ưu. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh cần tiếp tục phát huy lợi thế về cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế trên địa bàn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc và làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn tài trợ, quyết tâm xây dựng huyện Định Hóa sớm về đích nông thôn theo đúng kế hoạch.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đồng chí Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp, gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới...
Thu Hương