Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ với Quốc hội đem lại những kết quả khả quan, tích cực

Thứ hai - 03/01/2022 19:46 0
(Chinhphu.vn) – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ, đồng hành giữa Chính phủ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong bảo đảm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao thời gian qua, nhất là trong việc triển khai các nhiệm vụ lập pháp, phát triển kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19. - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đi được chặng đường gần 1 năm hoạt động, nhân dịp năm mới 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dành cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cuộc trao đổi về những kết quả nổi bật và những điểm mới trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua; sự phối hợp giữa Chính phủ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong triển khai các nhiệm vụ được giao; những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội thời gian tới…

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật và những điểm mới trong hoạt động của Quốc hội khóa XV thời gian qua?

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Như chúng ta đã biết, Quốc hội khóa XV bắt đầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống người dân, phát triển KT-XH ở trong nước và thế giới. Tuy nhiên, sau gần một năm đi vào hoạt động, Quốc hội đã  đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Hiến định với những điểm nhấn quan trọng và nổi bật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, với tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, tận dụng tối đa thời gian làm việc, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ 2, hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự đề ra với chất lượng được bảo đảm và an toàn tuyệt đối.

Thứ hai, về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 2 dự án luật, cho ý kiến 5 dự án luật, ban hành 42 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nhiều nghị quyết vừa kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH đất nước, góp phần thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế và sự tương thích của hệ thống pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Với tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa đối với các nội dung thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất lượng hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được nâng lên rõ rệt, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã kịp thời bổ sung nội dung phòng, chống dịch COVID-19 vào chương trình và Nghị quyết của kỳ họp. Đây là việc làm chưa có tiền lệ, khẳng định Quốc hội luôn sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, đồng hành cùng Chính phủ, hệ thống chính trị và lấy người dân làm trung tâm. Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã trao cho Chính phủ thẩm quyền được thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch khác với quy định của pháp luật hay chưa được pháp luật quy định để kịp thời đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19. Quốc hội cũng thường xuyên giám sát hoạt động của Chính phủ, bảo đảm chống dịch hiệu quả, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành các nghị quyết, như: Nghị quyết 393/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết 268/2021/UBTVQH15…, tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ và ngành y tế, lao động thực hiện kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Thứ ba, về công tác giám sát, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, xem xét, cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn đã “trúng và đúng”, phù hợp với thực tế và mong muốn của cử tri, được dư luận, đồng bào ta ở nước ngoài và nhân dân cả nước quan tâm, ủng hộ. Đặc biệt, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cải tiến và đổi mới. Theo đó, lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 nhằm tạo sự thống nhất, tăng tính chủ động của các cơ quan, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Thứ tư, về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thời gian qua, Quốc hội đã xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước; phê chuẩn 4 thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Quốc hội đã quyết định các kế hoạch cho giai đoạn 5 năm 2021-2025, gồm: Kế hoạch phát triển KT-XH; Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công; Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; qua đó, góp phần tạo điều kiện để Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương sớm chủ động triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội nói riêng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nói chung; đồng thời, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt và lâu dài.

Thứ năm, về hoạt động đối ngoại, Quốc hội đã ghi dấu ấn về những thành quả bước đầu của ngoại giao nghị viện trên cả bình diện song phương và  đa phương. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn tham dự Đại hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA 42 - từ ngày 23/8-25/8); tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan (từ ngày 5/9-11/9); tham dự Hội nghị Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29) theo hình thức trực tuyến (ngày 14/12); thăm chính thức Đại Hàn Dân quốc và Cộng hoà  Ấn Độ từ ngày (từ ngày 12-19/12) và nhiều hoạt động đối ngoại của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Qua đó, đã góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội Việt Nam, là minh chứng sinh động của sự kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa ngoại giao Nghị viện và ngoại giao Nhà nước; tích cực chủ động thực hiện đối ngoại đa phương và ngoại giao song phương, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Mặc dù mới đi được chặng đường chưa đầy một năm, nhưng hoạt động của Quốc hội khóa XV đã có nhiều điểm mới quan trọng, cụ thể như sau:

Một là, về công tác dân nguyện, trước đây Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ báo cáo về công tác dân nguyện mỗi năm 2 lần tại hai kỳ họp Quốc hội, nhưng hiện nay, công tác dân nguyện đã có sự đổi mới trong việc thực hiện báo cáo hằng tháng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan khối nội chính, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hai là, trong việc tổ chức kỳ họp, công tác thư ký ghi biên bản thảo luận tại tổ cũng được cải tiến, nâng cao chất lượng biên bản tổng hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tuyển chọn 40 chuyên viên giỏi, có trình độ tại các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội để đào tạo, tập huấn nhiệm vụ Thư ký ghi biên bản thảo luận tại tổ. Đội ngũ này đã hoạt động hiệu quả, liên tục, thường xuyên phải làm việc cả đêm để kịp thời tổng hợp các ý kiến thảo luận, gửi các đại biểu Quốc hội, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Trên cơ sở đó, ngay sau ngày thảo luận tại tổ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã phối hợp báo cáo giải trình sơ bộ. Nhờ vậy, hoạt động thảo luận tại hội trường chỉ tập trung vào các nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau, qua đó góp phần rút ngắn thời gian họp của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo và được Quốc hội đồng ý thử nghiệm và thực hiện thành công việc họp trực tuyến bao gồm cả việc chia tổ thảo luận. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã chia làm 72 tổ, trong đó có 10 tổ ở Nhà Quốc hội và 62 tổ ở các tỉnh, thành phố (trừ Đoàn ĐBQH Hà Nội họp tại Nhà Quốc hội). Khi thảo luận tổ ở địa phương, đại diện các sở, ngành có thể tham dự và cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội. Vì vậy, cử tri và nhân dân cả nước đã đánh giá hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp đã ngày càng gần gũi, thân thiện với nhân dân hơn. Nhờ có cải tiến này mà việc thảo luận tại tổ đã thu hút rất nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội (chỉ trong 8 phiên thảo luận tổ đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu). Đồng thời, tại kỳ họp này, một nội dung cải tiến khác đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình và Quốc hội đã đồng ý cho áp dụng hệ thống biểu quyết trực tuyến bằng hệ thống điện tử được cài đặt trên Ipad của mỗi đại biểu Quốc hội.

Ba là, trong công tác giám sát, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với sự tham gia của 63 Hội đồng nhân dân và 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công tác giám sát không chỉ tập trung vào khâu thực thi pháp luật, mà còn tập trung cả vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, tránh Luật ban hành rồi mà vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện.

Bốn là, trong công tác lập pháp, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW và định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó nêu rõ 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần được triển khai thực hiện. Hiện nay, nhiều cơ quan của Quốc hội đã bắt đầu triển khai nhiệm vụ lập pháp cho cả nhiệm kỳ nhằm khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế-xã hội và lấy người dân làm trung tâm.

Năm là, công tác phối hợp bên trong Văn phòng Quốc hội và công tác phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan được coi trọng, tăng cường, tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Ông có đánh giá gì về sự phối hợp giữa Chính phủ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong triển khai các nhiệm vụ được giao? Xin Ông chia sẻ về hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội giao về kinh tế, xã hội, phòng chống dịch, công tác lập pháp?

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong bảo đảm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong thời gian qua. Trước yêu cầu chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, Chính phủ đã ngày càng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc triển khai các nhiệm vụ lập pháp, nhất là về lĩnh vực kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Kết quả của sự phối hợp được thể hiện qua các khía cạnh cụ thể như sau:

Về công tác lập pháp: Chính phủ đã chủ động trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trong việc lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Thông qua đó, tiến độ, chất lượng xây dựng, trình các dự án luật, nghị quyết từng bước được nâng cao, tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động lập pháp của cả Quốc hội và Chính phủ ngày càng được củng cố và tăng cường.

Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội được giao chủ trì thẩm tra dự án Luật, nghị quyết cũng đã chủ động nghiên cứu, theo dõi; kịp thời đôn đốc tiến độ soạn thảo, trình dự án, thông báo kế hoạch, tiến độ thẩm tra, chỉnh lý đối với cơ quan của Chính phủ chủ trì soạn thảo; tổ chức khảo sát thực tiễn, tổ chức hội thảo, tọa đàm để tham khảo, lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu tác động…nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Nhờ  đó tại 2 kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hồ sơ, dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cũng đã được các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, tạo điều kiện cho các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về những nội dung cơ bản; đồng thời góp phần rút gọn thời gian diễn ra kỳ họp.

Quốc hội đã thông qua 02 dự án luật, cho ý kiến 5 dự án luật, ban hành 42 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nhiều nghị quyết vừa kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn; tiếp tục góp phần quan trọng thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế và sự tương thích của hệ thống pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về triển khai thực hiện các nhiệm vụ KT-XH và phòng chống dịch COVID-19: Năm 2021 trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã rất chủ động, linh hoạt trong điều hành, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương; Nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác trong chỉ đạo, điều hành; tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; tập trung chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong Chính phủ; đồng thời phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chuẩn bị để thống nhất các quan điểm, nội dung, phương án trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV vào đầu tháng 1/2022.

Quốc hội đã luôn phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ. Điều này được thể hiện bằng việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kịp thời ban hành các nghị quyết, như: Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 nhằm phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập thể lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc, luôn sẵn sàng họp để cho ý kiến về các đề xuất của Chính phủ đối với việc tăng cường nguồn lực chống dịch, xem xét thực hiện các chính sách thuế, phí theo thẩm quyền để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cũng như quyết định giao thẩm quyền cho Chính phủ được thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch khác với quy định của pháp luật hay chưa được pháp luật quy định.

Nhờ vậy mà tình hình kinh tế-xã hội năm 2021 đã có những điểm sáng, nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô: Có 08/12 chỉ tiêu đạt kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội đã đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, bội chi ngân sách trong phạm vi dự toán (4% GDP), cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác. Hoạt động văn hóa, xã hội khắc phục điều kiện dịch bệnh, tổ chức được một số hoạt động với hình thức linh hoạt, phù hợp. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được triển khai tích cực. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, số vụ phạm tội giảm 3,56%. Công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, nhất là ngoại giao vaccine, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, tăng cường hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong thời gian qua đã đem lại những kết quả khả quan, tích cực, tất cả vì lợi ích chính đáng của nhân dân, của đất nước, trong đó yêu cầu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân và từng bước phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.

Xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên sẽ được Quốc hội thực hiện trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Trong phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian ôn lại lịch sử hình thành, phát triển của Quốc hội và khái quát rằng “Quốc hội luôn có  ý thức tự đổi mới để ngày càng hoàn thiện mình”. Đây cũng là chỉ đạo quan trọng để Quốc hội khóa XV kế thừa thành tựu, kinh nghiệm của 75 năm Quốc hội Việt Nam và tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động, khẳng định vị thế là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước. Để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tập trung trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên những nhiệm vụ cụ thể như sau:

Trước hết, tập trung nâng cao chất lượng công tác lập pháp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là người đứng đầu. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm không chỉ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, mục tiêu chủ yếu của Quốc hội nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, đáp ứng yêu cầu kiến tạo đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống” và xu hướng quy định cứng trong luật những vấn đề chưa được kiểm nghiệm từ thực tiễn cuộc sống.

Do đó, công tác lập pháp của Quốc hội trong những năm tiếp theo cần tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa kịp thời các chủ trương Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với nhiều điểm mới; tiếp tục rà soát phát hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính chủ động trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Mặc dù, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, Quốc hội không quyết định chương trình xây dựng pháp luật 5 năm mà chỉ quyết định chương trình xây dựng pháp luật hằng năm, song Đảng Đoàn Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng Đề án định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trên cơ sở đó sẽ xem xét kế hoạch hằng năm cùng với đó là các sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Trên cơ sở định hướng dài hạn 5 năm, Quốc hội sẽ chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo”, cái đang cần thì không có để xem xét, thông qua, cái mà các cơ quan trình thì lại chưa thực sự cấp thiết, hoặc cấp thiết nhưng chuẩn bị chưa kỹ lưỡng.

Thứ hai, đối với công tác giám sát, cần đổi mới hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội như một khâu then chốt, trọng tâm, chọn được những vấn đề đúng và trúng, những vấn đề quan trọng của đất nước được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết địnhh các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát có trọng tâm, trọng điểm, truy đến cùng sự việc, xác định trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, nêu được kiến nghị xác đáng.

Đồng thời phải coi trọng giám sát việc thực hiện các kiến nghị giám sát (hậu giám sát); huy động sự tham gia của hầu hết các chủ thể trong hệ thống chính trị. Trong những năm tới, các cơ quan của Quốc hội cần tập trung giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực thi pháp luật. Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức thực hiện luật vẫn là khâu có hạn chế. Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn, tăng cường chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng cường các hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; có cơ chế để đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia các hoạt động giám sát này.

Thứ ba, đối với công tác quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các quyết định về các vấn đề quan trọng của đất nước, các quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự cấp cao của Nhà nước, các chính sách lớn về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, đối ngoại. Quốc hội xác định việc quyết định các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước là nhiệm vụ có tính chất trọng tâm và thường xuyên của Quốc hội; không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng trong việc Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế-xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính-ngân sách.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản của Nhà nước về  đối ngoại. Tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân để phát huy tối đa lợi thế của hoạt động ngoại giao nghị viện cũng như hiệu quả sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại, cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của Nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập153
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm152
  • Hôm nay37,221
  • Tháng hiện tại1,291,720
  • Tổng lượt truy cập24,209,011
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây