Chuyển đổi số - Con đường tất yếu đi đến tương lai của giáo dục đại học

Thứ sáu - 19/08/2022 20:20 0
Chuyển đổi số đang đi sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực tạo ra sự thay đổi chưa từng có trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Không nằm ngoài dòng chảy đó, Đại học Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là động lực phát triển và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực: quản trị đại học, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
image 20220822072057 1
GS.TS Phạm Hồng Quang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng ĐHTN
phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi số trong Đại học Thái Nguyên
Đại học Thái Nguyên là một trong ba Đại học vùng của cả nước, luôn xác định ba trụ cột bao gồm: Đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thành công, tư vấn chính sách có hiệu quả. Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có các đơn vị trực thuộc gồm: 07 trường đại học thành viên, 01 trường cao đẳng, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, Trường Ngoại ngữ, Khoa Quốc tế, Nhà Xuất bản và 05 trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên đã nhanh chóng chuyển mình, biến thách thức thành cơ hội để phát triển, xác định chuyển đổi số là tất yếu và là con đường đi đến tương lai của giáo dục.
 Trong đó, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông là đơn vị tiên phong về chuyển đổi số của Đại học Thái Nguyên. Hội đồng trường đã ban hành Đề án Chuyển đổi số, trong đó đặt mục tiêu xây dựng thí điểm Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông trở thành đại học số. Nhà trường đã xây dựng kiến trúc đại học số tổng thể và lộ trình thực hiện phù hợp với nguồn lực của đơn vị. Với quan điểm đặt người học là trung tâm, nhà trường xác định hoạt động đào tạo, giảng dạy, học tập là nội dung đầu tiên cần chuyển đổi số. Hiện nhà trường đang tích cực xây dựng học liệu số với hệ thống bài giảng, bài tập, tài liệu có tính tương tác cao, trước hết là hoàn thiện học liệu số cho các môn học cốt lõi trong tất cả các chương trình đào tạo; xây dựng hệ thống quản lý học tập LMS triển khai áp dụng cho tất cả các loại hình đào tạo, trong đó có đào tạo chính quy tập trung tại trường dưới hình thức đào tạo kết hợp; thường xuyên bồi dưỡng các kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên để thực hiện chuyển đổi số, gồm cách thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức xây dựng học liệu số, phương pháp giảng dạy theo mô hình đào tạo kết hợp. Song song với chuyển đổi số công tác đào tạo, nhà trường đang dần hoàn thiện hệ thống phần mềm dùng chung phục vụ quản trị đại học số; trước hết là chuẩn hóa quy trình tác nghiệp, phân tích các nghiệp vụ dùng chung để xây dựng trục dữ liệu tích hợp dùng chung phục vụ quản trị, quản lý, điều hành tác nghiệp, hoàn thiện các mô đun phần mềm cốt lõi.
image 20220822072057 2
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên xây dựng chương trình đào tạo hệ đại học
về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (Big Data) và các chương trình đào tạo khác phù hợp với xu hướng chuyển đổi số
Thực tiễn triển khai chuyển đổi số tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho thấy chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và quản trị đại học. Để hướng tới hoàn thành một trong những mục tiêu chiến lược là trở thành Đại học số và nằm trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á (theo QS), Đảng ủy Đại học Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/ĐU, ngày 04/4/2021 về việc chuyển đổi số Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chuyển đổi số trong Đại học Thái Nguyên tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, Big data, blockchain, phân tích dữ liệu...) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong Đại học một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (cyber university)...
Đến nay, Đại học Thái Nguyên đã từng bước số hóa toàn bộ tài liệu, văn thư, lưu trữ của Đại học và các đơn vị thành viên; xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu số, bài giảng số phục vụ đào tạo, đặc biệt là đào tạo trực tuyến; đề xuất xây dựng trung tâm điều hành thông minh IOC Đại học Thái Nguyên; xây dựng hệ thống các phòng họp không giấy; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong đại học để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số… Đặc biệt, Trung tâm Số Đại học Thái Nguyên được thành lập năm 2021 trên cơ sở tổ chức lại và đổi tên Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin, có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Đại học Thái Nguyên về chiến lược phát triển công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số và học liệu; xây dựng, phát triển các ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên trong công tác quản trị đại học, đào tạo, nghiên cứu khoa học; tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách về CNTT, đáp ứng yêu cầu vận hành, sử dụng, khai thác hệ thống CNTT trong toàn Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên; cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số, tài nguyên số, giải pháp CNTT và thư viện cho các đơn vị trong và ngoài Đại học Thái Nguyên... Hiện nay, Trung tâm Số Đại học Thái Nguyên là một trong những trung tâm lớn nhất Đông Nam Á, có kho dữ liệu số và tài liệu tham khảo hết sức phong phú.
image 20220822072057 3
Hệ thống máy quét để số hóa tài liệu tại Trung tâm Số, Đại học Thái Nguyên
Để nâng tầm và đi sâu hơn về chuyển đổi số, trong thời gian tới, Đại học Thái Nguyên sẽ tập trung vào một số điểm chính như: Một là, Tiếp tục chuyển đổi số trong quản trị đại học, trong đó tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa Đại học vùng và các đơn vị thành viên; phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT phục vụ công tác điều hành, tác nghiệp; cùng đó là đào tạo đội ngũ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản trị đại học. Hai là, Chuyển đổi số trong đào tạo đặt trọng tâm vào việc xây dựng các chương trình đào tạo mới, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, đặc biệt là các chương trình đào tạo liên ngành gắn kết thế mạnh của các trường đại học thành viên; xây dựng hệ thống học liệu số dùng chung phục vụ cho công tác giảng dạy; triển khai các mô hình đào tạo mới, mô hình đào tạo kết hợp trên cơ sở chia sẻ nguồn lực dùng chung trong toàn Đại học, đặc biệt là nguồn lực về con người, cơ sở vật chất của các trường đại học thành viên. Ba là, Chuyển đổi số trong nghiên cứu, sáng tạo theo hướng dịch chuyển dần các đề tài nghiên cứu lĩnh vực truyền thống sang nghiên cứu kết hợp nhiều lĩnh vực trong đó đặc biệt quan tâm tới việc gắn các công nghệ số Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud Computing),… vào giải quyết các bài toán ứng dụng, liên ngành trong phát triển kinh tế - xã hội vùng và đất nước.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ðể chuyển đổi số thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, mà trước hết phải bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu, cần có nhận thức rõ ràng về thời cơ, thách thức, lợi ích của việc chuyển đổi số; có tầm nhìn về chiến lược chuyển đổi số và có khả năng kết nối, gắn kết các trường thành viên cùng thống nhất trong việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số chung cho toàn Đại học. Và quan trọng nhất là cần có sự đồng thuận, nỗ lực của tập thể, cá nhân trong ứng dụng nền tảng công nghệ số; đi đầu trong đổi mới, thực hiện chuyển đổi số cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện chuyển đổi số.
Ngọc Thơm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập178
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay29,487
  • Tháng hiện tại932,829
  • Tổng lượt truy cập13,354,328
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây