Hội LHPN tỉnh đồng hành cùng chi hội trưởng trong tham gia công tác Hội

Thứ năm - 14/09/2023 07:22 0
Ngày 14/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp đồng hành cùng Chi hội trưởng trong tham gia công tác Hội”.
Dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN các huyện, thành phố, đơn vị tương đương, tổ chức thành viên; đại diện Chủ tịch Hội LHPN cơ sở, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ. Đồng chí Phạm Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Hội, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chủ trì Hội thảo.
image 20230914172259 1
Quang cảnh Hội thảo
Tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh có 2.254 chi hội trưởng phụ nữ, trong đó 904 chị đảng viên (40,10%); 647 chị người dân tộc thiểu số (28,70%); 51 chị có tôn giáo (2,26%). Có 1.138 chi hội trưởng hiện đang kiêm nhiệm các chức danh tại cộng đồng (chiếm 50,48%), như: tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn; cộng tác viên y tế; cộng tác viên bảo hiểm; cộng tác viên dân số; cộng tác viên bưu điện; phó khóm, ấp, tổ trưởng tổ an ninh nhân dân, cộng tác viên khuyến học…. Có 110 chi hội trưởng (chiếm 4,88%) hiện đang đảm nhiệm một trong ba chức danh được hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước (Bí thư chi bộ; trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố; trưởng ban công tác Mặt trận).
Về độ tuổi: có 615 chị trên 55 tuổi (27,15%); 1.586 chị (70,02%) có độ tuổi từ 30 đến 55; có 64 (2,82%) chị dưới 30 tuổi. Về trình độ chuyên môn: có 1510 chị (66,99%) chưa qua đào tạo; 204 chị (9,05%) trình độ sơ cấp; 195 chị (12,91%) có trình độ Trung cấp; 128 chị (5,67%) trình độ Cao đẳng; 206 (9,13%) chị trình độ đại học và 7 chị (0,31%) có trình độ trên đại học. Về thâm niên công tác: có 194 chị (8,6%) trên 15 năm công tác, 378 chị (16,77%) có thâm niên từ 10 đến 15 năm; 742 chị (32,91%) có thâm niên từ 5 đến 10 năm; có 939 chị (41,65%) có thâm niên công tác dưới 5 năm.
Theo đánh giá, phần lớn các Chi hội trưởng đã luôn tự trau dồi kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội; không quản ngại khó khăn, thách thức, có trách nhiệm trong mọi nhiệm vụ của tổ chức Hội, công việc tại xóm, tổ dân phố, là hạt nhân nòng cốt trong phong trào, hoạt động Hội, tích cực trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trở thành cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền và hội viên phụ nữ; không ngừng sáng tạo có những sáng kiến, cách làm hay mang lại quyền lợi thiết thực cho hội viên, phụ nữ, và gia đình của họ, có sức lan tỏa lớn trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng.
Tuy nhiên, qua thực tế công tác Hội, vẫn còn Chi hội trưởng hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ, lúng túng trong điều hành sinh hoạt chi hội. Nhiều chị em tập trung  lao động, sản xuất để lo cho kinh tế gia đình, nên ít có thời gian dành cho công tác Hội. Chi hội trưởng tuổi cao, có kinh nghiệm thì lại thiếu kỹ năng công nghệ, đôi khi còn bảo thủ, lạc hậu, chưa bắt kịp xu thế phát triển. Vấn đề phụ cấp cho chi hội trưởng và quá trình sắp xếp lại thôn, tổ dân phố dẫn đến nhiều khó khăn cho đội ngũ chi hội trưởng. Việc kiêm nhiệm các chức danh có thù lao tại cộng đồng của chi hội trưởng chưa đạt được như kết quả mong muốn, tỷ lệ kiêm nhiệm còn thấp, mức thù lao cũng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như tương xứng với thời gian dành cho hoạt động công tác Hội còn một số vướng mắc về cơ chế phối hợp với các ngành có liên quan và yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
image 20230914172259 2
Đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo các đại biểu tập trung phân tích các nội dung: Thực trạng và giải pháp đồng hành cùng chi hội trưởng trong tham gia công tác Hội; công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ chi hội trưởng; việc tạo nguồn, trẻ hóa đội ngũ chi hội trưởng; việc sắp xếp, bố trí chi hội trưởng kiêm nhiệm các chức danh có thù lao tại cộng đồng; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội tại thôn/xóm những mặt thuận lợi, những khó khăn của cán bộ Hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao... Tại hội thảo các đại biểu cũng thảo luận đề xuất các giải pháp thực hiện khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh” của BCH Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 và đồng hành “Xây dựng chi Hội, tổ phụ nữ” của BCH Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định, đồng hành cùng Chi hội trưởng trong tham gia công tác Hội là một trong những nhiệm vụ then chốt góp phần thực hiện thành công hai khâu đột phá trong công tác xây dựng Hội do Trung ương Hội và Tỉnh hội đã đề ra trong thời gian tới. Đây là hai khâu đột phá hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở Hội, đồng thời củng cố, xây dựng và phát triển hoạt động Hội phụ nữ tại Chi hội ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp đề ra. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh ghi nhận các ý kiến và sẽ nghiên cứu đề xuất với Đảng, Hội cấp trên trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho Chi hội cũng như đội ngũ chi hội trưởng phát huy hơn nữa vai trò là nòng cốt tại địa phương./.
Chu Thị Bích Huệ
(Hội LHPN tỉnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập292
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm289
  • Hôm nay54,229
  • Tháng hiện tại457,809
  • Tổng lượt truy cập23,375,100
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây