Tọa đàm khoa học “Tự chủ đại học: Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với Đại học Vùng”
Nguyễn Huy Hoàng
2022-09-28T01:03:42-04:00
2022-09-28T01:03:42-04:00
https://thainguyen.dcs.vn/hoat-dong-cua-cac-dang-bo/dang-bo-dai-hoc-thai-nguyen/toa-dam-khoa-hoc-tu-chu-dai-hoc-thuc-trang-va-nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-dai-hoc-vung-225.html
https://thainguyen.dcs.vn/uploads/hoat-dong-cua-cac-dang-bo/2022_09/image-20220928120256-1.jpeg
Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên
https://thainguyen.dcs.vn/uploads/logo.gif
Ngày 27/9, Đại học Thái Nguyên phối hợp với Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Tự chủ đại học: Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với Đại học Vùng”.
Tham dự có đại biểu lãnh đạo: Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Đại học Thái Nguyên; lãnh đạo các trường thành viên và các đơn vị trực thuộc Đại học Thái Nguyên. Đồng chí GS.TS Phạm Hồng Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên và đồng chí Phan Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề chủ trì buổi toạ đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Phạm Hồng Quang mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị tích cực cung cấp thông tin, phản ánh khách quan tình hình tự chủ trong tổ chức thực hiện các hoạt động; từ đó đưa ra những giải pháp đóng góp cho ngành giáo dục nói chung cũng như giáo dục đại học nói riêng, đặc biệt là mô hình đại học hai cấp. Đồng chí cũng đưa ra các kiến nghị để tự chủ đại học triển khai một cách đồng bộ, thực chất và đúng hướng như: Nhận diện đúng giá trị của giáo dục đại học trong chiến lược phát triển bền vững; quy hoạch, đầu tư, thiết chế (cho chủ thể đại học) và đặt hàng, yêu cầu, đánh giá; định lượng giá trị nguồn lực “chất lượng cao” với sự tăng trưởng, phát triển bền vững do giáo dục đại học đem lại…; chuyên nghiệp cao độ trong quản trị đại học (đối xử theo đặc tính hoạt động); hệ thống quy định, pháp luật để khơi dậy tính chất thúc đẩy sáng tạo).
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như: cần có cơ chế đặc thù cho đại học vùng để phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho các trường đại học thành viên; tiếp tục hoàn thiện các văn bản liên quan đến tự chủ đại học, tạo điều kiện phù hợp để phát triển trường đại học trong đại học 2 cấp; có cơ chế cho phép các đơn vị điều chỉnh mức thu học phí, kinh phí đào tạo với mục tiêu là học phí tiến tới bù đắp được chi phí đào tạo cần thiết để đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu đặt ra; điều chỉnh các văn bản về tự chủ đại học để đảm bảo tính đồng bộ; nguồn lực tài chính của các trường chủ yếu phụ thuộc học phí của người học, phần kinh phí này cơ bản chỉ đáp ứng được kinh phí chi thường xuyên…
Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, đồng chí Phan Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá cao những ý kiến trao đổi, đóng góp của các đại biểu; nhiều ý kiến nêu ra từ thực trạng triển khai tự chủ đại học tại Đại học Thái Nguyên cũng như các đơn vị thành viên sẽ được tổng hợp, báo cáo với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như các cơ quan chức năng chuyên môn; từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn đối với vấn đề tự chủ đại học, đặc biệt là mô hình đại học hai cấp ở Việt Nam hiện nay.
Hồng Nhung