Chiều ngày 21/02, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng Bộ Ngữ liệu số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thái Nguyên” (Đề tài).
Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có gần 300 công trình lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị; lịch sử truyền thống cách mạng các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội thuộc tỉnh đã thẩm định, xuất bản được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lưu trữ; hàng nghìn tài liệu về văn hóa Thái Nguyên đã được nghiên cứu, biên soạn, in ấn đang nằm ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân. Những công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa này chưa được xây dựng thành bộ ngữ liệu số, dẫn đến việc khai thác, sử dụng thông tin, tư liệu gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi vậy, Bộ ngữ liệu số do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học sẽ tập hợp, nghiên cứu, xây dựng tư liệu, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên có tính thống nhất, đảm bảo theo hình thức số hóa.
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Phó Chủ nhiệm Đề tài
triển khai phân công nhiệm vụ đến các thành viên
Đề tài khoa học do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện trong 24 tháng (bắt đầu từ tháng 01/2023); kinh phí thực hiện từ nguồn Quỹ phát triển khoa học công nghệ tỉnh; với những nhiệm vụ chủ yếu: Đánh giá thực trạng sử dụng các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên; công tác quản lý, khai thác công trình khoa học, tài liệu này tại các địa phương, đơn vị, cơ sở; viết các chuyên đề khoa học theo từng chủ đề; khai thác thông tin, dữ liệu, hình ảnh về lịch sử, văn hóa theo từng chủ đề; xây dựng bộ ngữ liệu số đủ điều kiện để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo hình thức số hóa; nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn, sử dụng ngữ liệu lịch sử, văn hóa tỉnh Thái Nguyên phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục của giảng viên Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố; giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngữ liệu số phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hoá địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Vũ Anh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Đài PT - TH Thái Nguyên, thành viên chính,
phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và thống nhất với dự thảo phân công nhiệm vụ cho các cá nhân thực hiện Đề tài; cách thức thực hiện, yêu cầu của việc nghiên cứu, biên soạn từng nội dung của Đề tài...
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Đề tài khoa học trong nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn và đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số ngành Tuyên giáo. Để việc triển khai nhiệm vụ Đề tài đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, đồng chí đề nghị Ban Chủ nhiệm và thành viên tham gia nghiên cứu tập trung hoàn thành công việc được giao; tham mưu cho lãnh đạo Ban kịp thời tổ chức các hội thảo khoa học sau khi thực hiện từng nhiệm vụ của Đề tài khoa học; tiến hành thử nghiệm nhuần nhuyễn, hiệu quả kết quả nghiên cứu trước khi tổ chức nghiệm thu Đề tài và chuyển giao vào thực tiễn công tác giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục…
Thu Hương