Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo và chuyên viên phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Văn phòng Đảng ủy ĐHTN và giảng viên giảng dạy môn lý luận chính trị của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
phát biểu tại buổi làm việc với Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh
Sau khi dự giờ trên lớp đối với các giảng viên dạy môn lý luận chính trị, Đoàn công tác đã làm việc với Đảng ủy, lãnh đạo các nhà trường về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức giảng dạy môn lý luận chính trị; việc triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy cấp trên trong nhà trường.
Đoàn công tác dự giờ môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đánh giá cao về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Đảng ủy ĐHTN và cấp ủy các nhà trường trong việc thực hiện giảng dạy lý luận chính trị gắn với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay. Đồng thời đề nghị Ban Tuyên giáo Đảng ủy ĐHTN tiếp tục chỉ đạo cấp ủy các nhà trường nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề gắn với chuyên môn; tổ chức tập huấn bồi dưỡng công tác lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị của các trường thành viên thuộc ĐHTN. Đối với các nhà trường, đồng chí đề nghị cần chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học các môn lý luận chính trị theo hướng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp lấy người học làm trung tâm với phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất”; lồng ghép nội dung “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” vào chương trình giảng dạy môn lý luận chính trị ở các nhà trường. Các giảng viên giảng dạy môn lý luận chính trị cần tăng cường hoạt động trao đổi, thảo luận, tương tác giữa người dạy và người học trong mỗi tiết học. Trên cơ sở xác định đúng mục tiêu, chương trình, nội dung, cần sử dụng các hình thức, phương pháp phù hợp giữa truyền thống với hiện đại góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới./.
Nguyễn Thị Hoa