Phát huy vai trò của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội

Thứ ba - 07/06/2022 05:48 0
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 51 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 833 người; họ là những người gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, là địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự của địa phương.
Trong tiến trình phát triển, tùy theo phong tục tập quán mà mỗi dân tộc ở các vùng miền khác nhau đều có những người có uy tín tiêu biểu. Người có uy tín ở Thái Nguyên gồm: Bí thư chi bộ; trưởng thôn, bản; nhân sỹ, trí thức; cán bộ nghỉ hưu; già làng; trưởng dòng họ; doanh nhân, người sản xuất; chức sắc tôn giáo và các thành phần khác. Những người có uy tín trên địa bàn tỉnh được nhân dân tin tưởng tín nhiệm đều là những công dân gương mẫu, có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đúng các quy định, quy chế hoạt động ở cơ sở. Đặc biệt, người có uy tín là cán bộ hưu trí, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm là những người có trình độ, hiểu biết và thường xuyên được tiếp cận với những chính sách mới, họ thực sự là những hạt nhân tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động. Giai đoạn 2011 - 2021, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức 65 hội nghị cung cấp thông tin cho 5.336 lượt người có uy tín tham gia; tập huấn, tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm: 38 cuộc cho 934 lượt người; các hình thức cung cấp thông tin khác 07 cuộc cho 653 lượt người có uy tín đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; giáo dục gia đình, người dân không vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền, xuyên tạc chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.
Trong xây dựng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, những người có uy tín luôn đi đầu trong việc học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất và biết cách tổ chức sản xuất theo phương pháp khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Họ không những biết làm giàu cho bản thân, gia đình mình mà còn phổ biến, giúp đỡ, hướng dẫn nhiều gia đình, người dân trong xóm, làng, dòng họ các phương thức sản xuất hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; tích cực hưởng ứng, góp công, góp của, hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, thực hiện các chính sách dân tộc tại nơi cư trú. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất, hoa màu, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, bản thân người có uy tín là những người gương mẫu đi đầu trong phong trào và được Nhân dân đồng tình ủng hộ.
image 20220607164831 1
Đồng chí Dương Văn Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 
tặng quà các đại biểu là người dân tộc, người có uy tín tiêu biểu năm 2022
Người có uy tín của tỉnh đã có vai trò quan trọng trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, những người có uy tín đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Đội ngũ người có uy tín đã có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ để cùng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ an ninh trật tự, tích cực tham gia xây dựng quy ước, hương ước ở xóm, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; tham gia giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đặc biệt là vận động đồng bào không nghe, không tin và không theo tổ chức bất hợp pháp, các tà đạo để tiến tới xóa bỏ ảnh hưởng của các tổ chức này trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn của địa phương. Tiêu biểu như ông Lã Văn Dần, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ xóm Cầu Sào, xã Đức Lương, huyện Đại Từ là tấm gương tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới; ông Dương Văn Chính, dân tộc Nùng, Trưởng xóm Làng Vàng, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên là cán bộ tiêu biểu trong lĩnh vực an ninh trật tự; ông Lê Văn Lợi, dân tộc Sán Dìu, Trưởng xóm và là người tiêu biểu, có uy tín ở xóm Vạn Phú, xã Thành Công, thành phố Phổ Yên là tấm gương tiêu biểu trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế; ông Lý Văn Sài, dân tộc Mông là Trưởng xóm và là người có uy tín ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương tiêu biểu trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng đời sống mới…
Thực tiễn cho thấy những người có uy tín là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần giúp các cơ quan trong hệ thống chính trị tổ chức tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời qua “kênh” người có uy tín nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân gửi tới Đảng, Nhà nước. Những năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với Người có uy tín, như: Tặng quà Tết; thăm hỏi, động viên; khen thưởng; tổ chức thăm quan, học tập kinh nghiệm; cung cấp thông tin, tập huấn cho Người có uy tín; tổ chức thực hiện việc đưa ra, thay thế, bổ sung người có uy tín; cấp phát báo, tạp chí hàng tháng… Trong 10 năm (2011 - 2021), Thái Nguyên có 206 người có uy tín được nhận giấy khen của UBND cấp huyện và 5 người có uy tín được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong tham gia các hoạt động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người có uy tín đối với cộng đồng hiện nay còn một có một số hạn chế như: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cấp xã về vai trò, vị trí của người có uy tín chưa thực sự đầy đủ, chưa thấy hết tầm quan trọng của việc phát huy vai trò có người có uy tín trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa chặt chẽ, thiếu cụ thể. Ở một số xã, công tác bình xét, đánh giá lại người có uy tín sau một năm còn mang tính hình thức; việc tranh thủ, phát huy vai trò người có uy tín trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thực hiện các chương trình mục tiêu của Đảng, Nhà nước còn hạn chế. Có một số người có uy tín chưa tích cực hoạt động, chưa phát huy tốt được vai trò, vị trí sau khi được Nhân dân tín nhiệm và chính quyền công nhận; việc phản ánh, cung cấp thông tin của người có uy tín cho chính quyền về các vấn đề nổi cộm, phát sinh trên địa bàn còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao...
Để người có người uy tín phát huy những kết quả đạt được, là nhịp cầu nối gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nhiệm vụ đến người có uy tín trong việc tham gia và có nhiều đóng góp vào các lĩnh vực của đời sống xã hội như: (1)Thường xuyên chủ động liên hệ và phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở địa phương trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để mọi người trong cộng đồng biết và vận động, tổ chức cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt; trong đó, trọng tâm là thực hiện chính sách dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước; quán triệt để đồng bào không nghe, không tin kẻ xấu kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước.(2)Vận động người dân thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khi thực hiện dự án.(3)Thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin cần thiết về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, trong nước để từ đó phát huy vai trò của người có uy tín trong việc tham gia đóng góp vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương và cùng chính quyền địa phương vận động, tổ chức để đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thực hiện.(4)Tham gia cùng các ngành, chính quyền địa phương trong việc hòa giải và giải quyết khiếu kiện trong đồng bào dân tộc thiểu số tại cộng đồng.(5)Vận động bà con Nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, giảm nghèo; tham gia hưởng ứng các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua khác tại địa phương; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới, nông thôn mới tại cộng đồng dân cư./.
Kiều Hoa




 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập368
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm362
  • Hôm nay54,820
  • Tháng hiện tại1,137,878
  • Tổng lượt truy cập25,734,631
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây