Theo Luật Khoa học và Công nghệ (2013): Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ. Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Ảnh minh họa
Khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo mặc dù là ba phạm trù có sự khác biệt nhưng luôn được coi là một trong những công cụ quan trọng và mạnh mẽ nhất để tạo ra năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Phát triển đất nước trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thể hiện rõ nét nhất trong mô hình hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trong điều kiện kinh tế thế giới toàn cầu hóa và có tính cạnh tranh cao, chiến lược khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất để các quốc gia không chỉ tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu mà còn đạt được tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Có thể khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là “chìa khóa” quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế. Đối với Việt Nam, vai trò của khoa học - công nghệ trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Khoa học - công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 xác định khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ. Phát triển mạnh mẽ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Khoa học và công nghệ phát triển đã góp phần đưa chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 của Thái Nguyên
đứng thứ 10 cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc (nguồn internet)
Từ tỉnh thuần nông, Thái Nguyên trở thành trung tâm và cực tăng trưởng của vùng Trung du miền núi phía Bắc
Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên từ cơ sở đảng đầu tiên được thành lập vào cuối năm 1936 đến nay sau 88 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua 20 kỳ đại hội, tại mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều hướng tới khát vọng xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, nhất là từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, sau khi chia tách với tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên luôn hướng tới mục tiêu “... trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo của cả nước”… Đặc biệt, kế thừa những thành quả của các nhiệm kỳ trước, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định mục tiêu, khát vọng phát triển của Tỉnh, đó là: “… trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”. Đây chính là mục tiêu mang tính lịch sử, đồng thời để hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi về thăm tỉnh Thái Nguyên: “...Tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, gần 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua các khó khăn, thử thách đưa Thái Nguyên từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp đến nay đã trở thành trung tâm hội tụ và lan tỏa và dần trờ thành cực tăng trưởng của Vùng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1997-2022 đạt 8,92%/năm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên vẫn duy trì tăng trưởng dương, so với cả nước, Thái Nguyên đứng thứ 10/63 tỉnh, thành trong cả nước và là tỉnh duy nhất không thuộc vùng kinh tế trọng điểm nhưng có GRDP bình quân thuộc top 10 cao nhất Việt Nam. Năm 2024, Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 6,5%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 119,2 triệu gấp gần 22 lần năm 1997; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1000 nghìn tỷ đồng tăng hơn 400 lần năm 1997, giá trị xuất khẩu đạt gần 27,6 tỷ USD tăng hơn 1.400 lần so với năm 1997; Thu ngân sách sách tăng từ 204,7 tỷ đồng năm 1997 lên 19.680 tỷ đồng...Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt. Thái Nguyên có được thành tựu phát triển như hiện nay có sự đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Những lợi thế và cơ hội để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
(1) Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2015 -2024, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch mang tính chiến lược, dài hạn cho hoạt động KH&CN của tỉnh đến 2025 và tầm nhìn đến 2030. Nổi bật, như: Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 25/7/2017 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh quy định chi tiết nội dung và mức chi thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025; Quyết định số 362/QĐ-KHCN ngày 20/02/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên về “Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên đến năm 2020.
Tỉnh đã rất chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính, chủ động bố trí nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN địa phương cao hơn mức của Trung ương . Các nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã bám sát định hướng phát triển ngành, lĩnh vực mũi nhọn, then chốt của tỉnh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng được tăng lên, đặc biệt trong lĩnh vực y - dược, nông nghiệp và kỹ thuật công nghệ. Quản lý nhà nước về KH&CN có nhiều đổi mới; thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tăng cường hỗ trợ hình thành và phát triển; hệ thống tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; bảo hộ, khai thác, phát triển và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, góp phần phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu của địa phương. Hoạt động liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN được chú trọng. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên là địa phương đứng thứ 10 cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)
(2) Là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, nơi hội tụ của các tập đoàn công nghệ cao. Ngành công nghiệp Thái Nguyên sớm được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, với sự ra đời của Khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên, được xác định là cái nôi của ngành luyện kim Việt Nam và đến nay Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, toàn tỉnh hiện quy hoạch 41 CCN với diện tích 2.067ha. Trong đó có 14 CCN đi vào hoạt động, thu hút 64 dự án tạo việc làm cho khoảng 11.190 lao động. Quy hoạch 12 KCN với tổng diện tích 4.245ha. Trong đó có 05 KCN đã đầu tư hạ tầng đi vào hoạt động. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 215 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 10,92 tỷ USD, nổi bật là Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) - Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung Hàn Quốc. Tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với quy mô 200 ha vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình là khu tập trung các hoạt động nghiên cứu - phát triển, đào tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp và các hoạt động khác liên quan đến công nghệ thông tin. Mục tiêu của quy hoạch nhằm hình thành trung tâm về công nghệ thông tin, tạo hạ tầng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin; hình thành trung tâm nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghệ thông tin, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin...
(3) Là trung tâm chuyển giao KHCN và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 6.900 trí thức có trình độ trên đại học và trên 4% dân số có trình độ cao đẳng và đại học trở lên. Mặc dù Thái Nguyên là tỉnh miền núi, nhưng lại có tỷ lệ trí thức cao, với 57 người/1 vạn dân, cao gấp 5 lần bình quân của cả nước (cả nước là 11-12 người/1 vạn dân); đội ngũ trí thức khoa học công nghệ có số lượng lớn và chất lượng cao (đứng thứ 3 toàn quốc). Đội ngũ trí thức đã đóng góp lớn cho tỉnh về nhiều phương diện nguồn lực, sản phẩm KHCN và các kết quả tư vấn, phản biện chính sách rất có giá trị. Đặc biệt với vai trò quan trọng của Đại học Thái Nguyên trong chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Với vị thế là đại học vùng, Đại học Thái Nguyên hiện có 7 trường đại học, 1 trường cao đẳng thành viên; 1 trường, 1 khoa trực thuộc; 2 phân hiệu đào tạo tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang; Nhà xuất bản, Tạp chí Khoa học và công nghệ; 12 trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học... với trên 180 giáo sư, phó giáo sư, gần 1000 tiến sĩ; Đại học Thái Nguyên đã thực hiện gần 130 nhiệm vụ KHCN trong đó trong đó có Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KH&CN giữa UBND tỉnh và Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2022; nhiều kết quả nghiên cứu với quy trình công nghệ, giải pháp kĩ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học… có giá trị đóng góp thiết thực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Máy đính mác Ultrasonic do Chi nhánh công nghệ tự động hóa TNG sản xuất (nguồn internet)
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới
(1) Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023; Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 25/7/2017 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh quy định chi tiết nội dung và mức chi thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025; Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh về việc “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025”...
(2) Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, từng bước hình thành các khu công nghệ cao, trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh và vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Khuyến khích, hỗ trợ việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn, dịch vụ chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tăng tỷ lệ thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
(3) Xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các lĩnh vực để giới thiệu cho các doanh nghiệp, các tổ chức KHCN có nhu cầu; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp thành lập và phát triển các nhóm nghiên cứu khoa học.
Chú trọng phát triển tiềm lực KH&CN; xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giỏi, đầu ngành; Phát huy vai trò của Đại học Thái Nguyên là chủ thể nghiên cứu chuyển giao KHCN và đào tạo nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao. Đẩy mạnh tuyên truyền về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hướng mạnh đến tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên; khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thể hệ trẻ.
Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; thúc đẩy sự liên thông của thị trường khoa học và công nghệ với thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn; hoạt động kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân để chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, trường đại học tới cơ sở sản xuất.
(4) Tăng cường công tác thẩm định công nghệ của các dự án thu hút đầu tư. Quan tâm đến công tác chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là trong quá trình đàm phán, xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án FDI, các dự án tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật,... Thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn đầu tư dự án ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông... Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, nhất là các ngành công nghiệp truyền thống. Đưa khoa học - công nghệ gắn với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
(5) Sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Sử dụng nguồn ngân sách địa phương đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN; đối ứng thực hiện các nhiệm vụ cấp quốc gia; thực hiện chính sách khuyến khích phát triển KHCN. Đồng thời, đẩy mạnh huy động vốn của các thành phần kinh tế, nhất là vốn của các doanh nghiệp KHCN, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn để đầu tư phát triển KHCN&ĐMST trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức KHCN liên kết với doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN.
*
* *
Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế, việc đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu:“...là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”, hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi về thăm tỉnh Thái Nguyên: “... làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”; góp phần cùng cả nước tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nguyễn Xuân Quang
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên)