Trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên

Thứ ba - 09/01/2024 05:01 0
Công tác cán bộ được Đảng ta hết sức coi trọng, xác định đây là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, liên quan sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ và việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Muốn thực hiện tốt vai trò, trọng trách của mình, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ cần có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt mà còn phải có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ.
image 20240109170130 1
(Ảnh minh hoạ)
Tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được hiểu là thái độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao với những biểu hiện như: luôn quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc; luôn nỗ lực hết sức để hoàn thành công việc, không đùn đẩy, né tránh, thoái thác việc cho người khác hoặc lơ là, thiếu tích cực, làm cầm chừng cho có, cho qua mọi việc mà không cần quan tâm đến hiệu quả; tích cực nghiên cứu, tìm ra những cách thức hữu hiệu trong xử lý các công việc được giao;… Tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ không chỉ là phẩm chất đáng quý mà còn là yêu cầu, đòi hỏi cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy tiến trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nhiệm vụ này là hết sức quan trọng trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, gia tăng những khó khăn, thách thức đối với nước ta.
Để thúc đẩy tiến trình phát triển đất nước, nhanh chóng hoàn thành những mục tiêu đã định, rất cần phải tiếp tục khơi dậy, phát huy được vai trò, sức mạnh của mọi nguồn lực, mọi chủ thể. Trong đó, trước hết và quan trọng hơn cả là phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính năng động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám gánh vác trách nhiệm, toàn tâm toàn trí, dốc sức, dốc lòng, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao vì lợi ích và mục tiêu chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay có tình trạng không ít cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương thay vì phải chủ động, linh hoạt, tích cực sáng tạo, có ý thức trách nhiệm, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực tìm mọi cách để thực hiện hiệu quả chức trách nhiệm vụ được giao thì lại có tâm lý ngại khó, ngại khổ, thiếu tinh thần, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm cách né tránh, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm cho người khác, thiếu quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc, thậm chí làm việc tắc trách, qua loa đại khái… Hậu quả là một số công việc bị bê trễ, đình đốn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân cũng như hiệu quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nguy hại hơn, tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời và dứt điểm sẽ nguy cơ ảnh hưởng tới tiến trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, với Đảng và Nhà nước. Đáng lo ngại là tình trạng thiếu ý thức trách nhiệm còn xuất hiện ngay cả ở một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, ở những công việc, lĩnh vực trọng yếu đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, gây nên những hệ lụy, tổn thất không nhỏ mà thực tế một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao bị các cơ quan chức năng phải có hình thức xử lý nghiêm khắc trong thời gian qua là một minh chứng.
Những năm gần đây, đã có hàng loạt cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, vi phạm quy chế làm việc gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý kỷ luật. Như mới đây nhiều cán bộ Bộ Công thương bị xử lý theo quy định pháp luật vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) thực hiện,...
Báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (thừa ủy quyền của Thủ tướng) trình bày báo cáo cho biết: Chỉ tính riêng trong năm 2023, có 55 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, có 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Tình trạng một bộ phận cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ là một trong những lý do gây ảnh hưởng việc triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước những năm qua.
Nhận thức được sự nguy cấp, mối nguy hại của vấn đề này, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục triệt để tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung chấn chỉnh, khắc phục nhanh chóng, triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ảnh hưởng xấu đến các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cản trở tiến trình phát triển của đất nước.
Về phía Chính phủ, chỉ tính riêng trong năm 2023 đã có hàng loạt nghị định, chỉ thị, công điện… liên quan đến vấn đề này được ban hành như: Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; Nghị định số 73/2023/NÐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Công điện số 968 ngày 16/10/2023 của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đẩy mạnh chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc,…
Từ những đòi hỏi của thực tế, nhằm góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đấu tranh, khắc phục triệt để tình trạng lơ là, xao nhãng trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và xã hội, của mọi cấp, ngành, tỉnh, thành phố, địa phương. Trong đó trước hết cần tập trung chú ý tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, xác định đây không chỉ là phẩm chất cần có mà còn là yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó mới thôi thúc các cá nhân có ý thức phấn đấu, tự giác, quyết tâm hoàn thành mọi chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cụ thể hóa các quy định, yêu cầu về tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên ở từng cơ quan, đơn vị, từng vị trí công tác và chức trách, nhiệm vụ được giao, lấy đó làm căn cứ để giám sát, kiểm tra, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm, bãi miễn cán bộ trên tinh thần cán bộ giữ chức vụ càng cao thì những tiêu chí, yêu cầu về tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ càng phải nhiều, càng phải chặt chẽ, thường xuyên phát huy vai trò nêu gương. Cần tăng cường vai trò giám sát, đánh giá của các tổ chức xã hội và nhân dân về tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Không ngừng hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định, chính sách về biểu dương, khen thưởng thỏa đáng đối với cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ, bảo vệ hiệu quả cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám đổi mới sáng tạo, luôn tích cực chủ động sáng tạo, nhiệt huyết, luôn vì lợi ích chung của cộng đồng và đất nước...
Song song đó, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, tăng cường chế tài xử lý kỷ luật quyết liệt, mạnh tay hơn với các trường hợp cán bộ thờ ơ, lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không bảo đảm yêu cầu, hiệu quả công việc, gây tổn thất cho tổ chức, đơn vị và ảnh hưởng đến tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu cao đẹp của đất nước. Kiên quyết loại trừ, thay thế những cán bộ thiếu tinh thần, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ cho dù ở vị trí, cấp bậc nào, không có vùng cấm, không có ngoại lệ./.
TS. HOÀNG THỊ KIM OANH (nhandan.vn)
(https://www.tuyengiao.vn/)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập282
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm280
  • Hôm nay55,742
  • Tháng hiện tại1,225,800
  • Tổng lượt truy cập27,472,450
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây