Ngày 22/11, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị công bố, trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ, người thân của các cán bộ đi B của tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1959 - 1975.
Cán bộ đi B là những cán bộ ở miền Bắc, với tinh thần tự nguyện hoặc được cử, bí mật vượt Trường Sơn vào miền Nam để chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu trong giai đoạn này. Ngày lên đường vào Nam, họ gửi lại tư trang, hành lý, kỷ vật… tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ rồi được Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước tiếp nhận, gìn giữ.
Lãnh đạo Sở Nội vụ Thái Nguyên trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ, người thân của các cán bộ đi B của tỉnh Thái Nguyên
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 199 hồ sơ của cán bộ đi B nằm trong giai đoạn 1959 - 1975 do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước bàn giao. Các tài liệu trong hồ sơ gồm: Bản sao chứng thực sơ yếu lý lịch; giấy khám sức khỏe; đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự; giấy giới thiệu; giấy thuyên chuyển; thẻ học sinh, học bạ, văn bản nhận xét của cán bộ đi B… Ngoài ra, trong mỗi bộ hồ sơ còn có nhiều kỷ vật của cán bộ đi B như: Nhật ký, sổ tay, thư tay, giấy khen, Huân chương, Huy chương…
Cán bộ, người thân của các cán bộ đi B của tỉnh Thái Nguyên tham quan nội dung trưng bày
hồ sơ, kỷ vật tại Hội nghị
Những hồ sơ này không chỉ lưu lại thông tin cá nhân của các cán bộ đi B, mà còn là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, minh chứng cho tinh thần yêu nước, cách mạng của các thế hệ cán bộ đi B tỉnh Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung trong giai đoạn cách mạng hào hùng; góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hoạt động này thể hiện sự tri ân đối với những người đã có cống hiến, hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài giá trị về mặt tinh thần, những hồ sơ này còn có giá trị pháp lý để làm căn cứ thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ mai sau.
Minh Hải