Ngày 03/8, tại Thái Nguyên, Cụm số thi đua số I Hội Đông y Việt Nam các tỉnh miền núi phía Bắc (gồm 05 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang và Bắc Kạn) đã tổ chức Hội nghị giao ban năm 2023.
Dự Hội nghị có đồng chí Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam; đồng chí Thái Văn Vinh, Ủy viên Thường vụ Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo một số sở, ngành, cùng các đồng chí Thường trực, cán bộ Hội Đông y các tỉnh trong cụm thi đua.
Quang cảnh Hội nghị
Trong thời gian qua, các đơn vị trong Cụm đã nỗ lực, cố gắng, không ngừng đẩy mạnh hoạt động Hội về mọi mặt và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thường trực Hội Đông y các tỉnh trong cụm có sự đoàn kết nhất trí cao, luôn nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Cán bộ, hội viên nhiệt tình, tâm huyết, yêu nghề. Cơ cấu tổ chức Hội các cấp luôn được củng cố, kiện toàn và phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Cùng với đó, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc được thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi tạo điều kiện phát triển nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đa dạng, phong phú. Sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số đã tạo nên kho tàng các môn thuốc, bài thuốc gia truyền độc đáo, có giá trị chữa bệnh đạt hiệu quả cao. Hội Đông y các tỉnh đã có sự phối kết hợp với ngành y tế trong việc điều tra, xác minh, xét duyệt người có bài thuốc gia truyền để bảo tồn và lưu giữ cho đời sau, tiêu biểu: Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên có 111 bài thuốc gia truyền được Sở Y tế cấp chứng nhận; Hội Đông y tỉnh Bắc Kạn có 108 bài; Hội Đông y tỉnh Hà Giang có 29 bài; Hội Đông y tỉnh Cao Bằng có 08 bài.
Đồng chí Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS, Thầy thuốc ưu tú Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội Đông y các tỉnh miền núi phía Bắc. Thời gian tới, đề nghị các cấp Hội cần quan tâm tập huấn chuyên môn, củng cố các phòng chẩn trị tại Hội Đông y. Quan tâm xây dựng đội ngũ đông y uy tín, tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất mô hình du lịch sức khỏe, đưa đông y ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, các tỉnh cần chú trọng kết nối hệ sinh thái đông y gắn với nhiệm vụ chuyển đổi số của Trung ương Hội Đông y Việt Nam. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, tham gia xây dựng đề án đào tạo cho đội ngũ lương y các cấp.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Cụm thi đua số I xác định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, Hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ chị, nghị quyết, thực hiện nghiêm túc Điều lệ Hội; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải pháp để bảo tồn và phát triển nền y học cổ truyền, các giải pháp về công tác tổ chức, hoạt động, phát triển tổ chức Hội; củng cố, phát triển tổ chức Hội Đông y ở các cấp, tăng cường quản lý đi đôi với phát triển hội viên mới; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác khám chữa bệnh, xây dựng vườn thuốc nam tại các cơ sở Hội và gia đình hội viên; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác sưu tầm, thừa kế, nghiên cứu khoa học, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, hội viên.
Thu Hiền