Chiều 27/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá chất lượng và tính ứng dụng 47 chuyên đề khoa học của Đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, xây dựng bộ ngữ liệu số góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thái Nguyên” (Đề tài).
Dự Hội thảo có các thành viên Ban Chủ nhiệm, nhóm nghiên cứu, Thư ký Đề tài; đại diện các cơ quan, đơn vị, cá nhân phối hợp thực hiện Đề tài; các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; các cá nhân mời viết tham luận tại Hội thảo. Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Đề tài Vũ Duy Hoàng phát biểu khai mạc Hội thảo
Đề tài khoa học “Nghiên cứu, xây dựng bộ ngữ liệu số góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thái Nguyên” được thực hiện trong 24 tháng với những nhiệm vụ chủ yếu: (1) Đánh giá thực trạng sử dụng các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên; công tác quản lý, khai thác công trình khoa học, tài liệu này tại các địa phương, đơn vị, cơ sở. (2) Viết các chuyên đề khoa học theo từng chủ đề; khai thác thông tin, dữ liệu, hình ảnh về lịch sử, văn hóa theo từng chủ đề; xây dựng bộ ngữ liệu số đủ điều kiện để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo hình thức số hóa. (3) Nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn, sử dụng ngữ liệu lịch sử, văn hóa tỉnh Thái Nguyên phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục của giảng viên Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố; giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. (4) Nghiên cứu, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngữ liệu số phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hoá địa phương.
Đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện xong nhiệm vụ đánh giá thực trạng sử dụng các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên; công tác quản lý, khai thác công trình khoa học, tài liệu này tại các địa phương, đơn vị, cơ sở; đã hoàn thiện dự thảo 47 chuyên đề khoa học. Cơ bản, nội dung của các chuyên đề phong phú, đầy đủ. Cách trình bày các thông tin về lịch sử, văn hóa cơ bản đầy đủ theo đúng hướng dẫn và đề cương viết chuyên đề của Ban Biên soạn Đề tài. Với hơn 600 trang của 47 chuyên đề khoa học do 19 đồng chí là thành viên chính của đề tài thực hiện đã cơ bản khái quát khá đầy đủ về mảnh đất, lịch sử, văn hóa, con người Thái Nguyên.
Đại biểu dự Hội thảo phát biểu ý kiến
Tại Hội thảo, các nhà khoa học và đại biểu đều cơ bản nhất trí với nội dung của Hội thảo; các ý kiến trao đổi, thảo luận đã làm sáng tỏ nhiều nội dung, nêu bật được tính cấp thiết, ý nghĩa của các chuyên đề; phương pháp nghiên cứu; giá trị khoa học; giá trị sử dụng, ứng dụng của từng chuyên đề và đặc biệt là nêu những nội dung cần làm rõ, cần chỉnh sửa, bổ sung của bản thảo 47 chuyên đề khoa học. Kết quả của Hội thảo là một trong những luận cứ rất quan trọng để Ban Chủ nhiệm tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các nội dung của Đề tài.
Phát biểu kết luận Hội thảo, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực cố gắng làm việc nghiêm túc, hiệu quả của các nhà khoa học, các thành viên chính tham gia viết các chuyên đề của Đề tài. Đồng chí đề nghị các thành viên Ban Biên soạn Đề tài tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung còn lại của 47 chuyên đề khoa học; các đồng chí trong Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao; các đồng chí lãnh đạo Ban thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo, giúp đỡ các phòng chuyên môn và các thành viên Ban Biên soạn trong quá trình nghiên cứu, biên soạn và hoàn thiện các nội dung của chuyên đề khoa học đảm bảo tiến độ thực hiện./.
Huy Hiệp