Sôi nổi chuỗi các hoạt động nhân dịp đầu Xuân mới tại thành phố Phổ Yên

Chủ nhật - 09/02/2025 19:20 0
Ngày 09/02 (tức ngày 12 tháng Giêng âm lịch), tại Khu di tích quốc gia Đền thờ Lý Nam Đế thuộc tổ dân phố Hòa Bình, phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục), Xuân Ất Tỵ 2025; kỷ niệm 1481 năm Ngày Đức Hoàng đế Lý Nam Đế thành lập nước Vạn Xuân và lên ngôi Hoàng đế.
image 20250210092032 1
Màn trống hội rộn ràng chính thức khai hội truyền thống Đền thờ Lý Nam Đế
Tham dự có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Đoàn ĐBQH và Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ngành, địa phương cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
image 20250210092032 2
Các đại biểu tham dự Chương trình
Vua Lý Nam Đế tên thật là Lý Bí, ông là người đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam xưng Hoàng đế, khai sinh ra nước Vạn Xuân. Theo tư liệu điền dã thực địa và các thần tích, truyền thuyết còn lưu giữ, các nhà sử học hàng đầu Việt Nam đã kết luận, Lý Bí được sinh ra tại làng Cổ Pháp, xưa thuộc Châu Dã Năng, xứ Kinh Bắc, nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên. Năm 542, với tài đức, văn võ song toàn, Lý Bí đã liên kết các hào kiệt, lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi được quân đô hộ nhà Lương, rồi xưng là Nam Đế (vua nước Nam) vào ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý, đặt tên nước là Vạn Xuân, khai sinh triều đại Tiền Lý. Năm 2014, đền Mục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, đây cũng là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng không thể thiếu của người dân trong vùng và du khách thập phương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư Thành ủy Phổ Yên thỉnh chuông (ảnh: TNGOP)
Lễ hội Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục) được tổ chức trong 2 ngày 09 và mùng 10/2/2025 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025) với quy mô cấp thành phố. Lễ hội được tổ chức gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần Lễ được tổ chức gồm các nội dung: Lễ rước kiệu, rước lễ, dâng hương, tế chúc văn, tế thánh; màn trống hội và Múa lân sư rồng; biểu diễn võ cổ truyền do câu lạc bộ võ cổ truyền thành phố biểu diễn. Phần hội có các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian truyền thống như: Cờ tướng, vật cổ truyền, kéo co, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, đánh đu, đi cầu khỉ… 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Đền thờ Lý Nam Đế
Lễ hội là chuỗi các hoạt động nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh ra vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc. Thông qua Lễ hội để tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân nâng cao sự hiểu biết về thân thế, sự nghiệp, tầm vóc và công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc - Hoàng đế Lý Nam Đế.
*Ngay sau Chương trình khai hội, Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dự Chương trình Phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” của thành phố Phổ Yên được tổ chức tại Trường THPT Lý Nam Đế (phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trồng cây tại khuôn viên Trường THPT Lý Nam Đế
* Tối cùng ngày, tại Quảng trường Vạn Xuân (thành phố Phổ Yên), UBND thành phố Phổ Yên và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức Đêm thơ với chủ đề “Non nước Vạn Xuân”. Chương trình do Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Thành ủy Phổ Yên chỉ đạo thực hiện.
Các đồng chí lãnh đạo và đại diện Ban Tổ chức tặng hoa các đơn vị phối hợp thực hiện Chương trình
Tham dự Đên thơ có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Vũ Duy Hoàng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Bùi Văn Lương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Phổ Yên; Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học Trung ương... cùng đông đảo văn nghệ sĩ và người yêu thơ.
Các đại biểu tham dự Chương trình
Tại Đêm thơ đã trình diễn các tác phẩm tiêu biểu của nền thơ, nền âm nhạc Việt Nam và Thái Nguyên thông qua các hình thức ngâm thơ, đọc thơ, thơ múa, trình diễn thơ, các màn hát múa và ca khúc, tổ khúc thơ múa, họa theo thơ… Với 2 chương là “Ngàn xưa vọng lại” và “Trang sử mới”, chương trình sử dụng thi ca từ văn học dân gian đến hiện đại: đồng dao, ca dao dân ca, Truyện Kiều, thơ của các tác giả: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Phùng Khắc Bắc, Trần Đăng Khoa…
 
Một số tiết mục nghệ thuật tại Chương trình
Bên cạnh chương trình biểu diễn còn có nhiều hoạt động ý nghĩa như trưng bày 50 câu thơ hay về đất nước và con người Việt Nam; triển lãm sách, báo, tạp chí văn học - nghệ thuật, không gian trưng bày ảnh nghệ thuật và cuộc thi “Đề thơ vào ảnh”.
Đêm thơ “Non nước Vạn Xuân” trong chuỗi sự kiện Ngày thơ Việt Nam năm 2025 tại thành phố Phổ Yên, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, không chỉ tôn vinh giá trị văn chương mà còn góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, khát vọng, sáng tạo của nhân dân Thái Nguyên. Đây cũng là dịp để lan tỏa tinh thần văn hóa, nghệ thuật đến cộng đồng, hướng đến tương lai phát triển bền vững và giàu bản sắc…
Thu Hương







 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập280
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm279
  • Hôm nay54,599
  • Tháng hiện tại1,321,830
  • Tổng lượt truy cập29,321,413
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây