Đề cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ để thảo luận và quyết định đúng đắn

Thứ ba - 07/12/2021 23:00 0
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có bài phát biểu chỉ đạo nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng.
 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên các thời kỳ!

Kính thưa Chủ tọa Kỳ họp, thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh, các vị khách quý!

Thưa các bậc cử tri và toàn thể Nhân dân tỉnh Thái Nguyên!

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự và phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên các thời kỳ; lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 1; các vị đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Thái Nguyên; các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đồng chí đại biểu, khách quý lời chào trân trọng. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, chúc Kỳ họp của chúng ta thành công tốt đẹp.

Kính thưa các vị đại biểu và các bậc cử tri!

Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh được tổ chức vào thời điểm chuẩn bị kết thúc năm 2021 và tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch của năm đầu tiên trong nhiệm kỳ mới, tạo đà cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.

Như chúng ta đều đã biết, năm 2021, trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh của nhân dân, song, với sự đoàn kết, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự năng động, sáng tạo, nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Một số kết quả nổi bật là: Kinh tế tăng trưởng ước đạt 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người mặc dù chưa đạt kế hoạch nhưng trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế vẫn đạt 95,1 triệu đồng/người (kế hoạch: 98 triệu đồng), tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%; giá trị xuất khẩu ước đạt gần 29 tỷ USD, tăng 2,4%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 16.750 tỷ đồng, tăng 10,6%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt trên 14.600 tỷ đồng, tăng 4,18%; giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt trên 117 triệu đồng, tăng 7,1%; 102/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75%).

Công tác thu hút đầu tư vào tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn năm 2021 đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng 10%; đã có 35 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư 6.377 tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 158 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có gần 8 nghìn doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 116 nghìn tỷ đồng. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, đời sống của đại bộ phận nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,17%.

Tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 như: Hỗ trợ người Thái Nguyên đang sinh sống tại T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam; hỗ trợ chi phí cách ly, ăn, ở, xét nghiệm cho người lao động là công dân của tỉnh đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Bắc Giang trở về quê hương; hỗ trợ giáo viên mầm non, phổ thông và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn thuộc diện thuê khoán và người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Nghị quyết số 01 ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sau gần 1 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 3 lĩnh vực: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và có tác động toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Có thể thấy một số kết quả điển hình như: Đã cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (hoàn thành từ tháng 5-2021, vượt 7 tháng so với kế hoạch); hệ thống quản lý văn bản đi - đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên đã gửi, nhận gần 1,9 triệu văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 7,5 tỷ đồng so với gửi, nhận qua đường bưu điện); phần mềm ứng dụng công dân Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” được đưa vào sử dụng từ tháng 6-2021 với trên 117 nghìn lượt tải về.

Kết quả xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12 toàn quốc về chuyển đổi số, trong đó Chính quyền số đứng thứ 3, Kinh tế số đứng thứ 19 và Xã hội số đứng thứ 37.

Cùng với ứng dụng C-ThaiNguyen, việc đưa vào sử dụng app Sổ tay đảng viên điện tử, khai trương mạng 5G đầu tiên tại tỉnh và ứng dụng công dân số với tên gọi "Thai Nguyen ID" sẽ hỗ trợ tích cực vào việc định danh chính xác từng người dân Thái Nguyên trên không gian số, đơn giản hóa và thuận tiện trong việc thực hiện các dịch vụ công một cửa, là “cánh tay nối dài” giúp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính của tỉnh.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng, quân sự địa phương, công tác đối ngoại được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo xử lý quyết liệt, nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các vụ việc vi phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận nhân dân.

Các đại biểu dự Kỳ họp.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và đóng góp của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong thời gian qua.

Kính thưa các vị đại biểu và các bậc cử tri!

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng còn những hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng nhỏ; nguồn thu từ đất vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách Nhà nước (chiếm 26,87%); tiến độ một số công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách còn chậm; quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp; công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường còn có những hạn chế, bất cập; vi phạm, tội phạm còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp… Đây là những vấn đề đòi hỏi có các giải pháp khắc phục đồng bộ, hiệu quả để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thưa toàn thể các vị đại biểu!

Nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh đã được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho chủ trương, định hướng để Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tổ chức Kỳ họp theo quy định. Trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng về cơ chế, chính sách liên quan đến đời sống cán bộ, đảng viên, nhân dân và an sinh xã hội; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực đầu tư về vốn, đất đai; xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022, cũng như cả giai đoạn 2021-2025, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Trên tinh thần đó, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh đề cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng vào các nội dung của Kỳ họp, trong đó cần quan tâm hơn đến một số vấn đề sau:

Một là, nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và nguyên nhân (cả về khách quan và chủ quan); đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để có các giải pháp, chương trình, kế hoạch, kịch bản điều hành linh hoạt, phù hợp, thể chế hoá vào trong các nghị quyết của HĐND tỉnh, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả nhằm quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh năm 2022.

Hai là, tiếp tục chú trọng công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai (việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng sang mục đích khác…), tài nguyên, khoáng sản, môi trường; việc quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng… theo đúng quy định của pháp luật, gắn với phục vụ triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn, sức lan tỏa cao, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển. Đồng thời, chú trọng nội dung tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng nguồn vốn trong và ngoài ngân sách, nhất là đầu tư công bảo đảm nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài; quyết liệt làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư các dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng.

Một nội dung tiếp theo các đại biểu cần quan tâm bàn thảo đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, đề án trên các lĩnh vực giai đoạn 2020-2025 đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua; tăng cường triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, kích cầu đầu tư, khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải và các ngành, lĩnh vực khác chịu nhiều tác động bởi dịch COVID-19, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới; thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước; phấn đấu tăng thu ngân sách năm 2022 cao hơn năm 2021; thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên các khoản chi cho đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ gắn với đề cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư theo hướng công khai, minh bạch thông tin, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; tiếp xúc, đối thoại với người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lấy tiêu chí, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo chất lượng hoạt động công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

Bốn là, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng Công an xã, thị trấn; Dự án xây dựng trụ sở Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2022 theo đúng kế hoạch đề ra.

Năm là, dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh COVID-19 còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường, khó có thể kiểm soát một cách tuyệt đối. Do vậy, cần phải có biện pháp phù hợp để phòng, chống, bảo đảm “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh”; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản đáp ứng mọi tình huống xảy ra; tiếp tục triển khai ứng dụng các nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch; khuyến khích, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, kết nối, liên thông với các đơn vị trực thuộc trên địa bàn; thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, bệnh án điện tử theo lộ trình.

Sáu là, các nội dung HĐND tỉnh bàn và những nội dung dự kiến ban hành nghị quyết tại Kỳ họp lần này đều là những nội dung quan trọng được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Vì vậy, tôi đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, phát huy vai trò người đại biểu nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm; bám sát các quy định của pháp luật và tình hình cụ thể của tỉnh, tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá, đóng góp tích cực vào các nội dung của Kỳ họp, để các cơ quan chủ trì tiếp thu, giải trình trước khi HĐND tỉnh quyết nghị, thông qua, bảo đảm các nghị quyết được ban hành đúng pháp luật và sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Ngay sau Kỳ họp, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cần khẩn trương triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh đã thông qua. Đề nghị HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết đã được ban hành, đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri, để các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 đi vào cuộc sống ngay từ những tháng đầu, quý đầu.

Kính thưa các vị đại biểu!

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm 2021 và 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, Xuân Nhâm Dần 2022. Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá cả, thị trường, đảm bảo chất lượng và bình ổn hàng hóa; thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, bảo đảm mọi người dân đều có Tết. Đồng thời tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trước khi dừng lời, một lần nữa xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các vị đại biểu HĐND tỉnh, các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các bậc cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Báo Thái Nguyên điện tử

Nguồn tin: baothainguyen.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập241
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm198
  • Hôm nay45,487
  • Tháng hiện tại249,746
  • Tổng lượt truy cập14,100,876
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây