Với 3 trạm phát sóng 5G được cung cấp bởi Viettel, người dân một số khu vực ở trung tâm T.P Thái Nguyên và Khu công nghiệp Yên Bình có thể sử dụng mạng tốc độ cao 5G ngay trong tháng 12 này. |
P.V: Trước tiên, ông có thể lý giải tại sao cần phải thay thế mạng 4G hiện tại bằng mạng 5G?
Ông Vũ Hồng Quân: Theo thống kê từ các hãng viễn thông và tổ chức viễn thông quốc tế, tổng nhu cầu lưu lượng di động toàn cầu tăng đều đặn khoảng 45% qua các năm, và được dự báo tăng khoảng 9 lần trong năm 2026 (so với 2020). Với dự báo đó thì mạng 4G trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cao bị nghẽn và mạng di động thế hệ thứ 5 (tức 5G) sẽ đáp ứng được toàn bộ các yêu cầu đó.
Hiện tại, trên thế giới có 72 quốc gia và tại khu vực Đông Nam Á có 3 nước đã có mạng 5G. Tại Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã triển khai 5G từ năm 2019, đến nay đã phát sóng tại 12 tỉnh/ thành phố và đến cuối tháng 12 này sẽ chính thức có mặt tại Thái Nguyên - trung tâm kinh tế của khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 3 toàn quốc. Sự có mặt của sóng 5G như một lời cam kết của tỉnh về việc đảm bảo hạ tầng hiện đại để đón chào các nhà đầu tư trên khắp thế giới đến với Thái Nguyên.
P.V: Những ưu điểm của 5G so với mạng 4G hiện tại là gì, thưa ông?
Ông Vũ Hồng Quân: Công nghệ mạng 5G có tốc độ kết nối nhanh hơn so với 4G, lý do là bởi phạm vi phủ sóng của 5G rộng hơn và nó được sử dụng công nghệ vô tuyến tiên tiến hơn. Đồng thời, 5G cũng có độ trễ ít hơn, giúp cho tốc độ download/upload (tải xuống/tải lên) dữ liệu trở nên nhanh chóng hơn nhiều.
Về mặt lý thuyết, công nghệ mạng 5G có thể download dữ liệu với tốc độ tối đa khoảng từ 1 tới 10GB/s, độ trễ chỉ 1 mili giây. Còn trên thực tế thì tốc độ download dữ liệu trung bình của công nghệ mạng 5G tối thiểu là 50Mb/s với độ trễ 10 mili giây, tốc độ này nhanh hơn nhiều lần tốc độ download dữ liệu trung bình hiện tại của công nghệ mạng 4G là 15 MB/s với độ trễ 50 mili giây.
P.V: Với ưu điểm như vậy, 5G có thể ứng dụng trong những lĩnh vực nào, thưa ông?
Ông Vũ Hồng Quân: 5G có thể đáp ứng các dịch vụ đòi hỏi cao hơn khả năng đáp ứng của 4G. Trong đó, dịch vụ băng rộng di động nâng cao (eMBB) là dịch vụ chủ đạo trong giai đoạn đầu triển khai mạng 5G. Dịch vụ này đặc trưng bởi tốc độ dữ liệu lớn trên vùng phủ rộng và người dùng có thể sử dụng các dịch vụ dựa trên nền data tốc độ cao trên các thiết bị đầu cuối.
Dịch vụ thứ hai là truyền thông máy mật độ cực lớn (mMTC) cung cấp kết nối vạn vật (IoT) với mật độ thuê bao cực lớn. Dịch vụ này có thể phát triển các ứng dụng đặc trưng mà 4G không thể đáp ứng như: Thành phố thông minh, máy đo thông minh, kho vận và giám sát tài sản.
Dịch vụ thứ ba 5G có thể đáp ứng tốt là truyền thông độ trễ thấp siêu tin cậy (uRLLC) nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe về độ trễ và tin cậy, với yêu cầu độ trễ có thể đạt tới 1ms (so với 50ms của mạng 4G). Các ứng dụng đặc trưng của uRLLC gồm: Tự động hóa công nghiệp, quản lý tài nguyên thông minh, xe tự lái.
P.V: Để đáp ứng nhu cầu người dùng và trước mắt thực hiện mục tiêu triển khai 5G tại Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên đã và đang triển khai hạ tầng viễn thông như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Hồng Quân: Trong các năm 2019, 2020, 2021, Viettel đã tiến hành nhiều kế hoạch thử nghiệm, đánh giá về mặt tính năng kỹ thuật, công nghệ cũng như kinh doanh thử nghiệm dịch vụ 5G. Hiện tại, chúng tôi đã phát sóng 5G tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đang triển khai tại 7 tỉnh trọng điểm về phát triển công nghiệp, trong đó có Thái Nguyên.
Với Thái Nguyên, chúng tôi sẽ phát sóng 5G trong tháng này với 3 trạm phát đặt tại T.P Thái Nguyên và Khu công nghiệp Yên Bình. Sang năm 2022 và 2023, đơn vị sẽ phủ sóng 5G tại Khu công nghiệp Yên Bình, các trung tâm huyện, thành, thị và các khu dân cư, khu công nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: baothainguyen.vn
Ý kiến bạn đọc