Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn

Thứ tư - 29/11/2023 03:20 0
Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 luật, 08 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 08 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Sáng 29/11, Quốc hội đã bế mạc Kỳ họp thứ 6 sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao. Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. 
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 luật, 08 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 08 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp. 
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Khái quát và nhấn mạnh một số kết quả của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2023 và thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; quyết định Kế hoạch đầu tư công năm 2024; cho ý kiến về báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; Kế hoạch tài chính - ngân sách, đầu tư công 03 năm 2024 - 2026; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
image 20231129172033 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp
Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc trước mắt vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy các đột phá chiến lược.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. 
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm…
Thông qua nhiều luật, giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách
Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 02 nghị quyết quy phạm pháp luật và 07 luật. Quốc hội đã tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh. Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
image 20231129172033 2
Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp
Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 
“Đây là các đạo luật có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 02 dự án Luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành. 
Đẩy nhanh tiến độ các Chương trình mục tiêu quốc gia
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng, nhiều kiến nghị, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Quốc hội đồng ý để Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và việc phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 với 21 lĩnh vực thuộc 04 nhóm nội dung: kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội. 
Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, rộng rãi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri, Nhân dân cả nước...
Từ thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cùng nhiều kết quả quan trọng đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng".
Để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6. 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, nhất là về những vấn đề cấp bách nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời, phù hợp; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. 
"Các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ Nhân dân đón mừng năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết đầm ấm" - Chủ tịch Quốc hội đề nghị./.
 Nhóm Phóng viên Thời sự
(https://dangcongsan.vn/)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập188
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm187
  • Hôm nay54,820
  • Tháng hiện tại1,142,707
  • Tổng lượt truy cập25,739,460
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây