Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thành phố Thái Nguyên đã tăng cường và đổi mới hoạt động tiếp xúc, đối thoại với người dân theo hướng đẩy mạnh tiếp xúc, đối thoại ở cơ sở, tại nơi công tác, gắn liền với hoạt động đối thoại trực tiếp và theo nhóm đối tượng. Đặc biệt, sau tiếp xúc, đối thoại, việc giám sát, đôn đốc tiến độ và giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân được quan tâm. Những kết quả đáng ghi nhận sau Hội nghị tiếp xúc, đối thoại chuyên đề giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố Thái Nguyên với ngành Giáo dục và đào tạo (ngành GD&ĐT) trên địa bàn là minh chứng sinh động cho cách làm hiệu quả đó.
Được xây dựng từ những năm 70 của thế kỉ trước, đến nay trường Mầm non 1/5, thành phố Thái Nguyên đã xuống cấp nhiều hạng mục. Nâng cấp, sửa chữa lớn và đầu tư xây dựng mới trường lớp học luôn là mong muốn và nhu cầu của cô trò nhà trường. Tuy nhiên, do vướng mắc trong hồ sơ, thủ tục liên quan, nên việc nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn. Chỉ đến khi được phản ánh và tiếp thu tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Thái Nguyên với ngành GD&ĐT, vấn đề này đã được quan tâm, đôn đốc, giải quyết.
Sau hội nghị đối thoại, đến nay đã có 80 trường học được phê duyệt phương án sắp xếp lại,
xử lý cơ sở nhà đất (trong ảnh: Trường Mầm non 1/5)
Cô giáo Nguyễn Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1/5 phấn khởi nói: “Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo thành phố Thái Nguyên, chúng tôi có đề xuất, kiến nghị và rất vui mừng đã được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm, tạo điều kiện, chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn nhà trường thực hiện rà soát, hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Đến tháng 6/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp và xử lý lại nhà đất. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để nhà trường có những kế hoạch, phương án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.”
Niềm vui của cô và trò trường Mầm non 1/5 cũng là niềm vui chung của nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố sau khi ý kiến về việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được các cấp, ngành của thành phố tiếp thu, giải quyết. Đến nay, đã có 80 trường học được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất; 25 trường học đang được cơ quan chuyên môn hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để thực hiện đề xuất phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất. Trong đó, có 5 trường đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cũng từ sau Hội nghị đối thoại với ngành GD&ĐT, nhiều ý kiến, kiến nghị của các trường học trên địa bàn về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo duy trì, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng trường học thông minh… đã được quan tâm chỉ đạo, giải quyết. Tính riêng năm học vừa qua, UBND thành phố đã cân đối nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục năm 2023 để cấp bổ sung kinh phí cho các trường mầm non, tiểu học, THCS mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị dạy học, với tổng số kinh phí trên 12,36 tỉ đồng.
Từ nguồn kinh phí cấp bổ sung, nhiều hạng mục cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trường học trên địa bàn
đã được đầu tư mua mới hoặc nâng cấp (Trong ảnh: Trường THCS Lương Ngọc Quyến)
Cô giáo Lê Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Trước đây, năm 2021 - 2022, cấp ủy, chính quyền thành phố cũng đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của nhà trường, như: nhà lớp học 3 tầng, 15 phòng học, sân trường, cổng trường, hệ thống tường rào. Mới đây, sau Hội nghị đối thoại với ngành GD&ĐT, Trường THCS Lương Ngọc Quyến tiếp tục được đầu tư sửa chữa nhà hiệu bộ. Hiện giờ hạ tầng trường lớp học rất khang trang, từ đó, phụ huynh ngày càng tin tưởng gửi gắm con em vào học tập tại nhà trường”.
Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố Thái Nguyên
với ngành GD&ĐT trên địa bàn (ngày 28/4/2023)
Đổi mới phương thức tiếp xúc, đối thoại, những năm gần đây, thành phố Thái Nguyên đã tăng cường hoạt động này theo hướng trực tiếp, hướng về cơ sở và đẩy mạnh tiếp xúc, đối thoại theo nhóm đối tượng và lĩnh vực cụ thể. Trong đó, năm 2023 là năm đầu tiên lãnh đạo thành phố tổ chức đối thoại chuyên đề với cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT. Hơn 130 ý kiến được tổng hợp bằng văn bản và 7 ý kiến, kiến nghị phản ánh trực tiếp đã cho thấy tinh thần thẳng thắn và dân chủ của một Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân. Trên tinh thần cầu thị và xây dựng, hơn 50% các ý kiến đã được giải đáp, làm rõ ngay tại hội nghị. Ngay sau đó, nhiều ý kiến tiếp tục được chỉ đạo, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết triệt để. Đơn cử, như việc chi trả phụ cấp ưu đãi nghề cho hơn 100 nhân viên y tế học đường hay xem xét hỗ trợ tiền trông trưa cho giáo viên mầm non.
Chị Bàn Thị Hồng, Nhân viên y tế trường học Trường THCS Lương Ngọc Quyến phấn khởi nói: “Thông qua Hội nghị đối thoại, ý kiến của nhân viên y tế học đường chúng tôi đã được lắng nghe. Hiện, chúng tôi đã được hưởng đầy đủ phụ cấp ưu đãi nghề. Đây là động lực để chúng tôi yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo.”
Ban Thường vụ Thành ủy Thái Nguyên thường xuyên họp kiểm điểm tiến độ giải quyết các ý kiến,
kiến nghị được tổng hợp sau các hội nghị tiếp xúc, đối thoại
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Thái Nguyên cho biết thêm: “Qua rà soát của ngành chuyên môn, từ sau Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố Thái Nguyên với ngành GD&ĐT trên địa bàn đến nay, cơ bản các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đều đã được giải quyết, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của các nhà trường. Đối với các ý kiến, kiến nghị không thuộc thẩm quyền được tổng hợp để chuyển đến các cơ quan cấp trên xem xét, giải quyết. Với những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguyên nhân chủ quan từ phía các đơn vị, cũng đã được thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quan tâm, phối hợp để từng bước tháo gỡ”.
Có thể nói, từ Hội nghị tiếp xúc, đối thoại chuyên đề với ngành GD&ĐT đã cho thấy những đổi mới trong cách thức tổ chức hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố Thái Nguyên với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng địa phương trong đôn đốc, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân. Đây cũng là minh chứng sinh động, là kinh nghiệm hay của thành phố Thái Nguyên để hoạt động tiếp xúc, đối thoại ngày càng đi vào nền nếp và mang hiệu quả thiết thực, qua đó nhằm tăng tính đồng thuận, giảm bức xúc và góp phần giải quyết triệt để các vấn đề khó khăn ở cơ sở ngay từ “gốc”.
Trần Trang