Trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền và xác định“hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”; đường lối, quan điểm, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng được thể chế hoá thành Hiến pháp, pháp luật, nghị định, quyết định... của Nhà nước. Do đó tất cả tổ chức đảng và đảng viên cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận, hướng dẫn của Đảng. Mọi đảng viên vi phạm Hiến pháp và pháp luật cũng là vi phạm kỷ luật đảng, ngoài việc xem xét kỷ luật đảng còn phải được xem xét kỷ luật về Nhà nước, chính quyền.
Nhiệm kỳ 2015-2020, tại Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 7.189 tổ chức đảng và 2.621 đảng viên (có 825 đảng viên là cấp ủy viên các cấp); giám sát chuyên đề 2.853 tổ chức đảng và 2.247 đảng viên (có 1.017 đảng viên là cấp ủy viên các cấp). Qua giám sát đã phát hiện và tiến hành chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 18 tổ chức đảng, 05 đảng viên. UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 83 tổ chức và 343 đảng viên (có 155 đảng viên là cấp uỷ viên các cấp). Cấp ủy các cấp và chi bộ thi hành kỷ luật đối với 26 tổ chức đảng (khiển trách 21 tổ chức; cảnh cáo 05 tổ chức) và thi hành kỷ luật đối với 820 đảng viên (khiển trách 558, cảnh cáo 206, cách chức 32, khai trừ ra khỏi Đảng 24 trường hợp), có 181 là cấp ủy viên các cấp. UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 291 đảng viên, trong đó cấp uỷ viên các cấp 57 trường hợp (khiển trách 90; cảnh cáo 44; cách chức 01; khai trừ ra khỏi Đảng 76 đồng chí).
Kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên khóa XX (Ảnh minh họa)
Có thể nói, việc thi hành kỷ luật trong Đảng của cấp ủy và UBKT cơ bản được xem xét, quyết định đúng thẩm quyền, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm để xử lý. Việc áp dụng hình thức kỷ luật đúng với lỗi vi phạm; áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp, bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc và thủ tục theo quy định, có tác dụng giáo dục, răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, được cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các tổ chức đảng và đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhìn chung đều chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật, quyết tâm sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, việc thi hành kỷ luật của đảng thời gian qua chưa đồng bộ hóa với kỷ luật của chính quyền và pháp luật, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc xử lý kỷ luật: Tại Khoản 6, Điều 2, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định: “Trường hợp cán bộ, công chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật Đảng”. Tuy nhiên, thế nào là “bảo đảm ở mức độ tương xứng” giữa kỷ luật hành chính với kỷ luật Đảng thì không có chuẩn mực cụ thể. Nói cách khác, pháp luật hiện hành không đưa ra giải thích hay hướng dẫn cụ thể để giúp chủ thể có thẩm quyền xác định yếu tố “tương xứng” giữa kỷ luật hành chính với kỷ luật Đảng.
Hiện nay, theo Quy định số 102-QĐ/TW đảng viên chính thức có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng một trong bốn hình thức kỷ luật là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng. Về kỷ luật hành chính theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP: Có 04 hình thức kỷ luật đối với cán bộ (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm); 04 hình thức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (khiển trách; cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc); 05 hình thức kỷ luật đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc).
Như vậy, hiện nay đang có nhiều cách áp dụng khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, hình thức “khiển trách” trong kỷ luật Đảng sẽ tương xứng với hình thức kỷ luật hành chính “khiển trách” đối với cán bộ, công chức; hình thức “cảnh cáo” trong kỷ luật Đảng sẽ tương xứng với hình thức kỷ luật hành chính “cảnh cáo” đối với cán bộ, công chức. Tương tự, hình thức “cách chức” trong kỷ luật Đảng sẽ tương xứng với hình thức kỷ luật hành chính “cách chức” đối với cán bộ, công chức. Trong khi đó, hình thức “khai trừ ra khỏi Đảng” trong kỷ luật Đảng sẽ tương xứng với hình thức kỷ luật hành chính “bãi nhiệm” đối với cán bộ và “buộc thôi việc” đối với công chức. Nếu vậy, hình thức kỷ luật “giáng chức” đối với công chức sẽ không thể được áp dụng nếu căn cứ vào nguyên tắc “bảo đảm ở mức độ tương xứng” giữa kỷ luật hành chính với kỷ luật Đảng, bởi không có hình thức kỷ luật Đảng nào tương xứng với hình thức kỷ luật giáng chức.
Thứ hai, về việc áp dụng các hình thức kỷ luật: Điều 32, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định các hình phạt chính đối với người phạm tội gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình.
Theo Khoản 5, Điều 2, Quy định số 102-QĐ/TW khi đảng viên bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải “khai trừ ra khỏi Đảng”. Như vậy, nếu “bảo đảm ở mức độ tương xứng” giữa kỷ luật hành chính với kỷ luật Đảng thì trong trường hợp này, công chức sẽ bị “buộc thôi việc”. Tuy nhiên, theo Khoản 2, Điều 30, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP chỉ trong trường hợp công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì mới đương nhiên bị buộc thôi việc.
Như vậy, nếu công chức bị Tòa án tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ hay bị phạt tù nhưng được hưởng án treo thì không phải trong mọi trường hợp đều có thể áp dụng được hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Nếu một công chức đã bị khai trừ Đảng mà không thể áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc thì không bảo đảm mức độ tương xứng giữa kỷ luật hành chính với kỷ luật Đảng. Ngược lại, nếu bất chấp áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc thì lại không đúng với các quy định về hình thức kỷ luật công chức.
Do đó, cần xác định nguyên tắc tương đối trong việc bảo đảm ở mức độ tương xứng giữa kỷ luật hành chính với kỷ luật Đảng trên tinh thần ưu tiên áp dụng các quy định trong Nghị định số 112/2020/NĐ-CP. Nói cách khác, khi xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức cần căn cứ vào Nghị định số 112/2020/NĐ-CP để quyết định các hình thức kỷ luật cho phù hợp.
Thứ ba, về thời hiệu xử lý kỷ luật: Thời hiệu kỷ luật còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa các quy định của Đảng và Nhà nước; cụ thể như sau: Theo Quy định 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị thì thời hiệu xử lý kỷ luật đảng được quy định như sau: 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
Trong khi, tại Khoản 16, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định: 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 05 năm đối với hành vi vi phạm còn lại (trừ trường hợp các hành vi vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật). Do đó, trong thực tế có đồng chí đảng viên bị kỷ luật khiển trách (thời điểm vi phạm đến khi được tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận là 4 năm) tuy nhiên không bị xử lý về mặt hành chính do quá thời hiệu.
Điều này dẫn đến gây khó khăn cho công tác xử lý kỷ luật; không đảm bảo nguyên tắc kỷ luật Đảng phải đồng bộ, tương xứng với kỷ luật hành chính.
Nguyên nhân của việc áp dụng hình thức kỷ luật chưa đồng bộ là do những lý do sau: Nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị về thi hành kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thi hành kỷ luật đảng chưa đúng, chưa đầy đủ. Một số nơi có tình trạng sợ mất thành tích chung, che dấu khuyết điểm vi phạm hoặc động cơ cá nhân… Bên cạnh đó, Quy định về xử lý cán bộ, công chức, viên chức của pháp luật, chính quyền và Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên thiếu đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các kiến nghị xử lý cán bộ, đảng viên không kịp thời chuyển cho cấp ủy, UBKT và ngược lại. Việc thực hiện quy chế phối hợp với các cơ quan có liên quan chưa tốt, chưa thường xuyên...
Từ những phân tích nêu trên, để góp phần thực hiện việc đồng bộ hóa giữa kỷ luật đảng với kỷ luật của chính quyền và pháp luật cần có những giải pháp khắc phục như sau: Nâng cao nhận thức đối với tổ chức đảng và đảng viên, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, ý nghĩa, mục đích, tác dụng của việc chấp hành kỷ luật đảng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về kỷ luật đảng và việc thi hành kỷ luật đảng đến tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân biết để chấp hành và giám sát việc chấp hành. Nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm cơ sở cho việc chấp hành nghiêm kỷ luật đảng và thi hành kỷ luật trong Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, UBKT cấp trên đối với tổ chức đảng và đảng viên trong việc tổ chức thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nâng cao chất lượng chấp hành kỷ luật đảng của tổ chức đảng và đảng viên. Đổi mới công tác sơ kết, tổng kết việc ban hành và chấp hành các quy định của Đảng để góp phần bảo đảm chấp hành nghiêm kỷ luật đảng trong thực tế. Cấp uỷ các cấp chỉ đạo cơ quan tham mưu, giúp cấp uỷ trong việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế về xây dựng Đảng ngày càng hoàn thiện, có tính khả thi trong thực tế, bảo đảm việc chấp hành kỷ luật của Đảng được tăng cường và thực thi trong thực tế. Rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế phối hợp giữa UBKT với các cơ quan có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.
Trịnh Như Quỳnh
(UBKT Tỉnh ủy Thái Nguyên)