Việc vận dụng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” gắn với thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm trước công việc; chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, tránh tư duy khuôn mẫu; hợp tác, chia sẻ, luôn nỗ lực hết mình, tự khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Qua đó cũng giúp cán bộ, đảng viên chủ động tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tự giác trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc. Chấp hành nghiêm quy định của cơ quan, đơn vị về tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc.
Điểm cầu huyện Đồng Hỷ dự Hội thảo Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (ngày 25/10/2022)
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên đổi mới tư duy, thái độ, đổi mới phong cách theo hướng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ vì mục tiêu chung của tập thể và phục vụ lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Thể hiện qua những nội dung:
Thứ nhất, về công tác chính trị, tư tưởng: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bởi theo Người: “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”; “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”. Người đã trù liệu hệ quả khi đảng viên chưa thông suốt tư tưởng sẽ dẫn tới những biến dạng khôn lường. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hằng năm, xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức 10 lớp sơ cấp lý luận chính trị cho 482 học viên; mở 156 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, chính quyền, đoàn thể cho 13.272 lượt học viên. Phối hợp với Trường chính trị tỉnh tổ chức đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho 434 học viên (trong đó: hệ tập trung 58, hệ không tập trung 376). Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp với từng đối tượng; thông tin thời sự, tình hình trong huyện, tỉnh, trong nước và quốc tế; thông tin về kết quả các kỳ họp của Trung ương; đồng thời lồng ghép các chuyên đề về giáo dục chủ nghĩa yêu nước; đạo đức cách mạng; hội nhập kinh tế quốc tế; chuyên đề dân tộc, tôn giáo... Đẩy mạnh công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của cấp ủy các cấp. Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có giải pháp xử lý kịp thời.
Thứ hai, về rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên: Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các chi, đảng bộ chú trọng việc rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên. Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, xây dựng kế hoạch và triển khai học tập, sinh hoạt theo chuyên đề, đưa nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nhận diện sự suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, gắn với việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo, hướng dẫn kiểm điểm ở cơ sở.
Thứ ba, về thực hiện trách nhiệm nêu gương: Quán triệt, triển khai có hiệu quả các quy định về trách nhiệm nêu gương (Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương, Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên) đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu và tạo sự đồng thuận trong xã hội để việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đồng thời, giám sát trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị. Nhìn chung, cán bộ, đảng viên đều chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện các Quy định về trách nhiệm nêu gương.
Việc triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn đảng đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên góp phần nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác xây dựng đảng được quan tâm, chú trọng. Nội dung, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ từng bước có nhiều đổi mới. Công tác tiếp dân và việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân đang từng bước phát huy hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biễn”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; giám sát trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị. Kịp thời xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ tư, về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng: Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng được quan tâm; bám sát chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của cấp ủy và kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, trọng tâm là kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII. Từ tháng 10/2016 đến nay, cấp ủy huyện đã tổ chức 41 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 190 tổ chức đảng. UBKT Huyện ủy tổ chức 27 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 60 tổ chức đảng; kiểm tra 4 tổ chức đảng và 9 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Cấp ủy và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 83 đảng viên với hình thức: Khiển trách 42; cảnh cáo 22, cách chức 01, khai trừ 18 đảng viên.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới huyện Đồng Hỷ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng; nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Tăng cường giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt và cán bộ, đảng viên…
Triệu Văn Luỹ
(Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Đồng Hỷ)