Kiên định con đường đã chọn!

Thứ tư - 27/10/2021 09:21 0
(ĐCSVN) - Cách mạng tháng Mười Nga đã tạo nên một sản phẩm vĩ đại của lịch sử, đó là mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đây chính là con đường lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giác ngộ để đưa đến Cách mạng Việt Nam sau này.
Lênin và người dân Nga. (Ảnh tư liệu)  

Nhân kỷ niệm 104 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những chia sẻ và khẳng định, làm sâu sắc hơn những ảnh hưởng, sự kế thừa và phát huy những giá trị cốt lõi của cuộc cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Bác Hồ đã chọn, xây dựng, phát triển…

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, xin Giáo sư chia sẻ cho bạn đọc biết là về ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Vì sao lại nói đây là cuộc cách mạng vĩ đại và có tầm vóc lịch sử trong thế kỷ XX?

GS Hoàng Chí Bảo: Năm nay, chúng ta kỷ niệm 104 năm Ngày Cách mạng tháng Mười Nga (ngày 7/11/1917), lịch cũ của Nga là ngày 25/10. Hằng năm, cứ đến sự kiện này, không chỉ những người Cộng sản, Đảng Cộng sản mà nhân dân lao động tiến bộ trên thế giới đều tưởng nhớ lại sự kiện Cách mạng tháng Mười Nga để củng cố niềm tin của mình với lý tưởng cộng sản, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nước Nga là sự khai mở ban đầu.

Nói Cách mạng Tháng Mười Nga là ta gắn liền với công lao, sự nghiệp vĩ đại của Lê-nin, người đã cùng với đảng Bolshevik (Bôn-sê-vích) kiểu mới lúc bấy giờ lãnh đạo thành công cuộc cách mạng này. Tầm vóc lịch sử của Cách mạng tháng Mười Nga có thể khẳng định trên phương diện như sau:

Thứ nhất, đây là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX. Cuộc cách mạng này nổ ra sau Công xã Pari 46 năm. Ta nhớ lại thời kỳ Mác-Ăngghen còn sống thì giai cấp vô sản thế giới chỉ chứng kiến một sự kiện duy nhất là Công xã Pari, tức là giai cấp công nhân Pari nổi dậy chống lại chính quyền tư sản, lập nên chính quyền công xã kiểu mới. Đấy là hình thái đầu tiên của Nhà nước vô sản mà Cách mạng Tháng Mười Nga là người kế tục.

Nhưng tiếc một điều là Công xã Pari tuy rất vĩ đại, nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn (72 ngày), rồi sau đó bị thất bại. Vì giai cấp tư sản tấn công trở lại, dìm phong trào cách mạng trong biển máu. Lúc bấy giờ, Mác và Ăngghen đã tổng kết về Công xã Pari, vạch ra nguyên nhân dẫn đến sự thất bại, trong đó có nguyên nhân là không liên minh được với nông dân. Giai cấp công nhân Pháp rất vĩ đại và oanh liệt, nhưng chỉ một mình công nhân thôi mà để cả một biển nông dân, tiểu nông ở bên ngoài không ủng hộ cách mạng thì giai cấp tư sản đã lợi dụng tình thế đó để lật ngược lại ván cờ cách mạng này và thất bại.

Thế cho nên sau này chính Mác và Ăngghen đã nói, nếu cuộc cách mạng vô sản mà không phải là “bài đồng ca”, tức là cả liên minh công nông mà nó chỉ còn là một “bài đơn ca” ai điếu thôi, tức là chỉ riêng một tiếng nói đơn độc của vô sản thôi thì sớm muộn cũng thất bại.

Lê-nin sau này cũng nhắc lại tư tưởng đó của Mác-Ăngghen, ông nói là, giai cấp vô sản dù có dũng mãnh đến đâu đi nữa nhưng chỉ một mình công nhân thôi thì cũng giống như “tiếng hót cô độc của bầy thiên nga trên biển cả” và cuối cùng thì thất bại. Và ông dự báo một điều rất quan trọng: Cách mạng ở Pháp Công xã Pari thất bại, nhưng nó để lại những bài học vô cùng quý giá và cuộc cách mạng có thể thất bại vì chưa chín muồi hoặc là vấp phải sai lầm. Trong đó như tôi đã nói là liên minh công nông không có, nhưng cách mạng sẽ không bao giờ bị tiêu diệt. Chính quyền có thể đổ vỡ, cách mạng có thể thất bại. Nhưng sự nghiệp cách mạng vẫn tiến về phía trước vì nó là một quy luật của lịch sử. Dự báo này hoàn toàn chính xác và nó được chứng thực bởi sự kiện cách mạng tháng Mười Nga 46 năm sau Công xã Pari. Tầm vóc vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga là như thế.

Thứ hai, Cách mạng tháng Mười Nga đã khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực. Chỉ có một mình nước Nga Xô Viết là lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa trong khi đó cả thế giới tư bản 14 nước đế quốc bao vây xung quanh, định bóp chết nước Nga non trẻ trong bạo lực của nó. Cùng với sự ra đời của chủ nghĩa xã hội hiện thực, nước Nga Xô Viết cũng được ra đời. Đấy là nhà nước kiểu mới đầu tiên của nhân dân lao động toàn thế giới, đánh đổ tư bản đế quốc, chế độ Nga Hoàng chuyên chế hàng thế kỷ để đưa nhân dân lao động, tức là quần chúng công, nông, binh lên địa vị làm chủ và nắm được chính quyền.

Thứ ba, với thắng lợi cách mạng tháng Mười Nga, với sự ra đời của nước Nga Xô Viết và chủ nghĩa xã hội hiện thực thì từ đây Đảng Cộng sản chính thức trở thành đảng cầm quyền. Đấy là điều rất mới mẻ trong lịch sử.

Từ khi có Cách mạng tháng Mười Nga thì nhân loại sẽ lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, chứ không lựa chọn con đường tư bản chủ nghĩa nữa. Từ đây trở đi thì chủ nghĩa xã hội trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của lịch sử.

Vì thế, Cách mạng tháng Mười Nga đã tạo nên một sản phẩm vĩ đại của lịch sử, đó là mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đây chính là con đường lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giác ngộ để đưa đến Cách mạng Việt Nam sau này.

Cũng từ đó, thì Cách mạng tháng Mười Nga được Lênin nói trong những năm tháng cuối đời đã dự báo, sớm muộn, trước sau thì tất cả các dân tộc trên thế giới đều lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, nó chỉ khác nhau về đặc điểm, hoàn cảnh lịch sử, mô hình, chứ còn đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu.

Đấy là những đánh giá rất quan trọng của các nhà sáng lập ra cuộc cách mạng vĩ đại này. Chúng ta kỷ niệm 104 năm để thống nhất nhận thức về tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa lịch sử thế giới của cuộc cách mạng đã mở đường đi cho nhân loại như thế trong đầu thế kỷ XX.

Tác phẩm "Đường Kách mệnh" của Bác Hồ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng của Lênin và cuộc Cách mạng tháng Mười Nga.

PV: Thưa Giáo sư, Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các nước XHCN sau này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi tìm đường cứu nước và tìm ra được chân lý của mình cũng như cách mạng Việt Nam sau này, Người đã vận dụng tư tưởng Mác-Lênin vào cách mạng Việt Nam. Giáo sư có  thể phân tích rõ thêm về vấn đề này?

GS Hoàng Chí Bảo: Khi Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra năm 1917 thì Bác đang ở châu Âu, Bác đang ở nước Pháp. Lúc bấy giờ Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra là một sự kiện đặc biệt trên thế giới, tư bản rất hoảng sợ và bưng bít thông tin. Bác biết được thông tin về cuộc cách mạng này là nhờ Bác đọc báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp. Từ đó trở đi thì Bác hết lòng cổ vũ cho Cách mạng Tháng Mười Nga. 10 năm sau, tức là năm 1927, lúc đó Bác mới có 37 tuổi, đã là một người cộng sản, Bác đã là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Bác viết một tác phẩm nổi tiếng cho Việt Nam là “Đường kách mệnh” từ năm 1927, lúc mà Đảng ta chưa ra đời.

Tác phẩm “Đường kách mệnh” của Bác lúc ấy chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng của Lênin và cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Tại sao ta nói như vậy? Vì trong tác phẩm này, Bác khẳng định mấy điều này: Một là, người cách mạng, Đảng Cách mạng phải giữ chủ nghĩa cho vững, tức là hệ tư tưởng, là nền tảng tư tưởng mà ngày nay Đảng ta đang ra sức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là như vậy. Thì đây là giữ chủ nghĩa cho vững.

Bác đã nói: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chân chính nhất, cách mạng triệt để nhất chỉ có Chủ nghĩa Lênin” và Bác nói là ta phải đi theo gương sáng của cách mạng tháng Mười Nga, tức là làm một cuộc cách mạng triệt để, Bác gọi là cách mạng đến nơi. Còn cách mạng Pháp, Mỹ tuy rất vĩ đại như cách mạng tư sản không đến nơi, không triệt để. Cách mạng tháng Mười Nga là một hình mẫu của cách mạng triệt để, đến nơi thì Bác nói phải đi theo cách mạng đó. Hai nữa, là cùng với sự giác ngộ Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Lênin thì Bác chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng của Lênin về quyền tự quyết các dân tộc. Lênin viết cả một Luận cương là “Quyền tự quyết các dân tộc” thì Bác đã đọc Luận cương đó của Lênin và Bác nói Luận cương này đã cung cấp câu trả lời bao lâu nay Người tìm kiếm, nó trở thành “kim chỉ nam”, trở thành “cẩm nang” cho cách mạng Việt Nam. Bác còn nói, sau này ngồi trong phòng kín, đọc tư tưởng của Lênin về quyền tự quyết dân tộc mà tôi cảm động đến giàn giụa nước mắt. Tôi muốn hét to lên: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là con đường cứu sống chúng ta, đây là con đường đưa chúng ta đến giải phóng độc lập dân tộc. (sau này là chủ nghĩa xã hội).

Có thể nói tư tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, tư tưởng của Lênin và chủ nghĩa Mác- Lênin nói chung ảnh hưởng rất sâu sắc, là nhân tố trực tiếp đến sự hình thành quyết định lịch sử của Nguyễn Ái Quốc. Cho nên, tác phẩm “Đường kách mệnh” có thể được coi là tác phẩm đặt nền móng tư tưởng và tổ chức chính trị cho Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào năm 1930. Chưa kể là Bác Hồ của chúng ta còn dịch “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Mác-Ăngghen ra tiếng Việt để làm tài liệu huấn luyện cán bộ và tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Mác-Ăngghen có thể coi là cương lĩnh đầu tiên của phong trào cách mạng vô sản thế giới. Mác-Ăngghen khi viết tuyên ngôn này các ông mới có 30 tuổi, năm 1848, các ông đưa ra khẩu hiệu là: “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại, liên hiệp lại”. Đến Lênin, ông bổ sung thêm một tưởng rất quan trọng là “các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Bác Hồ chịu ảnh hưởng này, không chỉ giai cấp vô sản mà là phải có dân tộc bị áp bức nữa. Sau này, Bác khái quát lại là chủ nghĩa yêu nước của dân tộc, tinh thần dân tộc. Và khi dịch “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, Bác là người mở rộng rãi nhất lực lượng đoàn kết để làm cách mạng. Mác-Ăngghen thì nói: “Giai cấp vô sản đoàn kết lại”; Lênin thì cho rằng “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”; còn đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thì người mở rộng hết biên độ của đoàn kết, Bác nói là “tất cả mọi người lao động đoàn kết lại”. Và tư tưởng đại đoàn kết ấy chính là ánh sáng soi đường cho Cách mạng tháng Tám của Việt Nam sau này, sau Cách mạng tháng Mười Nga. Đấy là những ảnh hưởng rất lớn và sự vận dụng sáng tạo của Bác Hồ vào cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945. (ảnh tư liệu) 

Con đường Cách mạng tháng Tám chính là sự tiếp nối con đường Cách mạng tháng Mười ở Việt Nam và nó trở thành nguyên lý là “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội”, giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột để làm chủ và đưa cả dân tộc tới chủ nghĩa xã hội theo di huấn của các nhà kinh điển. Đó là công lao rất lớn của Nguyễn Ái Quốc khi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, trực tiếp sáng lập ra Đảng và trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc cách mạng chúng ta.

Nếu Cách mạng tháng Mười Nga là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử của thế kỷ XX vì mở ra một thời đại mới thì Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Một cuộc cách mạng của công - nông, một cuộc cách mạng để thiết lập chính quyền dân chủ, một cuộc cách mạng sáng lập ra Nhà nước kiểu mới, một cuộc cách mạng cũng đưa Đảng ta lên vị trí Đảng cầm quyền, thay đổi cả số phận dân tộc. Đấy là công lao của Nguyễn Ái Quốc.

Ở Việt Nam ta có khái niệm là thời đại Hồ Chí Minh. Đảng ta chính thức nói là thời đại Hồ Chí Minh là để nói về di sản vĩ đại của Bác. Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là thời đại mở ra một kỷ nguyên mới của Việt Nam là đi lên con đường xã hội chủ nghĩa. Thời đại ấy là hòa cùng chung vào thời đại lớn của thế giới là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Cho nên Bác Hồ và Đảng ta trước sau như một đều kiên trì một con đường là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đấy chính là sự trung thành và sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta, của Bác Hồ về cách mạng tháng Mười Nga, về tư tưởng của Mác- Lênin vào Việt Nam.

Một điểm nữa, Cách mạng tháng Tám là một bài học mẫu mực về vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về tình thế và thời cơ cách mạng. Tình thế và thời cơ cách mạng đã chín muồi thì phải chớp lấy. Thời cơ mà bị bỏ lỡ thì mất đi không bao giờ trở lại. Điều đó trả lời cho câu hỏi tại sao cùng hoàn cảnh như Việt Nam mà nhiều nước, nhiều Đảng không làm cách mạng được như Việt Nam. Bác Hồ đã tạo ra một thời cơ rất là thuận lợi cho cách mạng bằng cách giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà nhân hòa là gốc, tức là lòng dân. Cho nên ngay từ khi mà Bác biết tin là phát xít Đức tấn công Pháp và Chính phủ Pháp đầu hàng, Bác nói đây là dấu hiệu mở đầu của thời cơ. Bác chỉ đạo là phải về nước ngay lúc này, chậm trễ là có tội với lịch sử. Bác quyết định hoãn đi học chính trị ở trường Hoàng Phố, đưa về nước lập căn cứ cách mạng và để chuẩn bị khởi sự, lập chính quyền. Bác rất chú trọng công tác dân vận, bởi vì có dân giúp sức thì cách mạng sẽ thắng lợi mà không có dân giúp sức thì dù có thuận lợi mấy cũng không thành công.

Tại sao Bác chỉ thị cho Võ Nguyên Giáp lập ngay đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12/1944? Lúc bấy giờ Cách mạng đến nơi rồi, lúc bấy giờ chúng ta chúng ta băn khoăn là không có súng thì làm sao mà làm cách mạng được? Bác nói là: “người trước, súng sau; chính trị trọng hơn quân sự; có dân thì sẽ có tất” và trực tiếp chỉ đạo mở các lớp bồi dưỡng cách mạng, lý luận cách mạng cho cán bộ. Và nét độc đáo là ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc, bác chọn chỗ mở lớp. Bác khai giảng lớp xong thì không có giảng bài gì cả, cả thầy và trò đi lên rừng lấy củi, làm dân vận cho dân. Bác tổng kết là: chùm nước của dân phải đầy, đống củi của dân phải cao thì dân mới tin tưởng, dân mới giúp đỡ Cách mạng. Cho nên phải làm tất cả vì dân. Tuyên ngôn của chúng ta cũng nêu rõ: cách mạng là vì dân. Bây giờ cũng vậy, đổi mới, phát triển cũng vì dân, vì hạnh phúc của nhân dân.

Những sự sáng tạo đó cho thấy rất rõ Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng cả về mặt chính trị, vận dụng cả về mặt quân sự và vận dụng cả về mặt đạo đức. Một cuộc cách mạng vĩ đại có thắng lợi hay không là nhờ sức mạnh đạo đức. Mà ở Bác, cả đời cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; từ đầu đến cuối đến tận phút cuối cùng cũng vậy thôi. Ngay trong “Đường kách mệnh”, Bác không chỉ nói là giữ chủ nghĩa cho vững, Bác còn căn dặn là phải ít lòng tham muốn về vật chất. Bác dặn cán bộ ít lòng tham muốn vật chất để rồi sau này khi có quyền, có chức thì phải biết đứng ngoài vòng danh lợi, không màng danh lợi chỉ vì dân, vì nước thôi và chỉ như vậy cách mạng thành công. Qua đó để ta hiểu vì sao bây giờ, Đảng ta phải hết sức nỗ lực để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đánh bại chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, để bảo vệ đất nước, bảo vệ quyền của dân, lợi ích của dân được dân ủng hộ thì cách mạng sẽ thắng lợi.

Bài học đó rất thấm thía vào lúc này khi ta nhắc đến 104 năm Cách mạng tháng Mười, cũng là 76 năm cuộc Cách mạng tháng Tám và 3/4 thế kỷ Đảng ta ở vị trí Đảng cầm quyền cầm quyền liên tục. Đấy là một bản lĩnh chính trị của Đảng ta, từ sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân với Đảng, sức mạnh dân tộc với thời đại, sức mạnh yêu nước với chủ nghĩa quốc tế. Sáng tạo này có thể khái quát là không chỉ sáng tạo học thuyết lý luận về tư tưởng, sáng tạo về phương pháp cách mạng, sáng tạo cả về sách lược cách mạng, sáng tạo cả về chủ trương, đường lối mà nổi bật nhất là đoàn kết. Để ta hiểu vì sao mà sau này Bác nói là “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Một Đảng 15 tuổi mà đã làm Cách mạng thành công. Lúc Cách mạng tháng Tám khởi sự, toàn Đảng có 5.000 đảng viên và thù trong, giặc ngoài như thế mà vẫn giành được thắng lợi thì có thể nói là Bác tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh Nhân dân, truyền thống dân tộc, lại có đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản và ánh sáng tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại là Mác-Lênin soi đường thì cách mạng sẽ thành công.

GS Hoàng Chí Bảo trao đổi với phóng viên nhân dịp kỷ niệm 104 năm Cách mạng tháng Mười Nga. (ảnh: HH) 

PV: Thưa Giáo sư, rõ ràng là qua nghiên cứu một số cuộc cách mạng nổi tiếng trên thế giới và ở Việt Nam thì cho thấy rằng, việc xác định con đường, định hướng tư tưởng có thể nói là tiên quyết trong mọi cuộc cách mạng. Xin Giáo sư phân tích sâu hơn về xác định nền tảng tư tưởng trong mỗi cuộc cách mạng để nó mang tính triệt để và dẫn tới thành công? Và để bảo vệ nền tảng tư tưởng hiện nay, chúng ta cần phải làm gì?

GS Hoàng Chí Bảo: Nền tảng tư tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga cũng như Cách mạng tháng Tám sau này của Việt Nam làm đều dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin hay ta gọi là chủ nghĩa xã hội khoa học mà cái then chốt nhất được thể hiện ở mấy điểm sau:

Một là phải đảm bảo giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo đội tiên phong của giai cấp công nhân chính là Đảng Cộng sản và cuộc cách mạng ấy chính là thực hiện sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân. Đó là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội loài người và những giải phóng từng con người.

Nền tảng tư tưởng ấy được Đảng ta rất chú trọng phát triển. Bác nói: Vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sáng tạo, tức là vận dụng tinh thần và phương. Tinh thần, tức là thế giới quan, là nội dung tư tưởng; phương pháp, tức là vấn đề nghệ thuật cách mạng. Cách mạng vừa là nghệ thuật, vừa là khoa học, trong đó có vấn đề nghệ thuật chớp thời cơ; nghệ thuật vận dụng lực lượng; nghệ thuật lợi dụng mâu thuẫn kẻ thù; nghệ thuật phân hóa kẻ thù…Bác và Đảng ta đã thực hiện đúng cái nền tảng tư tưởng đó.

Tất nhiên, trong suốt quá trình cách mạng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng là không đơn giản, vì kẻ thù luôn luôn xuyên tạc và phá hoại niềm tin ấy của chúng ta. Cho nên bây giờ, trọng trách của Đảng ta là trước hết phải bảo vệ cho được nền tảng tư tưởng. Đảng ta dùng khái niệm là “kiên quyết và kiên trì, kiên định”. Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội XIII có một câu rất quan trọng: coi nguyên tắc về nền tảng tư tưởng là một nguyên tắc không thay đổi. Và không cho phép ai được ngã nghiêng, dao động. Khẳng định này mạnh liệt lắm và rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để thống nhất nhận thức tư tưởng trong Đảng, trong dân. Vì con đường phát triển của Việt Nam là chủ nghĩa xã hội.

Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng này trong điều kiện kinh tế thị trường, trong điều kiện hội nhập quốc tế, nhất là trong điều kiện bùng nổ cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, bùng nổ thông tin, mạng xã hội đầy rẫy các thông tin giả dối, xuyên tạc thì giữ vững niềm tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng không có gì quan trọng hơn là bảo vệ con đường phát triển chỉ có thể là con đường xã hội chủ nghĩa thôi. Ngay cả việc Liên Xô đổ vỡ, Đông Âu, đổ vỡ chủ nghĩa xã hội lâm vào tổn thất nặng nề và thoái trào cũng không hề làm mất đi niềm tin của chúng ta với chủ nghĩa xã hội. Khẳng định đó là phải hết sức chú trọng trong giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhất là lớp trẻ để vững tin.

Điểm thứ hai nữa là phải bảo vệ địa vị lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng. Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo cầm quyền đã được ghi vào Hiến pháp năm 2013. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho việc lãnh đạo cầm quyền của Đảng. Dĩ nhiên, Đảng không chỉ chính đáng về mặt pháp lý mà Đảng còn xứng đáng về mặt đạo đức. Không có Đảng nào hy sinh vì dân, vì nước như Đảng ta, mà kết tinh là Bác Hồ. Đảng là đạo đức, là văn minh. Nhân dân tin Đảng đến mức coi Đảng là chính mình. Không có Đảng nào có uy tín, ảnh hưởng rộng lớn như vậy trong dân. Cho nên Đảng phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và đặc biệt là tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện.

Tại kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta lần này chính thức ghi vào văn kiện từ “chỉnh đốn Đảng”. Và điều đáng chú ý, 3 nhiệm kỳ liên tiếp, 3 hội nghị Trung ương 4 liên tiếp từ khóa XI, XII, XIII đều lấy Xây dựng Đảng làm trọng tâm, làm chủ đề lớn để nói về tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tóm lại, muốn cách mạng thành công, triệt để, phải có con đường phát triển, khẳng định mục tiêu, khẳng định vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng, khẳng định sức mạnh sáng tạo vô tận của nhân dân. Cách mạng thắng lợi là do có Nhân dân. Ngoài Đảng sáng suốt ra thì phải có Nhân dân. Dân là lực lượng của Đảng. Bác nói không có Đảng lãnh đạo thì dân không có người dẫn đường mà không có dân giúp sức thì Đảng không có lực lượng. “Đảng với dân là máu thịt”. Trước khi mất, Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân một câu nói cảm động: Nhân dân giúp đỡ nhiều, ủng hộ nhiều thì thành công nhiều; nhân dân giúp đỡ ít thì thành công ít; nhân dân giúp đỡ hoàn toàn thì thành công hoàn toàn, thắng lợi hoàn toàn. Đấy là chân lý của muôn đời: “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có cái khó nào bằng cái khó xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì có dân sẽ có tất cả.

Đấy là điểm rất cần thiết để nhắc lại hiện nay khi chúng ta nói về kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga để dẫn đến sự nghiệp của chúng ta hiện nay. Và thái độ của Đảng ta là rất rõ ràng, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị (phải có đường lối đúng đắn); hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Xây dựng Đảng về đạo đức rất quan trọng. Bài học đau đớn của Liên Xô và Đông Âu đổ vỡ chỉ vì suy thoái đạo đức, mất dân, dân không tín nhiệm nữa. Bây giờ, Đảng tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Đạo đức này không có gì khác là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư theo gương sáng Hồ Chí Minh. Đây là việc rất quan trọng mà chúng ta cần phải nhấn mạnh để xây dựng Đảng làm sao cho xứng đáng là “con nòi của giai cấp công nhân”, để xứng đáng là “Đảng là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ kỳ vọng.

Mong muốn nhất của chúng ta bây giờ là làm sao Đảng thành công trong chống tham nhũng, Đảng giữ mãi được niềm tin của nhân dân. Đảng ta khẳng định, niềm tin của nhân dân là tài sản vô giá, không được mất, phải phát huy, phát triển lên và phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo về năng lực, phẩm chất cán bộ và là thước đo về hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Tư tưởng này có thể nói là sẽ soi đường, chỉ lối cho chúng ta đi tới thắng lợi dù phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!

 
Hiền Hòa (thực hiện)
 
 
 

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập404
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm403
  • Hôm nay53,623
  • Tháng hiện tại1,518,301
  • Tổng lượt truy cập27,764,951
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây