Phúc Trìu nằm ở phía Tây thành phố Thái Nguyên. Năm 1942, tổng Thịnh Đán có các xã Cương Lăng, Phú Xuân, Tân Cương, Thịnh Đán, Ỷ Na và làng Tân Thành. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Phúc Trìu nằm trong xã Phú Xuân. Năm 1946, xã Phú Xuân đổi thành xã Phúc Xuân và Chi bộ Phúc Xuân được thành lập. Cuối năm 1953, xã Phúc Xuân giải thể và thành lập 2 xã mới là Phúc Trìu và Phúc Xuân, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đến năm 1977, với sự phát triển của tổ chức Đảng Phúc Trìu và những nhiệm vụ mới đòi hỏi yêu cầu thành lập Đảng bộ thay thế cho Chi bộ. Việc thành lập Đảng bộ Phúc Trìu là bước ngoặt quan trọng trong công tác phát triển tổ chức Đảng tại địa phương. Thực hiện Quyết định số 102/HĐBT, ngày 02/4/1985 của Hội đồng Bộ trưởng, tháng 7/1985, xã Phúc Trìu cùng 6 xã là Tân Cương, Thịnh Đức, Thịnh Đán, Phúc Xuân, Phúc Hà, Tích Lương đã được chuyển về thành phố Thái Nguyên.
Nhằm ghi lại lịch sử hào hùng và khơi dậy, phát huy lòng tự hào cho cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong xã, đồng thời đề ra những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao năng lực và hiệu quả của cấp ủy Đảng trong tình hình mới, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phúc Trìu tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phúc Trìu (1946 - 2016). Cuốn sách có dung lượng 304 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, xuất bản năm 2019, gồm: Lời giới thiệu, Mở đầu, 4 chương nội dung, Kết luận, Phụ lục. Nội dung cuốn sách dựng lại một cách tương đối khách quan, trung thực quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ xã; là tài liệu để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, góp phần xây dựng quê hương Phúc Trìu ngày càng giàu đẹp.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên trân trọng giới thiệu cuốn sách tới đông đảo bạn đọc gần xa trong và ngoài tỉnh./.
Đỗ Tuấn Anh