Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cộng đồng DN phần mềm, dịch vụ CNTT nhận trọng trách tiên phong
thúc đẩy chuyển đổi số với tư duy mới, cách làm mới. Ảnh: VGP/Đình Nam
Ngày 19/3, Đại hội Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) lần thứ V nhiệm kỳ 2021 - 2025 đã được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của 260 đại biểu, đại diện cho 438 doanh nghiệp (DN) hội viên.
Chính thức hoạt động từ tháng 4/2002, đến nay Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã là một tổ chức xã hội nghề nghiệp uy tín, với 438 đơn vị hội viên là các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, chiếm tới 60% nhân lực và 70% năng lực sản xuất của ngành phần mềm Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ IV (2016 - 2020), ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT vẫn tiếp tục là ngành có tốc độ phát triển cao dẫn đầu và đặc biệt là có đóng góp quan trọng vào sự phát triển, hiện đại hóa của các ngành kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội đất nước. Cụ thể, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.
Năm 2020, doanh thu ước đạt 120 tỷ USD, trong đó doanh thu công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt trên 6 tỷ USD cao gấp 2 lần so với doanh thu năm 2015 (3 tỷ USD). Năng suất và giá trị sản lượng lao động trong ngành cũng cao hơn các ngành kinh tế khác từ 3 - 10 lần, mức cao nhất đạt trên 20.000 USD/người/năm. Tỷ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90 - 95%.
Đội ngũ doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT đã có sự lớn mạnh nhanh chóng cả về số lượng, qui mô, trình độ công nghệ và về quản trị doanh nghiệp. Số lượng những công ty lớn với quy mô trên dưới 1.000 lao động đã được bổ sung nhiều tên tuổi mới.
So với 5 năm trước, hầu hết các doanh nghiệp đã có bước phát triển mới. Xét về trình độ công nghệ, trong các lĩnh vực đang là xu thế phát triển trên thế giới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, dữ liệu lớn hay di động, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt trình độ ngang với các doanh nghiệp trên thế giới.
Đại hội VINASA lần thứ V (nhiệm kỳ 2021 - 2025) đã đặt ra những mục tiêu mới, cũng như có những thay đổi về cơ cấu, nhân sự cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Với tinh thần“Tiên phong - Hợp tác - Sáng tạo”, Ban Chấp hành và ban lãnh đạo VINASA có sự trẻ hóa toàn diện, với sự tham gia của các doanh nhân trẻ đang dẫn dắt các doanh nghiệp CNTT - Truyền thông hàng đầu Việt Nam với nhiệm vụ liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, phát triển ngành, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Ban Chấp hành VINASA nhiệm kỳ 2021-2025
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực, sáng tạo của các DN phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, với vai trò nòng cốt quy tụ của VINASA, cũng như nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ này, đã đóng góp chung vào thành tựu phát triển của đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, trong nhiệm kỳ vừa qua và cả quá trình đổi mới, nổi bật lên là mặc dù đất nước ta có xuất phát điểm rất thấp, rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta luôn có một khát vọng vươn lên. Chúng ta đã biết khơi dậy sự đoàn kết, trí tuệ của toàn dân tộc. Trong suốt thời gian dài, Việt Nam nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Ngay nhiệm kỳ vừa qua, tốc độ tăng trưởng của cả nước đạt trung bình 5,9%/năm, mặc dù năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ.
Điều đặc biệt là phần lớn thành quả phát triển được dành cho người dân, nhất là ở những vùng khó khăn, người yếu thế. Tất cả các chỉ số về phát triển con người, công bằng xã hội của Việt Nam đều cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển, cùng mức thu nhập kinh tế.
Bên cạnh đó, tất cả các chỉ số liên quan tới khoa học công nghệ, nhân lực đều có bước tiến rất dài, chắc chắn. Mặc dù GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam đứng thứ ngoài 120, dân số đứng thứ 15 trên thế giới, phần lớn các chỉ số phát triển đứng vào khoảng trung bình từ 70 đến 80 nhưng riêng chỉ số đổi mới sáng tạo trong mấy năm liền đều ở vị trí dưới 50, năm 2020 đứng thứ 42.
Chỉ số ứng dụng CNTT, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến tăng rất mạnh (hiện đứng thứ 51) trong khi chỉ số chung về chính phủ điện tử đứng khoảng thứ 80.
VINASA, cộng đồng DN CNTT đã tích cực tham gia kiến nghị, đề xuất đối với việc hoạch định các chính sách phát triển, ứng dụng CNTT. VINASA đã hình thành những nhóm tư vấn không chỉ trực tiếp đến liên quan đến CNTT mà còn tham gia vào tư vấn chung về chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước để chúng ta có những bước đi rất sớm, chủ động chuẩn bị, sẵn sàng đón những cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phó Thủ tướng mong muốn, với sự chuyển giao thế hệ tại Đại hội lần này, Ban Chấp hành mới của VINASA chú ý hơn nữa đến nhiệm vụ quy tụ những trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, tham gia tư vấn hoạch định chính sách cho Chính phủ trong thời kỳ mới.
Lãnh đạo VINASA chia sẻ định hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới. Ảnh: VGP/Đình Nam
Nhắc lại vai trò, sứ mệnh tiên phong đổi mới của ngành bưu điện 30 năm trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là thời điểm ngành CNTT lại được trao sứ mệnh tiên phong đổi mới để nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, VINASA, cộng đồng DN phần mềm, dịch vụ CNTT nhận trọng trách tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số với tư duy mới, cách làm mới.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Trước đây nói đến ứng dụng CNTT chúng ta thường làm từ chỗ hiện đại như các thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM) hay những ngành như tài chính, ngân hàng làm xuống, nhưng thực tiễn vừa qua cho thấy cách làm mới hiệu quả hơn. Đó là song song làm hai mũi, từ bên trên xuống và từ bên dưới, từ chỗ khó nhất lên. Giống như một bản nhạc cần người lĩnh xướng nhưng có lúc cần tất cả cùng hát theo. Và khi tất cả làm đồng loạt thì sẽ tạo sức mạnh đoàn kết lớn nhất khi chúng ta cùng ngồi lại với nhau tìm giải pháp để phấn đấu đạt được mục tiêu thật cao trong một thời gian thật ngắn. Bằng cách đấy những việc vốn hoạch định thực hiện trong 10 năm có thể rút xuống 5 năm, trong 5 năm rút xuống 2 năm, và 2 năm xuống 1 năm. Thậm chí thực tiễn thời gian qua ở một số bộ ngành, địa phương khi làm theo cách này thì từ 5 năm rút xuống chỉ còn 1 năm.
Vì vậy, trong nhiệm kỳ này, bên cạnh việc hướng ra thị trường bên ngoài, VINASA và các DN thành viên cần có nhiều giải pháp thiết thực, dễ sử dụng, hướng đến số đông để giải những bài toán đặt ra trong thực tiễn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, từ đó đem lại tác động mạnh mẽ, thay đổi tích cực trong xã hội.
Từ những kinh nghiệm rút ra trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”, Phó Thủ tướng kỳ vọng cộng đồng DN phần mềm và dịch vụ CNTT tiếp tục có những giải pháp sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, bắt kịp các nước đi trước.
Ý kiến bạn đọc