Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thứ tư - 25/08/2021 22:15 0
Những năm gần đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn", cần được khơi thông để giúp "dòng chảy" này lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Ứng dụng công nghệ phun, tưới nước tự động trên vùng nguyên liệu chè ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Ảnh: Quang Dũng

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân ứng dụng chuyển đổi số và đã gặt hái thành công, tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm... Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã làm "thay da đổi thịt" nông nghiệp như sử dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đơn giản và hợp lý hóa việc thu thập, kiểm tra và phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp bằng các cảm biến và hệ thống quản trị dữ liệu Big data...

Quản lý trang trại qua điện thoại thông minh

Ông Bùi Ngọc Cung ở huyện Ðơn Dương (Lâm Ðồng) đã hơn 30 năm làm nông nghiệp, giờ đã biết ứng dụng công nghệ IoT trên trang trại rộng 2 ha của mình. Hệ thống cảm biến, hộp truyền tín hiệu treo khắp trang trại cà chua và dưa baby dài hút tầm mắt, do vậy chỉ cần vài nhân công làm việc trong vườn. Ông mở điện thoại giơ cho chúng tôi xem, trên màn hình hiện ra dòng thông báo "đang tưới", bên dưới ghi rõ chi tiết lượng nước tưới, thời gian tưới. Bên cạnh là dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây… Ông Cung hồ hởi: "Giờ tôi đi bất kỳ đâu cũng chỉ mở điện thoại là xem được công nhân làm việc, tình trạng dinh dưỡng và sinh trưởng của cây trồng, bớt được chi phí lao động mà vẫn an tâm lắm"!

Cũng tại Lâm Ðồng, Công ty TNHH trang trại Langbiang (Langbiang Farm) được xem là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số. Ông Trần Huy Ðường, chủ trang trại rộng gần 30 ha cho biết, giờ các công nhân chỉ ngồi văn phòng "thăm" vườn, đọc dữ liệu quan trắc khí tượng, điều khiển nước tưới, phân bón, dinh dưỡng, độ ẩm". Ông Ðường cũng được biết đến là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam canh tác rau khí canh trong nhà kính, hiện có hơn 10 loại rau cho thu hoạch cuốn chiếu hằng tuần.

Cách đây 17 năm, tỉnh Lâm Ðồng xác định nông nghiệp công nghệ cao là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ðến nay, toàn tỉnh có hơn 60.000 ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 400 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt doanh thu hàng tỷ đồng/ha/năm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Phạm S, trên địa bàn có 26 doanh nghiệp đã tiếp cận công nghệ IoT, dữ liệu lớn (big data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), camera nhằm theo dõi sự sinh trưởng của cây, các thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính có hệ thống tự động điều chỉnh; công nghệ ươm giống trong phòng thí nghiệm (in vitro), công nghệ đèn LED, công nghệ GIS thông minh quản lý sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống bò sữa..., nhiều trang trại đã cho doanh thu từ 5 đến 8 tỷ đồng/ha/năm, đặc biệt có trang trại trồng hoa cao cấp đạt doanh thu 24 tỷ đồng/ha/năm.

Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Trong trồng trọt, công nghệ IoT, Big data ứng dụng thông qua phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk. Trong lâm nghiệp, công nghệ DND mã mạch được áp dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng. Công nghệ AI đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi...

Kết nối trực tiếp người bán và người mua

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm, nhiều địa phương đã chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Ðó là các câu chuyện tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương hay nhãn ở Sơn La, Hưng Yên và xoài, thanh long, sầu riêng… ở các địa phương phía nam. Với việc giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã giúp tiêu thụ được một lượng không nhỏ nông sản, giảm bớt khó khăn cho nông dân. Tại các tỉnh phía nam, do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Tổ công tác 970 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19) của Bộ NN và PTNT đã đẩy mạnh việc ứng dụng trang web, zalo vào kết nối cung-cầu. Hiện, đã có hàng nghìn doanh nghiệp, khách hàng truy cập thường xuyên. Mỗi ngày, các ứng dụng công nghệ số đã giúp tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản. Ðến ngày 20/8, có 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác 970, gồm: rau củ 334 đầu mối, trái cây 316 đầu mối, thủy hải sản 438 đầu mối, lương thực 75 đầu mối, các mặt hàng khác 55 đầu mối.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Trí cho biết, do dịch Covid-19, việc tiêu thụ gần 21.000 tấn bưởi Phúc Trạch của nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Trung tâm phối hợp các đơn vị, địa phương số hóa việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi với diện tích hơn 1.000 ha tại huyện Hương Khê, đưa bưởi lên sàn thương mại điện tử qua cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn. Ông Trần Ðình Nghị, tổ hợp tác trồng bưởi Anh Quân, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê cho biết, khách hàng chỉ cần quét mã truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm sẽ biết thông tin về nhà vườn, quy trình canh tác, ngày thu hoạch sản phẩm. Việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc tại các sàn thương mại điện tử giúp việc tiêu thụ bưởi không còn bị thương lái thao túng.

Không để lỡ nhịp

Bộ NN và PTNT vừa qua đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự kiến, đến hết năm 2021, Ban Chỉ đạo sẽ phê duyệt và ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, sau đó hoàn thiện nâng cấp hạ tầng một số phòng họp, rà soát và đồng bộ hệ thống dữ liệu, tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số.

Tại hội nghị giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) với Bộ NN và PTNT diễn ra trong tháng 6 vừa qua về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sự mù mờ về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu trong nông nghiệp. Người sản xuất mù mờ về thị trường trong khi thị trường mù mờ về sản xuất. Nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu, thông tin, thì ngành nông nghiệp mới vươn xa hơn. Bộ NN và PTNT xác định khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất là hai trụ cột quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cả hai vấn đề này đều liên quan mật thiết đến chuyển đổi số.

Hiện, việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) còn thiếu. Nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa, trong khi quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún; thiếu liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm…) chưa tương xứng với công nghệ số. Tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế, nên khó áp dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Giải quyết, tháo gỡ được những khó khăn nêu trên sẽ giúp khơi thông và lan tỏa mạnh mẽ "dòng chảy" chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi số cần tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và ngay cả lĩnh vực điều hành, quản lý cũng cần ứng dụng mạnh chuyển đổi số để các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo sản xuất được kịp thời hơn. Có như vậy, ngành nông nghiệp mới không bị "lỡ nhịp con tàu" chuyển đối số trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.


Bài và ảnh: Nhóm phóng viên 
nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập254
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm250
  • Hôm nay43,405
  • Tháng hiện tại1,174,185
  • Tổng lượt truy cập24,091,476
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây