Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8

Thứ bảy - 09/09/2023 05:11 0
Ngày 09/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.
image 20230909161205 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 8 tháng, 2/3 thời gian của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi: hậu quả dịch Covid-19 kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, địa kinh tế gia tăng; xung đột tại Ukraine còn phức tạp; tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng bất ổn, tăng trưởng giảm, lạm phát chững lại nhưng vẫn ở mức cao, phục hồi không đều, phân mảnh và nhìn chung khó khăn hơn.
Các đối tác lớn, đặc biệt là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn còn khó khăn, vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng lạm phát cao; tăng trưởng dự báo cao hơn nhưng không đều, còn bấp bênh; đặc biệt là vấn đề thách thức về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, giá dầu đang tăng cao, biến đổi khí hậu phức tạp, cực đoan.
Ở trong nước, nền kinh tế chịu “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn, một tác động nhỏ từ bên ngoài cũng gây tác động lớn bên trong.
image 20230909161205 2
Quang cảnh phiên họp
Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi, có độ mở cao, quy mô còn khiêm tốn, khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7, trong đó đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát tốt, tạo dư địa cho chính sách tài khóa; an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; nhiều nước đều muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, thể hiện vị thế, vai trò, uy tín của đất nước ngày một được nâng lên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, có được thành tích trên là nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; vừa triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, còn nhiều vấn đề nội tại như các dự án yếu kém, thua lỗ, ngân hàng yếu kém, trái phiếu doanh nghiệp; vấn đề tăng trưởng liên quan công nghiệp bị phụ thuộc chuỗi cung ứng bên ngoài còn nhiều khó khăn; tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận tín dụng khó khăn trong khi người dân, doanh nghiệp cần vốn; sản xuất, kinh doanh, thị trường bất động sản khởi sắc nhưng vẫn còn khó khăn.
Thủ tướng đánh giá, nhìn chung 8 tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tạo đà đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo các dự báo, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó chúng ta phải bình tĩnh, kiên định, linh hoạt xử lý những vấn đề thách thức lớn đang nổi lên.
Tại phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023; tìm giải pháp trọng tâm, mấu chốt tạo đột phá thời gian tới; đồng thời chuẩn bị phục vụ họp Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương 8, Kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kỹ, đánh giá khách quan, sát thực tiễn, ngắn gọn, “hiến kế” những giải pháp hay, hiệu quả; đặc biệt là phân tích những gì làm được, chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra.
image 20230909161205 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp
Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tính tăng 2,9% so tháng trước và tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, IIP ước tính giảm 0,4% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%).
Trong tháng 8, cả nước có hơn 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% so tháng trước và tăng 17,9% so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 6,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so tháng trước và giảm 3,1% so cùng kỳ năm 2022; có 5.178 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 24,8% và tăng 37,9%; có 5.216 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 0,8% và tăng 17,1%; có 1.375 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13% và giảm 29,6%.
Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 149,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 124,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 15,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2023 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 8/2023 ước đạt 97,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.134,2 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự toán năm và giảm 8% so cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).
image 20230909161205 4
Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 8
Trong tháng 8 năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so tháng trước và giảm 7,9% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so tháng trước và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 năm 2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và giảm 8,3% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính xuất siêu 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD).
TIN: THANH GIANG; ẢNH: TRẦN HẢI
(https://nhandan.vn/)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập263
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm261
  • Hôm nay44,119
  • Tháng hiện tại379,697
  • Tổng lượt truy cập23,296,988
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây