Sau khi Bộ Canh nông ra đời (theo Sắc lệnh ngày 14/11/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Ban Canh nông tỉnh Thái Nguyên (tiền thân của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên ngày nay) được thành lập. Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, giúp các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Là một đất nước nông nghiệp với hơn 90% dân số sống ở nông thôn, sinh sống bằng trồng trọt và chăn nuôi, ngay sau ngày giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất. “Giặc đói” từng ngày, từng giờ đe dọa tính mạng của mỗi người dân, đe doạ sự tồn tại của chính quyền mới. Nhờ quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã huy động tối đa lực lượng lao động trong nông thôn vào sản xuất lương thực, nên nạn đói từng bước được khống chế và đẩy lùi.
Lễ phát động thi đua chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP huyện Phú Lương giai đoạn 2021-2025
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954), Thái Nguyên là vùng tự do, là Thủ đô kháng chiến của cả nước, Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên nói chung, nông dân Thái Nguyên nói riêng được hưởng nhiều chính sách mới của Đảng và Chính phủ ban hành. Do đó, đến những năm cuối của cuộc kháng chiến, sự tích tụ ruộng đất trong tay giai cấp địa chủ không còn lớn như trước; nhiều diện tích đồn điền, ruộng đất của địa chủ, Việt gian phản động, đất “vắng chủ” đã được tịch thu chia cho người không có hoặc thiếu ruộng, nhiều địa chủ còn tự nguyện “hiến điền” để chính quyền cách mạng chia cho nông dân. Thực hiện đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thái Nguyên đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, không chỉ bảo đảm đời sống tại chỗ mà còn đóng góp mỗi năm hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho Nhà nước, hàng chục ngàn ngày công phục vụ kháng chiến…
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, nhờ huy động được tối đa lực lượng lao động trong nông nghiệp và nông thôn mà Thái Nguyên bảo đảm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” chi viện cho các chiến trường chiến đấu và chiến thắng. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 1965 - 1975, nông dân Thái Nguyên đóng góp cho Nhà nước 20.000 tấn lương thực.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhờ huy động được sức mạnh của toàn dân, chủ yếu là nông dân, tỉnh Thái Nguyên đã vượt qua những khó khăn gay gắt về lương thực những năm đầu sau chiến tranh. Nhận thức sâu sắc đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, trực tiếp là Đảng ủy và Ban Giám đốc, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã có sự đổi mới căn bản về phương thức quản lý sản xuất, giải phóng sức lao động, phát huy được tinh thần cần cù sáng tạo của nông dân. Nhờ đó, từ chỗ thiếu hụt lương thực triền miên, tỉnh Thái Nguyên không những bảo đảm được an ninh lương thực trên địa bàn mà còn tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển mạnh mẽ.
Giai đoạn hiện nay, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng; diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có 109/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện (thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thành phố Phổ Yên) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Phú Bình có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt sẽ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, không sử dụng hóa chất gây độc hại cho cây trồng, vật nuôi và môi trường sống sẽ để đảm bảo cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển bền vững. Để thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức triển khai đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, tập trung chủ yếu đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: Lúa, rau, chè, cây ăn quả, gia súc, gia cầm, thủy sản….Trên địa bàn đã hình thành một số vùng sản xuất lúa tập trung với các giống đặc sản có thương hiệu, diện tích khoảng 2.720ha (nếp Thầu Dầu (Phú Bình), nếp Vải (Phú Lương), gạo Bao Thai (Định Hóa); vùng chè đặc sản có giá trị sản phẩm sau chế biến đạt cao như Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) đạt 600 - 750 triệu đồng/ha; Trại Cài, Minh Lập (huyện Đồng Hỷ) đạt 500 - 600 triệu đồng/ha; La Bằng, Tân Linh (Đại Từ) đạt 500 - 670 triệu đồng/ha; Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương) đạt 500 - 600 triệu đồng/ha; vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao như na tại các xã La Hiên, Tràng Xã, Phú Thượng (huyện Võ Nhai), nhãn tại các xã Phúc Thuận (thành phố Phổ Yên), xã Quân Chu (huyện Đại Từ) bưởi tại xã Tiên Hội (huyện Đại Từ), xã Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao (huyện Võ Nhai)… đem lại thu nhập cao cho người sản xuất.
Sản xuất chăn nuôi được chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô trang trại, hợp tác xã, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Tỷ trọng đàn lợn, gia cầm tăng nhanh (năm 2020 đàn lợn là 591,81 nghìn con, tăng 62,67 nghìn con; đàn gia cầm là 15,1 triệu con, tăng 9,8 triệu con so với năm 2008). Tỷ lệ đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 60%, đàn lợn ngoại, lợn lai năng suất, chất lượng đạt 70%; tỷ lệ các giống gà lông mầu thả vườn, gà bản địa có chất lượng, thế mạnh đạt 80%. Một số dự án nghiên cứu, sản xuất các loại thủy sản có giá trị được triển khai thực hiện thành công, tiêu biểu như dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm ba ba Thái Lan, dự án nghiên cứu khả năng thích nghi của cá Tầm và cá Hồi,..
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện chương trình hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp của Thái Nguyên tham gia sàn thương mại điện tử, và đã được người dân, doanh nghiệp quan tâm và đồng hành. Các đơn vị đã hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử, cung cấp tài khoản thanh toán số hộ cho các hộ xuất nông nghiệp. Thông qua sàn thương mại điện tử, các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã bước đầu quảng bá, tiếp cận đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, qua đó, nâng cao thu nhập của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm và đạt những kết quả tích cực, tỷ lệ che phủ rừng ổn định trên 47%, giai đoạn 2008 - 2020 Thái Nguyên đã triển khai thực hiện trồng rừng mới được 80.735 ha (bình quân 6.200 ha/năm), khoán bảo vệ rừng 224.469 lượtha (bình quân trên 17.000 ha/năm), 80% diện tích rừng được trồng bằng giống keo tai tượng Australia có năng suất, chất lượng cao; hình thành vùng trồng quế tập trung trên địa bàn huyện Định Hóa với diện tích 2.696 ha; chăm sóc rừng trồng 18.408 ha, trồng cây phân tán trên 7,7 triệu cây.
Công tác cải cách hành chính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều tiến bộ; năm 2020 xếp thứ hai về Chỉ số Cải cách hành chính và mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp; năm 2021 xếp thứ nhất về Chỉ số Cải cách hành chính và xếp thứ hai về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương DDCI. Kết quả công tác thi đua khen thưởng, năm 2020 được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ; năm 2021 được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Cờ thi đua xuất sắc…
Với thành công to lớn và kinh nghiệm, bài học quý báu trong lịch sử gần 80 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân, chắc chắn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy được những thành tựu lịch sử và có bước phát triển đột phá, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, mọi người dân, kể cả nông dân và cư dân nông thôn đều phát triển toàn diện, có mức thu nhập cao./.
Kiều Hoa