Hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân

Thứ năm - 18/05/2023 20:14 0
Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã mãi đi xa, nhưng di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Người để lại vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, là kim chỉ nam dẫn đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Trong đó, tư tưởng về nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên là tư tưởng cơ bản, có giá trị to lớn đối với mọi giai đoạn cách mạng.​
image 20230519071433 1
Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch (năm 1957). Ảnh tư liệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Bác của chúng ta là tấm gương sáng ngời, luôn hiện thực lời nói gắn liền với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để làm. Việc nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đã được Người thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Mặc dù Người đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng cuộc đời và tư tưởng, đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi dẫn đường chỉ lối cho các thế hệ cán bộ, đảng viên tiếp bước noi theo học tập.
Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên, phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, trước nhân dân và trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc to hay việc nhỏ. Theo Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v… là không có tinh thần trách nhiệm”[1].
Thấm nhuần tinh thần đó, Người luôn suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới trong công việc, không cứng nhắc, bảo thủ, đóng khung, cố chấp, mà rất linh hoạt, mềm dẻo khi xử lý, giải quyết từng vấn đề, sự việc cụ thể. Một ví dụ để minh chứng cho nhận định trên: Khi dự thảo công văn cho Bác, anh em giúp việc thường dựa vào các văn bản cũ đã được Người duyệt để làm theo. Không ngờ, có lần Người lại sửa khác đi. Anh em giúp việc có ý thanh minh: Thưa Bác, cháu thấy trong văn bản trước Bác đã thông qua một câu như vậy rồi ạ. Người nói, lần trước Bác chưa nghĩ ra, lần này Bác thấy phải sửa tiếp cho tốt hơn[2]. Có thể thấy, phong cách làm việc của Người là luôn đổi mới, sáng tạo, không cứng nhắc, không chấp nhận tư duy lối mòn, kinh nghiệm chủ quan, mà hướng tới sự mới mẻ, hiệu quả để ngày càng đạt kết quả tốt hơn.
Trải qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Những thành tựu đó đã làm thay đổi bộ mặt đời sống nhân dân, tiềm lực, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập, trong đó, tinh thần trách nhiệm mà nhất là “bệnh sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay đang là vấn đề đáng suy ngẫm. Biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ[3].
“Họ” thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân, đùn đẩy trách nhiệm lên trên, ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động. “Họ” cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể, ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.
Nguồn gốc của bệnh sợ trách nhiệm như Hồ Chí Minh đã cảnh báo là do chủ nghĩa cá nhân: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm”[4]. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề. Đảng ta thừa nhận: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”[5].
Thực trạng trên làm cho năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bị giảm sút; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước bị xói mòn.
Để kịp thời khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Trong thời gian tới, để nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc. Học và làm theo Bác không phải là bằng những điều cao siêu, to lớn, mà cần bắt đầu từ những lời nói, việc làm, bằng thái độ, cách ứng xử trong xử lý và giải quyết công việc hằng ngày. Đó là sự tự ý thức về trách nhiệm của mình trong công việc chung, là việc cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ ở cương vị công tác. Mỗi người cần thấm nhuần, khắc sâu lời Bác dạy: Cán bộ, đảng viên “là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”; “phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý”; “làm công bộc cho dân là một việc làm cao thượng”.
Học Bác về tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân cần xuất phát từ tinh thần tự giác, sự thôi thúc của con tim, từ danh dự và lương tâm của chính bản thân mỗi người. Làm việc với một niềm đam mê, hăng say, phấn khởi, tin tưởng, hạnh phúc, với mong muốn được cống hiến, đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình là thành viên, rộng hơn là của xã hội, đất nước, chứ không phải vì danh lợi, chạy theo thành tích. Cần nhận thức rõ rằng, trở thành một cán bộ, công chức, một đảng viên là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ to lớn. Vinh dự, trách nhiệm đó đòi hỏi mỗi người phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công, giao phó.
Học tập tinh thần trách nhiệm của Bác còn là việc phải luôn đau đáu, trăn trở với những tâm tư, suy nghĩ, mong mỏi của người dân và xã hội, muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào việc xây dựng một xã hội tiến bộ, tốt đẹp hơn; nói đi đôi với làm, lý luận liên hệ với thực tiễn; biết thông cảm, thấu cảm, biết đau trước những khó khăn, mất mát của người dân; biết vui mừng, sẻ chia trước hạnh phúc, niềm vui của nhân dân. Thấu hiểu và cảm thông với nhân dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên luôn tìm tòi, suy nghĩ để giải quyết công việc vừa ích nước, vừa lợi dân.
Hai là, trong xử lý và giải quyết công việc cần khắc ghi sâu sắc nguyên tắc lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng, bất khả xâm phạm, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người cán bộ, đảng viên trước bất cứ công việc gì, dù ở cương vị, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng lên trước. Lợi ích của cá nhân, của bộ phận, của giai cấp phải phục tùng và không được làm tổn hại đến lợi ích dân tộc; đồng thời, linh hoạt, mềm dẻo, “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong thực hiện nguyên tắc này. Vì vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách đúng đắn, sáng tạo yêu cầu, đòi hỏi, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam; đoàn kết, tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc làm nên thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Để luôn đứng vững trên lập trường dân tộc, lấy quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân làm tối thượng, cần chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, óc bè phái, kéo bè kéo cánh, như Người đã nhiều lần chỉ ra. Chủ nghĩa cá nhân “là một thứ vi trùng rất độc, một thứ rất gian giảo, xảo quyệt”. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại khó khăn, gian khổ, tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành, xa rời quần chúng, mất đoàn kết, kém tinh thần trách nhiệm,… Nó là nguyên nhân của mọi thói hư tật xấu, của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Do vậy, phải “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân” - kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta.
Ba là, học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ. Trong một xã hội vận động và biến đổi nhanh chóng, đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới đã và đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao về năng lực, chuyên môn, phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị đối với mỗi người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Do vậy, để tránh tụt hậu, đáp ứng được yêu cầu của công việc, tiến tới có đủ năng lực làm việc được trong môi trường quốc tế, không có cách nào khác, mỗi người cần có tinh thần cầu thị, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân, ngày càng tiến bộ.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là chế độ, quy định bắt buộc. Học tập là con đường duy nhất để tiến bộ và phát triển. Học tập phải được coi là nghĩa vụ, là khát vọng, niềm say mê, nguồn vui để làm việc và làm người cán bộ, đảng viên tốt. Không học tập và rèn luyện sẽ bị tụt hậu, đào thải, không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn. Do vậy, cần xác định học tập là công việc suốt đời, “còn sống là còn phải học”. Có nhiều cách học: học ở trường lớp, học đồng nghiệp, học trong sách vở, tự học. Nói tóm lại, muốn cán bộ, đảng viên công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiều thành tựu năm sau to hơn năm trước thì trong nhiều việc cần làm ngay, cán bộ, đảng viên nhất định phải học Bác tinh thần trách nhiệm, tính kiên quyết, tính nguyên tắc, lòng dũng cảm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì nhân dân, vì Tổ quốc. Đồng thời, phải thấm nhuần lời dạy của V.I.Lênin được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Học, học nữa, học mãi”!.

[1]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 248.
[2] Ban Tuyên giáo Trung ương, Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nxb  CTQGST, Hà Nội, 2016, tr. 105
[3] Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2023, tr.466.
[4] Hồ chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 467
[5] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tập II, tr. 222-223.
Khắc Trường
(https://dangcongsan.vn/)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập268
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm258
  • Hôm nay58,185
  • Tháng hiện tại1,288,667
  • Tổng lượt truy cập25,885,420
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây