Đôi điều cảm nhận về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ hai - 21/02/2022 22:55 0
(ĐCSVN) - Hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, là vấn đề được Đảng ta đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi bước vào công cuộc đổi mới đất nước. Những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần quan trọng đáp ứng yêu cầu đó.
Buổi lễ ra mắt sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Được nghe, theo dõi các bài phát biểu, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng, tại các hội nghị quan trọng của Đảng, Nhà nước, nay được đọc lại một cách hệ thống trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành, tôi càng thấy rõ hơn ở Tổng Bí thư - một cán bộ lãnh đạo vừa sâu sắc về lý luận vừa quyết liệt trong thực tiễn qua sự lãnh đạo, điều hành ở các cương vị khác nhau. Đồng thời, từ thực tiễn hoạt động đã được đồng chí đúc kết để bổ sung, hoàn thiện lý luận - lý luận về đường lối đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Càng thấm thía hơn lời khẳng định của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. “Chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”.

Đất nước ta, từ khi bước vào chặng đường đổi mới, Đảng ta luôn chú ý đến việc hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đọc, nghiên cứu các bài viết của Tổng Bí thư giúp chúng ta nhận thức sâu sắc thêm bản chất, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội trên các phương diện: Chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; trên các lĩnh vực: Quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa, xã hội. Với tư duy hết sức rõ ràng, cụ thể, cách trình bày mạch lạc, dễ hiểu làm cho người đọc có thể cảm nhận những vấn đề cụ thể:

Thứ nhất, các bài viết góp phần nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, góp phần cho việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giúp hệ thống lại những vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phục vụ công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Thứ hai, thể hiện sự kiên định con đường Đảng, nhân dân ta đã chọn. Tổng Bí thư khẳng định quan điểm: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đây chính là nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.

Thứ ba, rõ ràng sự chỉ đạo định hướng hoạt động của cơ quan Nhà nước. Tổng Bí thư chỉ rõ, Quốc hội trong nhiệm kỳ mới: “Cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại”; “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi”; “Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn”; “Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế”.

... Và đối với Chính phủ: “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá,... xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp ..; là cơ quan trực tiếp tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, làm vẻ vang cho dân tộc, cho giống nòi”.

Thứ tư, quan tâm phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư chỉ ra sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời cần một phương thức, cách làm mới, bài  bản, khoa học, với tinh thần như đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt". Tổng Bí thư đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần “năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh”.  

Thứ năm, coi trọng văn hóa trong quá trình xây dựng đất nước. Tổng Bí thư khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “văn hoá còn thì dân tộc còn”, văn hóa “thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng” nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra.

Thứ sáu, quan tâm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Tổng Bí thư nêu rõ: Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.

Các bài viết của Tổng Bí thư với lời lẽ dung dị, dễ hiểu, có sức cảm hóa, lan tỏa đặc biệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổng Bí thư đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn và từng bước lý giải từng câu hỏi đó bằng những lập luận sắc bén, bằng trí tuệ và sự kiên định của người chiến sĩ cộng sản. Tổng Bí thư đã khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới là: Một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.

Có thể thấy, cuốn sách của Tổng Bí thư thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn; về mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng đất nước trong bối cảnh mới; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, nắm vững, quán triệt, tổ chức thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc./.

Lương Anh Tế, nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập316
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm315
  • Hôm nay64,577
  • Tháng hiện tại1,234,635
  • Tổng lượt truy cập27,481,285
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây