Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, đánh dấu mốc quan trọng cho quá trình hình thành tổ chức đầu tiên của phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ khi ra đời đến nay, tổ chức Hội có nhiều lần thay đổi với nhiều tên gọi khác nhau: Hội Phụ nữ Giải phóng (1930 - 1931); Hội Phụ nữ Dân chủ (1936 - 1939); Hội Phụ nữ Phản đế (1939 - 1941); Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941 - 1945); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (từ 1946 - nay). Ở Thái Nguyên, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, phụ nữ đã phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia các phong trào yêu nước, cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các tổ chức tập hợp phụ nữ trong tỉnh lần lượt ra đời: Phụ nữ Cứu quốc tỉnh (năm 1946), Liên hiệp phụ nữ tỉnh (năm 1947) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh (năm 1950). Trải qua các giai đoạn lịch sử, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm ghi lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn “Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Thái Nguyên (1930 - 2000)”. Cuốn sách xuất bản năm 2002, có dung lượng 268 trang, bố cục gồm: Lời giới thiệu, Mở đầu, 5 chương nội dung, Kết luận, Phụ lục, đã tái hiện một cách trung thực, toàn diện những hy sinh gian khổ, vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn, cống hiến tài năng, trí tuệ của phụ nữ Thái Nguyên trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên trân trọng giới thiệu cuốn sách tới đông đảo bạn đọc gần xa trong và ngoài tỉnh./.
Hoàng Thị Hồng Ngân