Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội và được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên
Dự tại điểm cầu của tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh...
Tham dự Hội nghị, toàn quốc có trên 15.340 điểm cầu với sự tham dự của hơn 978.500 đại biểu. Tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo tổ chức 193 điểm cầu từ tỉnh đến cơ sở với trên 14.000 cán bộ, đảng viên tham dự.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên
Tại Hội nghị, các đại biểu xem phóng sự về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; nghe công bố Quyết định thành lập và Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương; Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt nội dung tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết; chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…
Điểm cầu tại Đại học Thái Nguyên
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh từ sau Đại hội lần thứ Nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (được tổ chức ngày 18/5/1963), Hội nghị toàn quốc lần thứ hai này được tổ chức, với quy mô và tầm vóc mới, phản ánh quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đất nước trong việc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng chí đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và làm sâu sắc thêm một số quan điểm, định hướng sau: về quan điểm, luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài. Đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Triển khai Nghị quyết phải hướng vào những vấn đề thực tiễn đất nước đang đòi hỏi, thị trường và nền kinh tế đang cần. Những sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa, đăng ký được bản quyền. Về hành động, cần xác định làm rõ Nhà nước làm gì? Doanh nghiệp làm gì? Trí thức, nhà khoa học làm gì? Toàn dân làm gì? Thụ hưởng như thế nào? Nhà nước cần tập trung bốn việc: (1) Hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển, (2) Xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá, (3) Tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ đủ năng lực để đột phá, (4) Đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.
Điểm cầu tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương
Đồng chí cũng nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá: thống nhất nhận thức và hành động; phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách; khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ; ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá; nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số; tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải; đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế...
Nguyễn Lan