Ngay từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX, trên miền Bắc đã hình thành một số nhà trường kết hợp giáo dục với lao động sản xuất như trường cấp II Bắc Lý (Hà Nam), Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình (Hòa Bình), Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương (Bắc Thái). Từ thực tiễn kết quả học tập, lao động sản xuất của các trường và xuất phát từ đường lối, phương châm giáo dục của Đảng: “Học đi đôi với hành. Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Nhà trường gắn liền với xã hội”, Bộ Giáo dục đã phát động các địa phương, nhà trường học tập và làm theo gương các trường điển hình tiên tiến. Ở Thái Nguyên, ngày 24/2/1972, Trường phổ thông Công nghiệp cấp III thành phố Thái Nguyên (tiền thân của Trường Trung học phổ thông Dương Tự Minh ngày nay) được thành lập. Đây là một loại hình trường thực hiện mục tiêu “Dạy người, dạy chữ, dạy nghề” tiến hành phương thức “vừa học, vừa làm” theo đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng và phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn lúc bấy giờ.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn “Lịch sử Trường Trung học phổ thông Dương Tự Minh (1972 - 2012)”. Cuốn sách được xuất bản năm 2012, gồm 235 trang, có kết cấu: Lời giới thiệu, 4 chương nội dung, Tổng luận, Phụ lục, đã phản ánh quá trình hình thành và phát triển đầy gian nan thử thách đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các thế hệ thầy, trò nhà trường quyết tâm thực hiện lời Bác Hồ căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua: Dạy tốt - Học tốt”.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên trân trọng giới thiệu cuốn sách tới đông đảo bạn đọc gần xa trong và ngoài tỉnh./.
Hoàng Thị Hồng Ngân