Những đổi thay trên quê hương Văn Lăng

Thứ tư - 25/05/2022 06:12 0
Văn Lăng là một xã vùng cao miền núi nằm ở phía Bắc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Trước đây, xã có tên là Vân Lăng thuộc tổng Vân Lăng, huyện Động Hỉ, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Năm 1901, Vân Lăng thuộc châu Vũ Nhai, đến ngày 01/7/1985, Văn Lăng lại thuộc về huyện Đồng Hỷ. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, bộ mặt làng quê nơi núi rừng heo hút xưa, nay đang từng ngày thay đổi theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Dưới thời Pháp thuộc, Vân Lăng là vùng núi cao, rừng rậm, ít người đi lại bị thực dân Pháp chia rẽ dân tộc, khuyến khích các hủ tục, không có trường học nên 90% dân số Vân Lăng mù chữ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động trong cả nước phong trào xóa nạn mù chữ (tức phong trào Bình dân học vụ), tiếp đó là phong trào Bổ túc văn hóa, mở các trường phổ thông nên trình độ văn hóa của nhân dân các dân tộc nơi đây không ngừng được nâng lên. Nhân dân trong xã đã tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác và dịch vụ tại địa phương. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Xã đã tích cực tiếp nhận và triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn có chuyển biến tích cực. Địa phương đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm; sản lượng lương thực có hạt bình quân hằng năm đạt trên 3.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp đạt 70 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm. Xã đã xây dựng được làng nghề chè truyền thống Tân Thành.
image 20220525171245 1
Thu hoạch chè tại xóm Tân Lập 1, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
Cơ sở vật chất các nhà trường phổ thông trên địa bàn được đầu tư đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Trên địa bàn xã có 4 trường học, trong đó có 2 trường phổ thông dân tộc bán trú. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 3 trường; giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng dạy và học được nâng lên, số học sinh khá, giỏi năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS đạt 100%. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Trung tâm học tập cộng đồng xã mở 30 lớp tập huấn với 1.501 lượt người tham gia. Trạm Y tế thực hiện tốt việc khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, y tế dự phòng và công tác phòng dịch được chú trọng, trong những năm qua không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Là vùng đất có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc có nét văn hóa khác nhau từ nhà ở, trang phục đến tập quán canh tác và các tục lệ tín ngưỡng. Từ đầu thế kỷ XXI, tại xã có một số hộ người Mông ở Bản Tèn, Mỏ Nước, Văn Lăng, Liên Phương và Khe Cạn theo đạo Tin Lành. Do cấp ủy, chính quyền thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tôn giáo nên tình hình an ninh chính trị tại Văn Lăng luôn được đảm bảo, nhân dân phấn khởi, đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất, không ngừng cải thiện cuộc sống. Văn Lăng đã đạt được 15/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trương Công Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: “Những đổi thay, phát triển của mảnh đất, con người Văn Lăng luôn gắn liền với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, không chỉ trước mắt mà là lâu dài nên Đảng bộ xã luôn đề cao vai trò của tổ chức đảng và tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là khơi dậy tính tự lực, tự cường, chủ động tích cực của người dân, đa dạng hóa các nguồn lực, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện chương trình”. 
Tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng Văn Lăng hiện còn gặp một số khó khăn hạn chế như: Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã còn chậm, chưa có nhiều mô hình điển hình trong phát triển kinh tế. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số chi bộ còn hạn chế. Hoạt động của “Tổ chức Dương Văn Mình” ở một số xóm người Mông còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự…
Để khắc phục những khó khăn hạn chế nêu trên và đạt được mục tiêu đến năm 2025 xã về đích nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Văn Lăng lần thứ XVII đã đề ra, thiết nghĩ Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã cần tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất rừng sang trồng cây khác có giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cao trên thị trường; thực hiện chuyển đổi trồng mới và trồng thay thế bằng giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trong đó xác định cây chè là cây trồng thế mạnh của xã; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chế biến sản phẩm trà để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với kỷ cương, pháp luật, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị của địa phương./.
                                                                                                           Kiều Hoa
                                  

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập341
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm340
  • Hôm nay55,273
  • Tháng hiện tại1,204,903
  • Tổng lượt truy cập24,122,194
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây