Thái Nguyên: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thứ năm - 18/08/2022 03:49 0
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Thái Nguyên luôn cần cù sáng tạo trong lao động xây dựng cuộc sống; đoàn kết anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trên mảnh đất này tự hào là quê hương của nhiều danh nhân lịch sử văn hóa như: Lý Nam Đế, Dương Tự Minh, Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống, Đỗ Cận, Nguyễn Cầu, Phạm Nhĩ, Đàm Sâm… Năm 1884, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Thái Nguyên, chúng đã vấp phải tinh thần phản kháng mạnh mẽ, liên tục của nhân dân Thái Nguyên kéo dài từ cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỷ XX; tiêu biểu nhất là Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo.
Tiếp nối truyền thống đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã phát huy cao độ lòng yêu nước của các thế hệ đi trước. Cuối năm 1936, cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên thành lập ở La Bằng (Đại Từ), phong trào cách mạng tỉnh Thái Nguyên bắt đầu có sự chuyển biến mạnh mẽ. Từ giữa năm 1941 các tổ chức Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh lần lượt ra đời và hoạt động sôi nổi khắp nơi. Thái Nguyên trở thành một trung tâm cách mạng quan trọng của cả nước; nơi ra đời và là địa bàn hoạt động chủ yếu của Trung đội Cứu quốc quân II (một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam); vùng giáp ranh hai huyện Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên) với Hiệp Hoà (Bắc Giang) được Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kì chọn làm An toàn khu II của Trung ương trong những năm 1943 - 1945…
image 20220818144946 1
Chùa Đán - Nơi Quân giải phóng tập kết trước khi tiến vào giải phóng thị xã Thái Nguyên, tháng 8/1945
(phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên)
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), dưới ánh sáng của bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, cao trào kháng Nhật cứu nước dâng lên khắp toàn quốc. Thời cơ cho nhân dân ta nổi dậy Tổng khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Huyện Định Hoá (Thái Nguyên) nằm trong dự định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm nơi Người “dừng chân ở đây một thời gian để cơ mưu việc lớn”. Về sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: Thời kỳ tiền khởi nghĩa khi Bác về Pắc Bó đã có ý định phát triển cơ sở xuống Thái Nguyên, vì Thái Nguyên là địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng, về sau này có thể di chuyển cơ quan của Bác gần Trung ương Đảng hơn, do đó Bác đã chỉ thị cho tôi tổ chức con đường Nam tiến “con đường trong lòng dân”! Đến cuối năm 1943, con đường đã thông. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tôi đã cùng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tiến về Chợ Chu (Định Hoá - Thái Nguyên) và ngày 15/5/1945 tổ chức thống nhất hai đội quân Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và đội Cứu quốc quân thành Việt Nam Quân giải phóng tại Định Biên Thượng (Định Hoá). Tiếp đó, tôi nhận được chỉ thị của Bác Hồ bố trí cho Bác về làm việc ở Chợ Chu. Tôi bàn với hai anh Tấn và Song Hào đề nghị Bác chọn Tân Trào vì Chợ Chu tuy cơ sở chính trị, kinh tế đều tốt nhưng có đường thông thương với Thái Nguyên dễ bị địch uy hiếp; còn Tân Trào, dân cư thưa thớt, kinh tế có khó khăn nhưng địa thế hiểm trở hơn. Châu Sơn Dương còn cách tỉnh lị Tuyên Quang bởi con sông Lô, tiện bảo vệ (1).
Chấp hành chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc, ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ các tỉnh trong vùng Việt Bắc, tuyên bố chính thức thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Dưới sự lãnh đạo của của Uỷ ban lâm thời Khu giải phóng, các tổ chức đảng, Mặt trận Việt Minh ở Thái Nguyên đã động viên nhân dân tăng gia sản xuất; thanh toán nạn mù chữ, thực hiện đời sống mới; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết; nam nữ bình quyền; vận động giảm tô, giảm tức, hoãn nợ...
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cùng với vị trí chiến lược của mình, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã có những đóng góp quan trọng để tạo nên thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những đóng góp đó trong tiến trình chung của lịch sử dân tộc thời kỳ này được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, nhân dân Thái Nguyên chiến đấu bảo vệ cơ sở cách mạng; góp phần bảo vệ Thủ đô Khu giải phóng Tân Trào, tạo ra tiền đề cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), cơ sở cách mạng ở Thái Nguyên đã phát động quần chúng đóng góp lương thực, thực phẩm, vũ khí để cung cấp cho lực lượng vũ trang; đồng thời tổ chức các đội tự vệ Cứu quốc thành những đơn vị chiến đấu. Sau khi bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ban hành, nhiều cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Nguyên đã nhanh chóng diễn ra.
Tại Võ Nhai, từ ngày 21 đến 23/3, chính quyền cách mạng các xã La Hiên, Cúc Đường, Thượng Nung lần lượt ra đời. Sau khi thành lập chính quyền cách mạng xã Thượng Nung, ngày 23/3, đoàn cán bộ của Mặt trận Việt Minh và Cứu Quốc quân Võ Nhai chia thành hai bộ phận, một bộ phận tiến về thành lập chính quyền cách mạng ở các xã: Vũ Chấn, Nghinh Tường, Thần Sa và Văn Lăng; một bộ phận tiến về thành lập chính quyền cách mạng ở các xã Cường Thịnh (nay là Tân Long), Hoà Bình, Lịch Sơn và Xuân Quang (nay Xuân Quang và Lịch Sơn hợp nhất thành xã Quang Sơn). Ngày 26/3, chính quyền cách mạng các xã Tràng Xá, Phương Giao, Bình Long cũng lần lượt ra đời. Ngày 10/4, chính quyền cách mạng xã Lâu Thượng, Phú Thượng cũng được thành lập.
Tại Định Hoá, đêm 25/3/1945, một trung đội Cứu quốc quân và lực lượng tự vệ bao vây đồn lính khố xanh và châu lị Chợ Chu. 3 giờ sáng ngày 26/3/1945, Ban Chỉ huy thống nhất ra lệnh nổ súng đánh đồn lính khố xanh; binh lính địch chỉ chống cự yếu ớt rồi vứt súng tháo chạy trong hoảng loạn. Thừa thắng, quân cách mạng tiến vào chiếm phủ đường, tịch thu toàn bộ sổ sách, giấy tờ và chiến lợi phẩm. Châu lị Định Hoá hoàn toàn được giải phóng, Cứu quốc quân phá nhà lao giải thoát cho hơn 200 tù nhân; phá kho thóc chia cho dân cứu đói. Bộ máy tay sai trong toàn châu Định Hoá bị xoá bỏ.
Tại Đại Từ, ngày 29/3/1945, đơn vị Cứu quốc quân do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy có lực lượng tự vệ các xã phía Bắc phối hợp và hàng trăm quần chúng sôi sục khí thế cách mạng kéo về bao vây tấn công quân địch tại Đại Từ. Cuộc tiến công chớp nhoáng của lực lượng vũ trang cách mạng đã làm tan rã hoàn toàn bộ máy chính quyền địch ở Đại Từ. Sáng ngày 31/3/1945, Cứu quốc quân tổ chức một cuộc mít tinh quần chúng tuyên bố chính quyền địch từ huyện đến làng, xã đã bị xoá bỏ, hiệu triệu mọi người góp công sức ủng hộ cách mạng, xây dựng chính quyền mới.
Trung tuần tháng 6/1945, tại thị xã Thái Nguyên, phát xít Nhật tập trung hơn 1.000 quân, tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn lên Đại Từ, Định Hoá, đánh vào căn cứ Núi Hồng để uy hiếp Tân Trào từ phía Đông Nam. Quyết tâm đánh địch, bảo vệ quê hương, bảo vệ Thủ đô Khu giải phóng, quân và dân Định Hoá, Đại Từ đã phối hợp chặt chẽ với Quân giải phóng chặn đánh địch quyết liệt ở nhiều nơi, bẻ gẫy nhiều cuộc càn quét của chúng, làm thất bại âm mưu đánh phá căn cứ Núi Hồng, bảo vệ an toàn Thủ đô Khu giải phóng Tân Trào từ phía Đông Nam.
Từ cuối tháng 6 đầu tháng 7/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước ở Thái Nguyên đạt tới đỉnh cao. Các tổ chức cứu quốc, đặc biệt là lực lượng tự vệ ở hầu khắp các huyện, xã trong tỉnh được củng cố và hoạt động tích cực, chuẩn bị về tinh thần và vật chất bước vào quá trình giành chính quyền trong toàn tỉnh mà điểm cuối cùng là giải phóng thị xã ngày 20/8/1945.
Hai là, Thái Nguyên tiếp tế lương thực, thực phẩm cho Thủ đô Khu giải phóng, góp phần xây dựng Khu giải phóng ngày càng vững mạnh.
Với vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh Thái Nguyên nói chung, trực tiếp là 2 huyện Đại Từ, Định Hoá trở thành lá chắn bảo vệ vững chắc phía Đông Nam Thủ đô Khu giải phóng. Đồng thời là nơi đảm bảo hậu cần chủ yếu cho Tân Trào, nơi có hàng ngàn cán bộ của Đảng, Tổng bộ Việt Minh, Quân giải phóng và cán bộ các địa phương trong toàn quốc về dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân.
Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vinh dự này, Ban Việt Minh, chính quyền cách mạng các cấp trong tỉnh vừa lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Nhật vừa tiến hành hàng loạt nhiệm vụ quan trọng khác. Trước hết động viên toàn dân đóng góp lương thực, thực phẩm để cung cấp cho Thủ đô Khu giải phóng. Với tinh thần yêu nước và cách mạng lên cao, chỉ tính riêng châu Định Hoá trong vòng 10 ngày đầu cuộc vận động, nhân dân trong châu đã ủng hộ gần 10 tấn thóc, 100 con trâu, trên 100 con lợn và hàng trăm kg thực phẩm khác. Uỷ ban nhân dân cách mạng châu Định Hoá đã huy động gần một trăm nam, nữ thanh niên gùi, gánh, đưa số lương thực, thực phẩm này vượt đèo De sang Tân Trào phục vụ kịp thời Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân.
Từ sau ngày phát xít Nhật tấn công chiếm đóng Thái Nguyên, nạn thiếu muối ăn của nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng miền núi trở nên gay gắt. Ở Định Hóa, quân Nhật tìm cách phong toả, ngăn chặn những nhà buôn vận chuyển muối từ tỉnh lị Thái Nguyên lên các châu, huyện miền núi. Sự sống của con người không thể một ngày thiếu muối. Uỷ ban nhân dân cách mạng châu Định Hoá đã chỉ đạo bằng mọi cách phải đưa muối lên cho đồng bào các xã Định Hoá và Thủ đô Khu giải phóng.
Cao trào kháng Nhật đang phát triển rất mạnh, cuộc chiến tranh Châu Á - Thái Bình Dương sắp kết thúc, chúng ta đang giành được thế chủ động trên chiến trường thì cuối tháng 7/1945, Bác Hồ bị bệnh nặng, các đồng chí Trung ương và Tổng bộ Việt Minh, hết sức lo lắng, cử người đi các nơi tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh cho Bác. Ông Ma Đình Tập, xã Thanh Định (Định Hoá) đã biếu củ sâm quý bồi dưỡng sức khoẻ cho Bác. Đến tháng 8/1945, sức khỏe của Người dần bình phục trở lại và Bác đã chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội; lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Ba là, Thái Nguyên đón Giải phóng quân và Bác Hồ từ Tân Trào tiến về Hà Nội lãnh đạo thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 13/8/1945, tại Tân Trào (Tuyên Quang), Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Hội nghị quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Chiều ngày 16/8/1945, tại Tân Trào một đơn vị Giải phóng quân, trong đó có một Đại đội Việt - Mĩ làm lễ xuất phát, hướng về Thái Nguyên. Đoàn quân Giải phóng đi từ Tân Trào, vượt Đèo Khế sang Thái Nguyên. Đến 13 giờ ngày 19/8/1945, bộ đội Giải phóng quân đã có mặt ở làng Thịnh Đán, lực lượng gồm 3 đại đội, tất cả khoảng 450 người, được tổ chức thành một chi đội do đồng chí Lâm Cẩm Như (tức Lâm Kính) làm Chi đội trưởng. Bộ chỉ huy trận đánh tỉnh lị Thái Nguyên gồm có đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trần Đăng Ninh; giúp việc có các đồng chí Phạm Mỹ, Nguyễn Chính, Châu Ký và Hùng Việt.
Buổi tối ngày 19/8/1945, Bộ chỉ huy Quân Giải phóng triệu tập một cuộc họp chung với cán bộ lãnh đạo tỉnh để thống nhất lực lượng và hoạt động chung“Khởi nghĩa giải phóng thị xã Thái Nguyên”. Ban Tỉnh uỷ lâm thời Thái Nguyên được thành lập. Quân Giải phóng tập trung lực lượng tấn công quân Nhật tại thị xã Thái Nguyên. Chiều ngày 20/8/1945, một cuộc mít tinh quần chúng được tổ chức tại sân vận động thị xã; đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc, tuyên bố xoá bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên, thực hiện các chính sách của Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch ra mắt quần chúng nhân dân, đánh dấu sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Nguyên.
Trên đường từ Tân Trào (Tuyên Quang) qua Thái Nguyên về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh được cán bộ, cơ sở cách mạng của Thái Nguyên đón tiếp chu đáo và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Khoảng 21 giờ ngày 22/8/945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến thị xã Thái Nguyên. Dù rất mệt vì mới trải qua trận ốm nặng, lại vượt qua một quãng đường dài, nhưng ngay tối hôm đó, Người vẫn gặp gỡ các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh để nắm tính hình địa phương và căn dặn những việc cần làm đối với một chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng dậy, tiến hành cuộc Khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với những đóng góp quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và vị trí chiến lược, Thái Nguyên đã được chọn làm Thủ đô của kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã có nhiều quyết định lịch sử quan trọng liên quan tới vận mệnh dân tộc, đặc biệt, ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ quyết định này lịch sử này, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”./.
  Kiều Hoa (tổng hợp)
(1) Bài phát biểu của đồng chí Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo “Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hoá trong căn cứ địa Việt Bắc (1947 - 1954)” do Tỉnh uỷ Thái Nguyên và Viện Lịch sử Đảng tổ chức, Kỷ yếu Hội thảo do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên xuất bản năm 1997.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập215
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay35,592
  • Tháng hiện tại1,073,979
  • Tổng lượt truy cập13,495,478
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây