Công tác đền ơn đáp nghĩa trên quê hương cách mạng - Nơi ra đời ngày Thương binh - Liệt sĩ

Thứ bảy - 23/07/2022 03:34 0
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Thái Nguyên có nhiều người dân hăng hái đóng góp công của, xây dựng nên những cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh đầu tiên ở nước ta; toàn bộ các hoạt động dẫn đến cuộc mít tinh chiều tối ngày 27/7/1947, ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương Binh - Liệt sĩ cũng diễn ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Phát huy truyền thống cách mạng quý báu đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Sau 60 ngày “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, theo Chỉ thị của Bác Hồ và lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, đến sáng ngày 18/2/1947, đơn vị cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô đã bí mật rút qua gầm cầu Long Biên, vượt sông Hồng sang vùng tự do an toàn. Sau đó, hàng trăm thương binh của Trung đoàn được đưa về xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để chăm sóc, chữa chạy. Bà Nguyễn Thị Đích - tức bà Bá Huy, Bí thư Hội phụ nữ Cứu quốc xã đã hăng hái vận động nhân dân Lục Ba đóng góp công sức, tiền của cùng Bà làm 10 gian nhà, sắm sửa giường, chiếu, chăn màn cho An dưỡng đường số 1 - cơ sở nuôi dưỡng thương binh đầu tiên ở nước ta. Bà còn ủng hộ 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc và 1 con trâu; cho Phòng Thương binh thuộc Cục Chính trị, Quân đội Quốc gia Việt Nam ở và làm việc tại nhà mình, đồng thời vận động các gia đình trong xã đón thương binh về nuôi, vận động chị em phụ nữ giặt giũ quần áo, nấu ăn cho thương binh và vận động các cô gái lấy thương binh làm chồng. Tại xã Lục Ba ngày ấy, có chị Trần Thị Lệ lấy anh thương binh Đỗ Công Chức, chị Nguyễn Thị Tình lấy anh thương binh Phí Văn Thuyên. Ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen bà Bá Huy, trong thư, Người viết: “Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà, và ngợi khen bà. Đồng thời tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể nam nữ đồng bào ở vùng đó, đã giúp công, giúp của với bà, để lập nên an dưỡng đường "BÀ BÁ HUY". Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh".
Cũng trong thời gian này, tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, gia đình ông Đặng Văn Ẩm đã nhường 8 gian nhà để lập An dưỡng đường số 2, giúp đỡ nhiều lương thực, thực phẩm và ủng hộ 5 mẫu ruộng, 4 con trâu cho đơn vị tăng gia sản xuất. Như vậy, những An dưỡng đường đầu tiên của đất nước để nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã được xây dựng nên với công sức đóng góp của nhiều người dân Thái Nguyên giàu lòng hiếu nghĩa, bác ái.
Toàn quốc kháng chiến được 6 tháng, chiến sự ngày càng ác liệt, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu ngày càng tăng. Tháng 6/1947, từ Phủ Chủ tịch trên đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để nhân dân ta bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn đối với thương binh. Ban vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập gồm đại diện Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương. Cuối tháng 6/1947, Ban vận động họp tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, đề xuất chọn ngày 27/7 hàng năm là “Ngày Thương binh toàn quốc” và đề nghị thực hiện ngay trong năm 1947. Đề xuất này được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí. Ngày 17/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi Ban Thường trực Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, trong thư, Người viết: “Thương binh là những người hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy… tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng lại là 1.127 đồng”.
Ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên được mở đầu bằng cuộc mít tinh vào chiều tối ngày 27/7/1947 tại gốc đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn - nay là tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với sự tham gia của hơn 300 đại biểu. Tại cuộc mít tinh, các đại biểu đã nghe công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc. Từ đó, ngày 27/7 hàng năm trở thành Ngày Thương binh toàn quốc - ngày toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đến tháng 7/1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Tháng 7/1997, địa điểm tổ chức cuộc mít tinh chiều tối ngày 27/7/1947 tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng Di lích lịch sử Quốc gia. Kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/1997), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng và khánh thành Khu Di tích lịch sử quốc gia 27-7. Năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đảng và Nhà nước đã cho quy tụ chân hương của các anh hùng liệt sĩ từ các nghĩa trang Quốc gia, đền tưởng niệm lớn trong nước về thờ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia 27-7. Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xếp hạng di tích Địa điểm An dưỡng đường Bà Bá Huy là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2022, kỷ niêm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư 35 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo Khu Di tích lịch sử quốc gia 27-7, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn của Trung ương, các địa phương, đơn vị và nhân dân cả nước về đây thành kính dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh để giành và giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
image 20220723143604 1
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy các tỉnh Khánh Hòa, Sóc Trăng, Thái Nguyên dâng hương
và chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử quốc gia 27-7
Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập, kháng chiến chống ngoại xâm, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tỉnh Thái Nguyên có hơn 130 ngàn người và gia đình có công với cách mạng, trong đó có trên 10 ngàn liệt sĩ, trên 14 ngàn thương binh, bệnh binh, 580 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 13.978 người bị nhiễm chất độc da cam - đioxin, 24 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm công trình ghi công và nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 di tích lịch sử Quốc gia. Phát huy đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” , “Đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của dân tộc, tự hào là địa phương có những người dân hăng hái đóng góp công, của xây dựng cơ sở nuôi dưỡng, điều trị thương binh đầu tiên của đất nước, địa phương ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã tích cực thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Những ngày lễ, Tết và những ngày có sự kiện quan trọng, các địa phương đều tổ chức dâng hương, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ. Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm, tỉnh Thái Nguyên tổ chức các đoàn dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nhiều nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia, thăm tặng quà nhiều thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh các cấp sửa sang, làm sạch gọn và thắp nến tri ân tại các khu di tích lịch sử, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ. Nhân dịp tổng kết công tác năm, lễ kết nạp đảng viên hoặc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, đảng viên, học viên dâng hương, báo công tại Nhà Tưởng niệm Bác Hồ ở ATK Định Hóa hoặc Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 - Đội 91 Bắc Thái. Bên cạnh đó, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã vượt lên khó khăn, bệnh tật, hòa mình vào cuộc sống, tích cực lao động, công tác, trở thành cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể hoặc trở thành doanh nhân có uy tín trong và ngoài tỉnh.
image 20220723143604 2
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên thắp hương các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, ngày 16/7/2022
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào đền ơn đáp nghĩa”, 178/178 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và người có công; đến năm 2021, toàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 18/18 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng suốt đời; Trung tâm Điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mỗi năm đón khoảng 2.000 lượt người nghỉ ngơi, điều dưỡng theo chế độ; tỉnh đã dành một phần ngân sách để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 800 ngàn lượt người, trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 7.500 lượt người, hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất ở cho 8.912 hộ, hỗ trợ đất ở cho 150 hộ gia đình người có công, thực hiện chính sách ưu đãi giáo dục, đào tạo cho trên 41.000 lượt học sinh, sinh viên.
Công tác thăm viếng, tìm kiếm, quy tập, di chuyển hài cốt liệt sĩ được tỉnh chú trọng. Thông qua chính sách ưu đãi, đã có trên 2.300 lượt thân nhân người có công được hỗ trợ thăm viếng, gần 150 thân nhân được hỗ trợ di chuyển mộ liệt sĩ, gần 500 thân nhân được hỗ trợ tiếp nhận hài cốt liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, quy tập và xác định thông tin liệt sĩ được chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các cơ quan chuyên môn và các địa phương đã phối hợp rà soát, chuẩn hoá, hoàn thiện 125 hồ sơ được cho là hi sinh, từ trần; thực hiện cất bốc, quy tập trên 60 hài cốt liệt sĩ; khai quật 701 phần mộ, trong đó có trên 50% phần mộ đã lấy được mẫu sinh phẩm để xác định ADN.
Qua 15 năm phát động ủng hộ, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp trong tỉnh vận động được hơn 90 tỷ đồng; hỗ trợ làm nhà ở cho 1.504 hộ gia đình (gần 48 tỷ đồng); sửa chữa 449 ngôi nhà (gần 5,3 tỷ đồng); hỗ trợ tu bổ 167 công trình ghi công liệt sĩ (gần 7,1 tỷ đồng). Quỹ Nạn nhân chất độc Da cam các cấp trong tỉnh mỗi năm huy động được gần 2 tỷ đồng. Cùng với các nguồn lực ngoài Quỹ là sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân thông qua nhiều hình thức như: Tặng quà Tết Nhâm Dần, hỗ trợ làm 5 nhà mới, sửa chữa 4 nhà, thăm hỏi ốm đau, đi viện, hỗ trợ khó khăn đột xuất, phúng viếng…với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Năm 2022, Hội đồng quản lý Quỹ Nạn nhân chất độc Da cam cấp tỉnh có kế hoạch tặng quà, hỗ trợ làm mới và sửa nhà, điều trị bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ gia đình nạn nhân khó khăn với tổng kinh phí 640 triệu đồng; tặng 3.000 cuốn vở cho học sinh là con, cháu nạn nhân chất độc Da cam - dioxin. Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19, toàn tỉnh đã hỗ trợ 17.379 người và thân nhân người có công tổng số tiền trên 26 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương bảo đảm gần 8 tỷ đồng.
Tự hào là vùng đất có những người dân giàu lòng hiếu nghĩa, bác ái, đóng góp công, của xây dựng các An dưỡng đường đầu tiên trong cả nước để nuôi dưỡng thương binh, tự hào là quê hương của Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững để tỏ lòng biết ơn và để xứng đáng với sự hi sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và những người có công với cách mạng.
  Hà Minh Lợi

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 (1947-1948, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2000.

2. Ban Tuyên giáoTrung ương: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).
3. TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: Góp phần tìm hiểu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đền ơn đáp nghĩa qua tài liệu bản thảo lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, Hội Nạn nhân chất độc Da cam - dioxin tỉnh Thái Nguyên: Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022.

 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập214
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm175
  • Hôm nay46,865
  • Tháng hiện tại909,808
  • Tổng lượt truy cập13,331,307
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây