Chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Thái Nguyên: Những kỳ vọng khả quan

Thứ năm - 23/06/2022 21:38 0
Là một trong những tỉnh đứng trong Top đầu cả nước về chuyển đổi số (CĐS), Thái Nguyên đã đạt thành tựu trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn của tỉnh Thái Nguyên. Không chỉ giúp phục hồi nhanh sau cơn bão của đại dịch COVID-19, thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, giúp nông sản của Thái Nguyên khẳng định chỗ đứng trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2021 được đánh giá là năm khó khăn do sự bùng phát của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chịu tác động không nhỏ. Trước thực tế đó, với vai trò là cầu nối, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực đa dạng hóa cả về hình thức và nội dung các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức các gian hàng nhận diện “Điểm kết nối, tiêu thụ sản phẩm quả na” tại các siêu thị, trung tâm thương mại... là một minh chứng rõ nét. Bằng các hình thức được triển khai qua các phương tiện truyền thông, kết nối; các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thương mại điện tử (TMĐT) đã góp phần nâng tầm thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm quả na của Võ Nhai. Kết thúc chương trình, có trên 80 tấn quả na đã đến tay người tiêu dùng. Và cũng từ đây, kênh thông tin mua bán trực tuyến qua sàn TMĐT, qua các kênh trực tuyến hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu phát triển.
image 20220624083932 1
Việc tổ chức hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn TMĐT đã giúp Võ Nhai tiêu thụ 80 tấn quả na
Cũng giống như na Võ Nhai, sản phẩm miến Việt Cường, huyện Đồng Hỷ và chè của HTX Chè Hảo Đạt, TP. Thái Nguyên đều đứng vững trên thị trường với doanh thu cao hơn các năm trước, nhờ việc áp dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh; giao dịch qua các sàn TMĐT, vì thế hoạt động của hai HTX không bị ngưng trệ, thậm chí tăng doanh số khi thời điểm dịch cao điểm.
image 20220624083934 2
Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhờ các sàn giao dịch TMĐT mà hoạt động sản xuất
của HTX Chè Hảo Đạt vẫn diễn ra bình thường, doanh thu không bị sụt giảm
Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết: Để thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS đối với ngành Nông nghiệp, Sở đã xây dựng một cơ sở dữ liệu chung của ngành để tích hợp các nội dung tiện ích làm tốt công tác quản lý; ứng dụng công nghệ số để giải quyết những thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, đã xây dựng một phần mềm quản lý chất lượng nông sản với những giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm của gần 400 doanh nghiệp và HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, về phía Sở cũng đã triển khai ứng dụng sàn giao dịch điện tử. Đây một trong những trường thông tin thuộc ứng dụng C-Thai Nguyen. Thông qua ứng dụng này, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của các HTX trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ đăng tải từ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, đặc điểm, giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn cho hộ SXNN biết cách tạo tài khoản mua/bán trên sàn TMĐT, cách thức triển khai bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội, đồng thời giúp bà con nông dân biết cách quảng bá sản phẩm của mình rộng rãi hơn.
image 20220624083934 3
Bằng công nghệ CĐS, những hình ảnh, thông điệp từ sản phẩm Trà Thái Nguyên đã được bà con nông dân
gửi đến khách hàng trong và ngoài nước qua thiết bị hỗ trợ livestream
Đến nay, có khoảng 166.000 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo tài khoản và đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) với gần 2.500 sản phẩm nông nghiệp. Tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt gần 5.400 giao dịch và tổng giá trị giao dịch trên 1,6 tỷ đồng. Cùng với đó, các đơn vị đã hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật phát sóng trực tiếp (livestream) bán sản phẩm trên mạng xã hội trực tiếp cho 500 lượt người và hàng nghìn lượt người tham gia bằng hình thức trực tuyến; hỗ trợ đăng ký mã số, mã vạch và website quảng bá sản phẩm cho hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, mặc dù trải qua đại dịch COVID-19, nhưng nhờ việc đưa nông sản lên sàn TMĐT, Thái Nguyên có rất nhiều hộ sản xuất nông sản có kết quả kinh doanh rất tích cực.
Chương trình CĐS quốc gia đã đề ra một số định hướng CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; thực hiện CĐS trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu; tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Từ những định hướng này, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên xác định, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: chè, quả (na, nhãn, bưởi), gỗ, quế, lợn, gà, trứng; các sản phẩm OCOP…
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, đặc biệt chú trọng việc CĐS trong cải cách hành chính; xây dựng phần mềm dùng chung để phục vụ quản lý dữ liệu ngành, ứng dụng công nghệ số trong chỉ đạo sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và thương mại điện tử trong nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản; đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh vươn xa thị trường trong nước và nước ngoài. Cùng đó, phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh sớm hoàn thiện, đưa vào hoạt động có hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh biến phức tạp, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, CĐS được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp. Đây không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp tỉnh nhà.
Thu Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập149
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay37,045
  • Tháng hiện tại893,522
  • Tổng lượt truy cập13,315,021
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây